10 nhà băng sạch nợ tại VAMC, BIDV đưa nhân sự cấp cao của Tập đoàn tài chính Hana vào HĐQT

Tuần qua, Agribank trở thành ngân hàng thứ 10 sạch nợ xấu tại VAMC. Đồng thời, ông lớn BIDV họp ĐHCĐ bất thường bầu Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn tài chính Hana vào HĐQT,...

10 ngân hàng sạch nợ tại VAMC: BIDV không nằm trong số đó

Agribank vừa công bố sạch nợ tại VAMC, trở thành thành viên thứ 10 trong hệ thống các ngân hàng không còn nợ xấu tại VAMC, sau Vietcombank, VIB, Techcombank, TPBank, MB, OCB, NamABank, Kienlongbank, VPBank.

10 nhà băng sạch nợ tại VAMC, BIDV đưa nhân sự cấp cao của Tập đoàn tài chính Hana vào HĐQT - Ảnh 1
Ảnh minh họa

 VAMC ra đời vào năm 2013 và từ 2014 bắt đầu được các ngân hàng hưởng ứng bán nợ mạnh mẽ. Trên thực tế, việc bán nợ cho VAMC không giúp các ngân hàng dọn sạch nợ xấu ngay lập tức, mà đó chỉ là nơi "gửi" các khoản nợ xấu để các ngân hàng có thời gian (5 năm) từ từ xử lý bằng cách trích lập dự phòng với tỷ lệ 20% mỗi năm.

VAMC hiện vẫn đang giữ hàng trăm nghìn tỷ đồng nợ xấu của các ngân hàng, mà nhiều nhất có thể kể đến như Sacombank, BIDV, SCB.... Với lộ trình phải trích lập dự phòng đầy đủ trong 5 năm thì trong năm nay và 2020 nhiều ngân hàng (không bao gồm nhóm đang tái cơ cấu do được trích lập dự phòng tối đa tới 10 năm) sẽ phải lấy lại phần nợ xấu đến hạn để về xử lý.

Trả hết nợ cho VAMC đang là mục tiêu lớn của nhiều ngân hàng khác.Tại BIDV, mục tiêu trong năm 2019 sẽ mua toàn bộ trái phiếu của VAMC. Tuy nhiên, còn vài ngày nữa là hết năm tài chính 2019, BIDV vẫn chưa công bố gì.

Theo báo cáo của BIDV đến cuối tháng 6/2019, trái phiếu đặc biệt của VAMC tại ngân hàng giảm hơn 14.100 tỷ xuống 12.854 tỷ đồng, trong đó đã trích lập 7.879 tỷ, tức chỉ còn phải xử lý tiếp 4.975 tỷ đồng.

ĐHCĐ bất thường BIDV: Bầu Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn tài chính Hana vào HĐQT

10 nhà băng sạch nợ tại VAMC, BIDV đưa nhân sự cấp cao của Tập đoàn tài chính Hana vào HĐQT - Ảnh 2
Ảnh minh họa

Ngày 27/12, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – BID) đã tổ chức họp Đại hội cổ đông bất thường năm 2019 bầu ông Yoo Je Bong làm thành viên HĐQT ngân hàng nhiệm kỳ 2017 - 2022.

Ông Yoo Je Bong từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong nhiều tập đoàn tài chính quốc tế như Phó Chủ tịch và Giám đốc thường trực phụ trách kinh doanh toàn cầu Ngân hàng Jinlin, Phó Chủ tịch phụ trách kinh doanh Công ty TNHH Cho thuê tài chính Minsheng, Giám đốc Khối Chiến lược toàn cầu Tập đoàn tài chính Hana…

Tháng 1/2019, ông được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tài chính Hana - Chuyên trách Chiến lược miền Nam và miền Bắc.

Trước đó, BIDV phát hành riêng lẻ hơn 603,3 triệu cp, tương đương 15% vốn cho KEB Hana Bank với tổng giá trị giao dịch hơn 20.295 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên 40.220 tỷ đồng.

Ngoài nhân sự, tại đại hội cổ đông bất thường năm 2019 BIDV cũng sửa đổi nội dung về vốn điều lệ, quy chế quản trị và bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị ngân hàng nhiệm kì 2017 - 2022.

Kết cục nào cho ngân hàng "lỡ nhịp" Basel II 

Cách đây 5 năm, NHNN đã xây dựng lộ trình triển khai và áp dụng Basel II đối với hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM), và lựa chọn 10 ngân hàng để thí điểm áp dụng trước. Theo quy định của Thông tư 41/2016/TT-NHNN, từ năm 2020, các ngân hàng sẽ phải chính thức áp dụng và tuân thủ quy định về tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo tiêu chuẩn của Basel II.

Tuy nhiên, đến hiện tại, mới chỉ có 16 trong số hơn 30 ngân hàng nội và 2 ngân hàng ngoại chính thức được NHNN chấp thuận áp dụng Thông tư 41. Cụ thể 16 ngân hàng nội bao gồm: Vietcombank, VIB, OCB, TPBank, ACB, Techcombank, VPBank, MB, HDBank, VietBank, VietCapitalBank, MSB, SeABank, LienVietPostBank, NamABank, BIDV và 2 ngân hàng ngoại: Shinhan Bank, Standard Chartered Việt Nam.

Số lượng ngân hàng còn lại vẫn rất nhiều. Và thực tế cho thấy việc để toàn bộ các ngân hàng có thể áp dụng được Basel II trong ngày một ngày hai là điều không thể vì còn quá nhiều khó khăn.

Vì vậy, tại Thông tư 22/2019 ban hành mới đây, NHNN đã cho phép các ngân hàng chưa tuân thủ được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu quy định tại Thông tư 41/2016 lùi thời gian áp dụng đến thời điểm trước ngày 1/1/2023. Đây cũng là lần thứ 2 NHNN phải hoãn áp dụng các chuẩn mực quản trị ngân hàng theo Basel II. Lần thứ nhất vào năm 2018 khi NHNN đưa ra lộ trình áp dụng thí điểm cho 10 ngân hàng.

10 nhà băng sạch nợ tại VAMC, BIDV đưa nhân sự cấp cao của Tập đoàn tài chính Hana vào HĐQT - Ảnh 3
Ảnh minh họa.

Trước mắt, nếu các nhà băng chưa có khả năng áp dụng Basel II được tiếp tục thực hiện theo các quy định của Thông tư 22/2019/TT-NHNN. Tuy nhiên, quy định về an toàn vốn tối thiểu được nâng cao hơn rất nhiều so với trước đây. Vì vậy, đáp ứng chuẩn Basel II đã khó nay còn khó hơn vạn lần.

Nếu những ngân hàng nhỏ không đáp ứng được các tiêu chí để đáp ứng chuẩn Basel II, sẽ phải "bán mình cứu lấy ngân hàng" bằng phương án sáp nhập.

"Tấm gương" đầu tiên chính là PGBank. GBank đã ký thỏa thuận sáp nhập vào HDBank. Tuy nhiên, phương án này cũng không dễ thực hiện với PGBank khi ngân hàng này đã "lận đận" trong thương vụ M&A với Vietinbank, rồi đến HDBank, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả chính thức.

Hà Phương

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục