Vinamilk: Được UBCKNN thông qua kế hoạch chào mua công khai gần 47% cổ phần GTN

Theo báo cáo của VCSC, Vinamilk cho biết đã được chấp thuận chào mua công khai 46,68% cổ phần GTN, trước đó vào đầu tháng 4 lãnh đạo GTN đã đưa ra ý kiến "không có đủ cơ sở để đưa ra ý kiến đồng ý về phương án chào mua".

Theo bản tin ngày 10/4 của Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk – Mã: VNM) vừa tổ chức họp mặt nhà đầu tư.

Được UBCKNN thông qua kế hoạch chào mua gần 47% cổ phần của GTN

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư, Vinamilk cho biết đã được UBCKNN thông qua kế hoạch chào mua công khai 46,68% cổ phần GTN của Công ty cổ phần GTNfoods.

Theo cập nhật từ VCSC, Tổng Giám đốc Vinamilk cho biết Mộc Châu Milk (MCM), một công ty con gián tiếp của GTN là lý do chính khiến Công ty mong muốn mua lại cổ phần GTN. Mộc Châu Milk có chỗ đứng vững chắc tại miền Bắc và Vinamilk dự kiến sẽ hỗ trợ Mộc Châu Milk mở rộng quy mô, ví dụ như mở rộng mạng lưới phân phối. Ban lãnh đạo cho biết trước khi công bố kế hoạch chào mua công khai, Vinamilk đã gửi ban lãnh đạo GTN thư bày tỏ lý do chào mua và mong muốn hợp tác với GTN để phát triển Mộc Châu Milk.

Trước đó, Hội đồng quản trị của GTN đã có ý kiến phản hồi về việc chào mua công khai cổ phần của Vinamilk như sau: “Vinamilk là Công ty sản xuất và kinh doanh các sản phẩm sữa lớn tại Việt Nam và đang là đơn vị cạnh tranh trực tiếp với một trong những mảng kinh doanh cốt lõi của GTNfoods là hoạt động sản xuất, chế biến và phân phối sữa của CTCP Giống bò sữa Mộc Châu (MCM)”.

“Với phương án chào mua công khai mà VNM đã đưa ra, mục tiêu sở hữu GTN sau chào mua là 49% vốn điều lệ. Đến thời điểm đầu tháng 4 GTN mới chỉ nhận được hồ sơ đăng ký chào mua chính thức của Vinamilk mà chưa nhận được thêm bất cứ thông tin trao đổi, phản hồi nào khác về định hướng, chiến lược, phương án hợp tác của Vinamilk với vai trò cổ đông lớn. Do vậy Hội đồng quản trị GTN không có đủ cơ sở để đưa ra ý kiến đồng ý về phương án chào mua”, lãnh đạo GTN cho biết.

Lãi 2.800 tỷ đồng quý I, tiếp tục gia tăng thị phần

Theo báo cáo của VCSC, doanh thu Vinamilk quý I đạt 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.800 tỷ đồng, tăng lần lượt 9% và 3% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu trong quý I được thúc đẩy chủ yếu nhờ nhu cầu trong nước phục hồi, trong đó các ngành hàng và kênh phân phối đều đạt tăng trưởng tốt. Trong khi đó, xuất khẩu đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái.

Vinamilk tiếp tục giành thị phần trong quý I khi thị phần chung tăng 0,6 - 0,7 điểm % so với cuối năm 2018.

Doanh thu từ sữa từ kênh hiện đại tăng mạnh hơn nhiều so với kênh truyền thống. Ban lãnh đạo cho biết chi phí chiết khấu và khuyến mãi cho các kênh phân phối hiện đại thường cao hơn nên có biên lợi nhuận thấp hơn so với kênh truyền thống.

Ban lãnh đạo Vinamilk cũng cho biết biên lợi nhuận thuần quý I giảm do giá bột sữa đầu vào tăng do nhu cầu từ Trung Quốc tăng cao và thuế suất cao hơn do các ưu đãi thuế cho các nhà máy của doanh nghiệp dần dần hết hiệu lực.

Ngày 1/4/2019, Vinamilk đã tăng giá bán một số sản phẩm sữa bột thêm 1 - 2% để bù đắp cho chi phí sữa đầu vào tăng. Tỷ lệ chi phí tiếp thị/doanh thu giảm nhẹ trong quý I so với cùng kỳ.

Angkor Milk (công ty con tại Campuchia) tiếp tục tăng trưởng mạnh với doanh thu và lợi nhuận tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ mở rộng mạng lưới phân phối ngoài Phnom Penh.

Trong trung hạn, VNM đặt kế hoạch sẽ giữ được biên lợi nhuận trước thuế tối thiểu 20% so với 23% năm 2018.

Đến nay, Vinamilk đã chốt được giá bột sữa cho sản xuất đến tháng 8/2019. Ban lãnh đạo kỳ vọng giá bột sữa trong thời gian tới sẽ giảm vì các báo cáo độc lập dự báo nguồn cung sữa trong mùa sản xuất sẽ cao. Tuy nhiên, ban lãnh đạo cũng nhìn nhận tác động với biên lợi nhuận từ việc giá sữa bột tăng sẽ rõ rệt hơn trong 6 tháng cuối năm.

Trong trung hạn, Công ty đặt kế hoạch sẽ giữ được biên lợi nhuận trước thuế tối thiểu 20% so với 23% năm 2018.

Tung thêm các dòng sản phẩm mới

Từ tháng tới, Vinamilk sẽ bắt đầu tung ra một số dòng sản phẩm mới nhắm vào thanh thiếu niên. Đây là đối tượng người tiêu dùng mà ban lãnh đạo cho rằng công ty chưa đáp ứng tốt.

Sữa nước hữu cơ của Vinamilk đạt doanh số bán tốt. Công ty cho biết gần đây đã mở rộng đàn bò hữu cơ gấp đôi lên 1.000 con. Để đảm bảo cung sữa hữu cơ, Công ty đang xây dựng trang trại bò sữa hữu cơ tại tỉnh Thanh Hóa với đàn bò tổng cộng 2.000 con và một trang trại nữa tại Lào với đàn bò 4.000 con.

Công ty dự kiến sẽ tiếp tục tung ra nhiều sản phẩm cao cấp hơn, đặc biệt là trong phân khúc sữa bột và sữa chua, nhằm khai thác xu hướng cao cấp hóa hiện nay.

Vinamilk gần đây đã đưa nông trại bò sữa tại tỉnh Tây Ninh vào hoạt động với tổng công suất đàn bò 8.000 con.

Theo báo cáo, Vinamilk cho biết hiện tổng nguồn cung sữa nguyên liệu trong nước đạt khoảng 1 triệu lít/ngày, trong đó 400.000 lít là từ các trang trại do công ty sở hữu. Vinamilk đang tích cực đầu tư vào các trang trại bò sữa để giảm phụ thuộc vào bột sữa nhập khẩu. Về chi phí sản xuất, ban lãnh đạo cho biết các trang trại đã khấu hao xong có chi phí sản xuất xấp xỉ thế giới. Đối với các nông trại mới, thông thường cần 2 - 3 năm để có lãi.


Hoàng Kiều

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục