Viettronics sẽ thoán vốn để tập trung nguồn lực

(Kinhdoanhnet) - Tổng Công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam (Viettronics - VEIC) đã trình phương án thoái vốn ở một loạt công ty nhằm tập trung nguồn lực vốn cho các đơn vị có cơ cấu đầu tư phù hợp với định hướng phát triển và chiến lược chung của doanh nghiệp.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa diễn ra hôm 23/6, Tổng Công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam (Viettronics – VEIC) đã thông qua phương án phương án thoái vốn ở một số doanh nghiệp.

Theo đó, các công ty nằm trong danh mục VEIC sẽ thoái vốn gồm: Công ty cổ phần Máy tính và Truyền thông Việt Nam (VietCom), Công ty cổ phần Bê tông li tâm Thủ Đức 1, Công ty liên doanh Điện tử Y tế Kỹ thuật cao AMEC, Công ty cổ phần Điện tử Hải Phòng (Hapelec), Công ty cổ phần Điện tử Tin học Viễn thông Nghệ An (Naleco).

Sau khi thực hiện thoái vốn ở các doanh nghiệp trên VEIC sẽ có thời gian và nguồn lực để tập trung vào các đơn vị có cơ cấu đầu tư phù hợp với định hướng phát triển và chiến lược chung của doanh nghiệp.

Bên cạnh phương án thoái vốn VEIC cũng trình lên HĐCĐ các phương án theo dõi các dự án mà Công ty đang tham gia.

Từ việc VEIC sẽ tìm kiếm đối tác quan tâm chuyển đổi một số vị trí thích hợp để làm Văn phòng Công ty tại Dự án 197 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP.Hồ Chí Minh đến Dự án E5 Cầu Giấy. Trong dự án E5, VEIC và các chủ đầu tư khác gồm Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Tập đoàn Điện lực (EVN) đã hoàn chỉnh thiết kế tổng mặt bằng và kiến trúc nộp Sở Quy hoạch Kiến trúc.

Hiện tại VEIC đang sở hữu 8 công ty con trong tình trạng kiểm soát vốn từ 51% đến 97,01%. Với số vốn điều lệ 438 tỷ đồng, tính đến hết năm 2013, tổng vốn đầu tư của VEIC tại các doanh nghiệp là hơn 360 tỷ đồng, bằng 82,23% vốn điều lệ của Công ty.

Năm 2013, VEIC đạt lợi nhuận hơn 43 tỷ đồng, chỉ đạt 82,73% so với kết hoạch năm 2013.

Không chỉ có VEIC mà hiện tại hàng loạt doanh nghiệp cũng đang thực hiện hoạt động thoái vốn của mình ở các doanh nghiệp khác.

Viettronics sẽ thoán vốn để tập trung nguồn lực - Ảnh 1
Các doanh nghiệp hiện đang phải thoái vốn để tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực trọng điểm

Một trường hợp tương tự là Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG). Trong năm 2014, DIG dự định tái cấu trúc nhóm doanh nghiệp và thoái vốn tại Fico Tây Ninh, tài chính Sông Đà, Công ty CP cao su Phú Riềng Kratie, J&D Đại An, Sông Đà 25.

Song song với việc thoái vốn DIG sẽ ổn định lại SXKD tại các doanh nghiệp thực hiện sáp nhập và sắp xếp lại nhằm đạt được hiệu quả cao nhất.

Sau khi thoái vốn và cơ cấu lại doanh nghiệp, DIG “sẽ rảnh tay” để có thể tiếp tục đầu tư vào 15 dự án khác, trong đó có những dự án được ưu tiên và có thể mang lại lợi nhuận cao.

Trào lưu thoái vốn này còn chịu sự ảnh hưởng từ những chính sách của nhà nước, khi các doanh nghiệp nhà nước sẽ phải dần thực hiện thoái vốn ở các lĩnh vực không liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp.

Có thể thấy một loạt các doanh nghiệp nhà nước đã tham gia thoái vốn như: EVN đã thoái được vốn trị giá 1.079 tỷ đồng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng sẽ thoái vốn hoàn toàn khỏi Ngân hàng Đại Dương (khoảng 20% vốn điều lệ hiện nay).

Vinacomin thì đang tìm cách thoái khoản đầu tư khoảng 300 tỷ đồng vào lĩnh vực ngân hàng, 70 tỷ đồng vào chứng khoán, bảo hiểm. Trong khi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vẫn còn phải bán gần 700 ngàn cổ phiếu đang nắm giữ của Công ty CP Sonadezi Long Thành thì Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng mới hoàn tất thoái vốn tại 5/37 doanh nghiệp ngoài ngành và sẽ còn phải thoái vốn tại 32 doanh nghiệp khác.

 NQ (Tổng Hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục