VTVCab chuẩn bị huy động 400 tỷ đồng trái phiếu

Từ năm 2016 đến nay do việc "lấy ngắn nuôi dài", VTVCab đã sử dụng vốn ngắn hạn phục vụ nhu cầu đầu tư dài hạn dẫn tới vốn lưu động liên tục âm, mất cân đối vốn.

Không chia cổ tức vì lỗ lũy kế nhưng dành hơn 24 tỷ cho khen thưởng, phúc lợi

Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVCab) vừa công bố tài liệu họp đại hội cổ đông thường niên năm 2019 và cũng là đại hội đầu tiên của VTVCab sau khi cổ phần hóa vào ngày 30/6/2018.

VTVCab chuẩn bị huy động 400 tỷ đồng trái phiếu - Ảnh 1
Kế hoạch kinh doanh của VTVCab từ 2019 - 2023 (Nguồn: VTVCab)
 

Năm 2019, VTVCab lên kế hoạch doanh thu thuần 2.199 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2018 còn lợi nhuận sau thuế gần 64 tỷ đồng tương đương năm trước.

Đáng lưu ý, Tổng công ty dự kiến vốn lưu động ròng sau khi loại trừ ảnh hưởng của người mua trả tiền trước ngắn hạn âm gần 253 tỷ đồng. Năm 2018, vốn lưu động tại thời điểm cuối năm của VTVCab âm 520 tỷ đồng báo hiệu tình trạng tài chính khó khăn, khó có khả năng trả nợ.

Với kế hoạch kinh doanh tới năm 2023 trình đại hội cổ đông, VTVCab dự kiến từ năm 2020 doanh thu thuần của Tổng công ty sẽ tăng trưởng còn lãi sau thuế sẽ ghi nhận sự bứt phá từ năm 2021. Đặc biệt vốn lưu ròng sẽ dương trở lại từ năm 2021 trở đi sau khi loại trừ ảnh hưởng của người mua trả tiền trước ngắn hạn, tuy nhiên nếu không loại trử khoản này thì từ 2020 – 2023 vốn lưu động tiếp tục vẫn âm trên 200 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, hệ số nợ phải trả trừ đi quỹ khen thưởng phúc lợi/vốn chủ sở hữu tới năm 2023 đều duy trì ở mức trên 3 lần dù có chiều hướng giảm.

Do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2018 của VTVCab âm hơn 17 tỷ đồng nên Hội đồng quản trị đề xuất chưa thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền cho năm 2018. Năm 2018, lợi nhuận sau thuế của VTVCab là gần 64 tỷ đồng chỉ vượt 8% so với kế hoạch nhưng ban lãnh đạo doanh nghiệp lại “mạnh tay” dự kiến trích ra hơn 24 tỷ đồng vào quỹ khen thưởng phúc lợi cho người lao dộc và gần 191 triệu đồng  vào quỹ thưởng của quản lý.

Trong đại hội tới, VTVCab cũng trình cổ đông thông qua kế hoạch đầu tư của Công ty mẹ với dòng tiền chi trong năm là gần 181 tỷ đồng so với tổng dự toán gần 357 tỷ đồng.

Mất cân đối vốn vì "lấy ngắn nuôi dài"

Đáng chú ý, để đáp ứng nhu cầu vốn VTVCab dự kiến phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu được chia làm nhiều đợt.

VTVCab cho biết sau khi chuyển đổi sang hình thức Công ty TNHH Nhà nước MTV đã tạo cơ hội mở rộng thị trường nhưng phát sinh thêm nhu cầu vốn. Để giảm thiểu chi phí sử dụng vốn và tận dụng đặc thù của VTVCab là nguồn thu ổn định, tăng trưởng đều, doanh nghiệp đã sử dụng một phần vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn như mở rộng địa bàn kinh doanh; đầu tư nâng cấp, cải tạo kỹ thuật, hệ thống truyền dẫn phát sóng để nâng chất lượng dịch vụ và tăng cạnh tranh; mua sắm thiết bị… Tuy nhiên điều này đã dẫn đến tình trạng mất cân đối vốn của VTVCab.

VTVCab chuẩn bị huy động 400 tỷ đồng trái phiếu - Ảnh 2
Cơ cấu nguồn vốn của VTVCab 3 năm gần đây (Nguồn: VTVCab)
 

Từ thời điểm cuối năm 2016 đến hết năm 2018, vốn lưu động ròng của doanh nghiệp luôn âm trên 300 tỷ đồng thậm chí tại thời điểm ngay trước ngày cổ phần hóa 30/6/2018 vốn lưu động của VTVCab âm 490 tỷ đồng.

Để giải quyết vấn đề mất cân đối vốn, VTVCab đã tiến hành cổ phần hóa để thu hút nguồn vốn tuy nhiên quá trình lại bị kéo dài, một số nhà đầu tư chiến lược còn cân nhắc, việc đưa cổ phiếu lên sàn bị chậm nên hiện tại vốn chủ sở hữu vẫn chưa tăng.

Vì vậy doanh nghiệp đã lên phương án phát hành trái phiếu để tăng quy mô vốn thông qua chi trả trực tiếp cho các khoản phải trải hiện có, các khoản phải trả đến hạn và phát sinh; bổ sung vốn lưu động và giảm thiểu mất cân đối vốn.

 

Hoàng Kiều

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục