ACB: “Đau đầu” vì ham lãi suất cao

(Kinhdoanhnet) – Sau 1 năm cố gắng thu hồi 1.172 tỷ đồng tiền gửi tại 2 trong số 3 ngân hàng 0 đồng, hiện tại ACB vẫn còn tới 652 tỷ đồng tiền gửi vẫn "chưa hẹn ngày về".

Năm 2015, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ra chỉ thị mua lại bắt buộc 3 ngân hàng: Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank), Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB) với giá 0 đồng. ACB đã phải hoảng hốt khi vẫn còn tới 1.172 tỷ đồng tiền gửi tại 2 trong số 3 ngân hàng này, đó là 772 tỷ đồng tại GP.Bank và 400 tỷ đồng tại VNCB.

Bỏ lãi thu hồi gốc

Theo đó, khoản 772 tỷ đồng tại GP.Bank này chính là một phần trong nhóm hơn 37.000 tỷ đồng mà ACB đã uỷ thác cho nhân viên của mình đem gửi tại 29 ngân hàng với mục đích hưởng lãi cao trong giai đoạn giữ năm 2010 tới cuối năm 2011. Vào tháng 3/2014, do hoạt động kinh doanh lao dốc, cùng với vốn chủ sở hữu âm nên phía GP.Bank đã không thể hoàn trả đầy đủ số tiền này cho ACB dù đã đến ngày đáo hạn, vì vậy ACB buộc lòng phải gia hạn thêm với khoản tiền gửi này tới ngày 4/9/2016.

Mới đây, trong báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2016, ACB có nhắc tới khoản tiền 772 tỷ đồng tại GP.Bank này. Cụ thể trong kỳ, sau khi NHNN mua lại toàn bộ vốn cổ phần của GP.Bank với giá 0 đồng, trước nguy cơ mất trắng toàn bộ số tiền 772 tỷ đồng, dù muốn hay không nhưng ACB đã buộc lòng phải dùng tới cách đề nghị mua lại trái phiếu do GP.Bank nắm giữ để thu hồi lại 772 tỷ đồng tiền “tươi” gửi tại GP.Bank. Đến ngày 25/12/2015, ACB đã có công văn gửi lên NHNN với đề nghị xem xét, chấp thuận cho ACB chuyển nhượng các trái phiếu và bất động sản do GP.Bank nắm giữ để cấn trừ vào khoản tiền gửi 772 tỷ đồng này, đồng thời ACB cũng sẽ miễn toàn bộ lãi phải thu phát sinh từ khoản tiền gửi này. Sau đó tới ngày 29/12/2015, NHNN đã ban hành công văn phê duyệt đề nghị từ phía ACB. Tới ngày 7/4/2016, ACB đã nhận chuyển nhượng các trái phiếu với tổng trị giá 500 tỷ đồng do một công ty cổ phần trong nước phát hành để cấn trừ 520 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại GP.Bank. Số dư còn lại 252 tỷ đồng đang được ACB thực hiện các thủ tục nhận chuyển nhượng bất động sản từ phía GP.Bank để cấn trừ lốt.

Như vậy ACB đã đành phải chấp nhận bỏ lại tất cả lãi liên quan tới khoản tiền gửi 772 tỷ đồng này với hi vọng thu hồi lại số tiền gốc thông qua mua lại trái phiếu và bất động sản chứ cũng không nhận lại được tiền “tươi” như lúc ACB gửi vào.

"Ngậm ngùi" đưa 400 tỷ vào Nhóm 5 - Nợ có khả năng mất vốn

Một khoản tiền gửi tại ngân hàng khác thậm trí còn “xấu số” hơn số tiền tại GP.Bank, đó là khoản tiền gửi trị giá 400 tỷ đồng ACB gửi tại VNCB. Cũng chung số phận với khoản 772 tỷ đồng ở trên, ACB cũng bị “sa lầy” bởi số tiền gửi tại VNCB từ khi NHNN mua lại VNCB với giá 0 đồng vòng hồi cuối tháng 1/2015. Sau khi VNCB bị NHNN mua lại, ACB đã phải đưa 400 tỷ đồng này vào Nhóm 4 – Nợ nghi ngờ, dựa trên số ngày quá hạn của khoản lãi liên quan. Tổng số tiền trích lập dự phòng cho khoản tiền gửi 400 tỷ đồng này tại thời điểm giữa năm 2015 là gần 102 tỷ đồng.

Cũng giống như khoản tiền gửi tại GP.Bank, một lần nữa ACB lại đành “miễn cưỡng” gửi công văn đến NHNN đề nghị xem xét, chấp thuận cho ACB điều chỉnh kỳ hạn thu hồi khoản tiền gửi tại VNCB và các khoản lãi liên quan. Sau đó NHNN cũng đã có công văn phê duyệt đề nghị của ACB. Theo đó, khoản tiền gửi 400 tỷ đồng tại VNCB sẽ được chuyển đổi thành dạng thu hồi hàng năm theo lộ trình được phê duyệt cho tới ngày 30/9/2020.

Thế nhưng mới đây trong báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm, ACB đã nghĩ tới trường hợp xấu nhất có thể xảy ra với khoản tiền 400 tỷ đồng tại VNCB. Cụ thể, ACB đã phải “ngậm ngùi” đưa khoản tiền gửi 400 tỷ đồng này vào Nhóm 5 – Nợ có khả năng mất vốn. Tổng số tiền trích lập dự phòng cho khoản tiền gửi có kỳ hạn tại VNCB này tính cho tới ngày 30/6/2016 là gần 166 tỷ đồng, trước đó vào cuối năm 2015, số tiền trích lập ở khoản này là 176 tỷ đồng.

Như vậy, tính tới hết quý 2/2016, ACB chưa thể thu hồi 652 tỷ đồng tiền gửi tại 2 ngân hàng GP.Bank và VNCB.

Quang Thắng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục