6 tháng đầu năm: Tăng trưởng tín dụng nhưng nợ xấu vẫn cao

(Kinhdoanhnet) - Một số ngân hàng công bố mức tăng trưởng lạc quan trong bối cảnh tăng trưởng thấp toàn ngành ngân hàng.

Tăng trưởng tín dụng.

Tính đến cuối tháng 6/2014, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đạt 2,3%. Nếu so sánh với mức tăng trưởng ở một vài ngân hàng lên tới 6,6% hay 8,8% thì mức tăng của các ngân hàng này là thực sự ấn tượng.

Đặc biệt sự ấn tượng này đến từ các ngân hàng quốc doanh vốn chiếm tỷ trọng lớn trong toàn ngành. Báo cáo sơ bộ cho thấy, con số tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm của Vietcombank đạt tới 6,6% so với cuối năm 2013.

Với tỉ trọng chiếm gần 8,5% tổng dư nợ toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), tăng trưởng tín dụng của Vietcombank chắc chắn có ảnh hưởng đáng kể đối với tốc độ chung của toàn ngành.

VIB dư nợ cho vay khách hàng đạt 37.731 tỷ đồng tăng trưởng 7,1% so với cuối năm 2013. Đây là mức tăng trưởng tốt trong bối cảnh dư nợ tín dụng của toàn ngành ngân hàng vẫn đang gặp nhiều khó khăn và chỉ tăng 1% so với cuối năm 2013.

Điều bất ngờ là ngay tại một số ngân hàng có quy mô nhỏ bé và khiêm tốn hơn, hoạt động cho vay cũng đạt những mục tiêu ấn tượng và có thể hoàn thành mức chỉ tiêu cả năm chỉ trong vài tháng tới.

“Hoạt động cho vay của ngân hàng có được mức tăng tới 8,8% so với cuối năm 2013. Thậm chí dư nợ cho vay đối với các tổ chức kinh tế và cá nhân của ngân hàng còn tăng tới 16,3% và tỉ lệ nợ xấu vẫn được khống chế giảm 0,3% so với đầu năm, xuống chỉ còn ở mức thấp 1,66%.” – Lãnh đạo TPBank chia sẻ.

6 tháng đầu năm: Tăng trưởng tín dụng nhưng nợ xấu vẫn cao - Ảnh 1

Quay lại mức tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng. Dù con số 2,3% trên đây có được sự cải thiện đáng kể so với con số 1,31% tại thời điểm ngày 23.5.2014, mức tăng trưởng chung vẫn là quá thấp so với   mục tiêu tín dụng đề ra trong năm nay (12-14%), thì rõ ràng, ngành ngân hàng còn cả chặng đường dài trước mắt. Mặt khác, rất nhiều tín dụng đổ vào trái phiếu chính phủ chứ không đi vào sản xuất.

Nguyên nhân chính sự gia tăng chậm tín dụng là do các doanh nghiệp chưa có nhu cầu thực sự cho việc vay vốn, dù các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng vốn rẻ.

Thực tế, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp năm 2014 của Tổng cục Thống kê thực hiện trong 4 tháng đầu năm với trên 8.100 doanh nghiệp cho thấy, có đến 50,5% số doanh nghiệp được khảo sát không vay vốn ngân hàng với nguyên nhân chủ yếu là không có nhu cầu vay.

Với mức tăng 7,1% của VIB, giới đầu tư cho rằng, động lực tăng trưởng tín dụng trong các tháng qua có thể đến nhờ ngân hàng liên tục giảm lãi suất huy động trong thời gian dài cùng với các nguồn huy động giá rẻ khác, bên cạnh việc Vietcombank cũng liên tục thúc đẩy tín dụng thông qua các gói cho vay lãi suất thấp.

Minh chứng cho thấy, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank riêng ở 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên đạt trên 8%, chiếm gần 50% cơ cấu tổng dư nợ và đây là lĩnh vực có trần cho vay chỉ 8%/năm.

"Chúng tôi cũng cho rằng giải ngân cho các doanh nghiệp nhà nước lớn trong lĩnh vực điện lực, xăng dầu cũng là nhân tố quan trọng thúc đẩy tín dụng của ngân hàng này" - một tổ chức đầu tư đưa đánh giá.

Tuy nhiên, các số liệu thống kê về tín dụng của toàn hệ thống hay của một số ngân hàng đến thời điểm hiện nay vẫn chỉ mang tính thống kê sơ bộ và chưa thể phản ánh chính xác thực tế cho vay của các ngân hàng.

Bởi thời điểm tháng 6 là thời gian chốt kỳ báo cáo tài chính quan trọng và theo đó các ngân hàng có thể đẩy mạnh cho vay trong các ngày cuối cùng. Chính điều này có thể tạo ra sự khác biệt lớn khi các báo cáo tài chính 6 tháng được công bố chính thức.

Tăng trưởng tín dụng, nợ xấu vẫn cao

Đa số các ngân hàng công bố kết quả hoạt động kinh doanh sớm đều đưa ra những con số tương đối lạc quan. Tuy nhiên, các con số này chưa hẳn đã đại diện cho cả hệ thống ngân hàng. Vì vậy, còn quá sớm khi “ăn mừng” thắng lợi ban đầu.

Hiện tại, nợ xấu đang là vấn đề ám ảnh trở lại với ngành ngân hàng. Theo thống kê, nợ xấu tăng trở lại, ở mức 4,01% vào cuối tháng 4 khi VAMC chỉ mua 3.929 tỷ đồng nợ xấu trong quý 1/2014 so với mức 10.000 tỷ đồng dự kiến và có tác động của yếu tố kĩ thuật trong phân bổ chi phí dự phòng.

Đến cuối tháng 6/2014, nợ xấu tại các ngân hàng thương mại lại có dấu hiệu tăng (lên 4,84%), cho dù đã xử lý được 6.600 tỷ đồng. Trong các nhóm nợ, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) của các ngân hàng thương mại có chiều hướng tăng trong 2 quý đầu năm. Tình hình xử lý nợ xấu của ngân hàng vẫn rất khó khăn.

Quốc Hưng (tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục