6 tháng đầu năm 2019, BIDV chi hơn 10.700 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro

Dự phòng rủi ro tiếp tục tăng do nợ xấu tăng mạnh - câu chuyện diễn ra ở nhiều ngân hàng từ năm 2018, đến nay chưa được giải quyết.

Tại 3 "ông lớn" ngân hàng BIDV, Vietcombank, VietinBank, tổng số nợ xấu nội bảng đã lên đến 41.265 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2019, tăng 6,5% so với hồi đầu năm. So với thời điểm cách đó 1 năm, nợ xấu nội bảng tại 3 nhà băng này đã tăng 22%.

Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2019, trong số 26 ngân hàng thương mại cổ phần, chỉ hai ngân hàng BIDV và VietinBank đã trích lập dự phòng (chi phí dự phòng rủi ro tín dụng) tổng cộng 18.187 tỷ đồng, lớn hơn con số 16.875 tỷ đồng của 24 ngân hàng cộng lại.

Cụ thể, tại VietinBank chi phí dự phòng rủi ro tăng vọt 63% lên 4.236 tỷ đồng, "ăn mòn" đến 66% lợi nhuận thuần của nhà băng này. BIDV cũng tăng 6,8% lên 10.710 tỷ và chiếm tới 69% tổng lợi nhuận thuần. Vietcombank tăng nhẹ 2,5% chi phí dự phòng lên 3.317 tỷ đồng.

BIDV là ngân hàng có nợ xấu nội bảng nhiều nhất trong hệ thống với 21.121 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2019, tăng 12,3% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh 46% lên 10.492 tỷ đồng; nợ dưới chuẩn tăng 12% lên 6.105 tỷ.

Vietinbank đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng nợ xấu nửa đầu năm nay, với 13.010 tỉ đồng. Tuy con số này đã giảm 5% so với cuối năm ngoái, nhưng nợ có khả năng mất vốn có tỉ lệ cao hơn cả BIDV, lên đến 56,5% tổng nợ xấu.

Nợ xấu ở Vietcombank sau 6 tháng đầu năm tăng 910 tỷ, tương đương tăng gần 15% lên mức 7.134 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này từ dưới 1% cũng đã leo lên 1,03%. Nợ có khả năng mất vốn đang chiếm tới 67% tổng nợ xấu. Tuy nhiên, áp lực về nợ xấu với Vietcombank không lớn khi nhà băng này có tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu tới 180%.

6 tháng đầu năm 2019, BIDV chi hơn 10.700 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro - Ảnh 1
BIDV đứng đầu về lượng trích lập dự phòng với trên 10.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2019.  Ảnh nguồn VNF

Tại ngân hàng MB, nửa đầu năm 2019 lợi nhuận thuần đạt 7.239 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do tăng tỷ lệ trích lập dự phòng trên lợi nhuận thuần lên 32,7% (từ mức 30% nửa đầu năm ngoái) nên lợi nhuận trước thuế của MB tăng 27,3% lên 4.875 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, SHB đã trích lập dự phòng rủi ro tới 373 tỷ đồng, ngân hàng đứng đầu về mức tăng tỷ lệ nợ xấu trong 6 tháng đầu năm nay, từ 2,4% lên 2,88%, tương đương hơn 6.912 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng gần 1.000 tỷ đồng, chiếm 71% nợ xấu. Nợ dưới tiêu chuẩn cũng tăng gần 700 tỷ đồng lên 1.136 tỷ đồng. 

Cũng trong tình trạng tương tự là trường hợp của SEABank, tính đến ngày 30/6/2019 tổng nợ có khả năng mất vốn là 346,7 tỷ đồng, gấp 1,5 lần lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp trong Quý II/2019.

Nợ xấu của Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLongBank) cũng tăng từ 0,94% cuối năm 2018 (277,7 tỉ đồng) lên 1,15% (hơn 356,4 tỉ đồng) đến cuối tháng 6/2019. Cùng với đó, chi phí dự phòng rủi ro cũng tăng lên, tính riêng quý 2/2019, KienLongBank dành 22,642 tỷ đồng để dự phòng rủi ro, con số này cao hơn 5 tỷ đồng so với cùng kỳ 2018 (17,219 tỷ đồng). 6 tháng đầu năm chi phí dự phòng rủi ro của Kienlongbank tăng lên 24,4 tỷ đồng.

Nợ xấu nội bảng của OCB tại ngày 30/6 là 1.726 tỷ đồng, tăng 34% so với hồi đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng tăng từ 2,29% lên 2,55%. Chi phí dự phòng của OCB tăng 6,7% lên 443 tỷ đồng. Chi phí hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2019 đã tăng 36,7%.

Quý 2/2019, Sacombank gia tăng trích lập dự phòng rủi ro tới 60% lợi nhuận kiếm được khi lợi nhuận tăng lên và trích lập tới 616 tỷ đồng, so với 433 tỷ đồng cùng kỳ và chỉ chiếm 46% lợi nhuận. 

Tính chung 6 tháng đầu năm, chi phí hoạt động tăng 23% và chi phí trích lập dự phòng tới gần 42% lợi nhuận kiếm được, tăng so với mức 34% cùng kỳ 2018, nhưng cho thấy Sacombank đang tái cơ cấu và khi hoạt động có lãi, lãi tăng lên thì ngân hàng cũng tăng thêm nguồn trích dự phòng để chủ động thêm trước mục tiêu sớm hoàn thành đề án đề ra.

6 tháng đầu năm 2019, BIDV chi hơn 10.700 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro - Ảnh 2
Các ngân hàng ghi nhận tỷ lệ trích lập dự phòng/lợi nhuận thuần dưới 50% trong nửa đầu năm 2019. Ảnh nguồn VNF

Theo các chuyên gia tài chính, quy định của NHNN trong Thông tư 02 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, các tổ chức tín dụng phải gọi đúng tên nợ xấu để phân loại nợ theo cơ chế chặt chẽ hơn. Theo đó, ngân hàng phải trích lập dự phòng cho cả nợ nhóm 2 - nợ cần chú ý. Vì vây, sự tăng trưởng đột biến về con số trích lập dự phòng tại nhiều ngân hàng là điều khó tránh khỏi.

Ngoài ra, kể từ khi có Nghị quyết 42 trao quyền xử lý nợ xấu cho các ngân hàng thì họ cũng hạn chế bán nợ xấu cho VAMC mà đa phần tự xử lý bằng các hình thức như bán nợ, phát mãi tài sản đảm bảo và tự trích lập dự phòng rủi ro để có thể sớm mua lại nợ từ VAMC để tự xử lý nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ.

Nếu không tính đến trích lập dự phòng, top 5 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất nửa đầu năm 2019 theo thứ tự gồm: BIDV, Vietcombank, VietinBank, VPBank và MB. Tuy nhiên, sau trích lập dự phòng, top 5 có nhiều xáo trộn,theo thứ tự gồm: Vietcombank, Techcombank, VietinBank, MB và BIDV.

Hà Phương (t/h)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục