Agribank lại tiếp tục đại hạ giá khoản nợ cỡ trăm tỷ của Tấn Phát

Khoản nợ của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tấn Phát (có bảo đảm bằng tài sản) được đấu giá nhiều lần, giảm giá tới gần một nửa nhưng vẫn trong tình trạng ế ẩm suốt thời gian qua.

Mới đây, ngày 28/11 Agribank AMC tiếp tục thông báo đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tấn Phát (có bảo đảm bằng tài sản) tại Agribank Chi nhánh 6 theo Hợp đồng tín dụng số 1605-LAV-200700374 ký ngày 29/10/2007.

Giá trị ghi sổ khoản nợ tạm tính đến ngày 15/5/2019 theo Hợp đồng tín dụng số 1605-LAV-200700374 ngày 29/10/2007 có dư nợ gốc 102,78 tỷ đồng; nợ lãi 209,4 tỷ đồng. Tiền lãi tiếp tục phát sinh kể từ ngày 15/5/2019 cho đến khi Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tấn Phát thanh toán hết nợ gốc tiền vay tại Agribank Chi nhánh 6.

Theo đó, các tài sản liên quan đến khoản nợ gồm 1 tài sản tại phường 3, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng; 1 tài sản và tài sản gắn liền với đất ở xã Tân Tạo, huyện Bình Chánh, TP HCM (nay là phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP.HCM); 1 tài sản tại phường 10, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng; 4 tài sản tại phường 10, TP Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng; 4 tài sản tại phường 16, quận 8, TP HCM.

Giá khởi điểm của khoản nợ hơn 120,8 tỷ đồng (chưa bao gồm các loại thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật). Thời gian tổ chức đấu giá vào lúc 9h ngày 29/11/2019. Mức giá khởi điểm lần này thấp hơn rất nhiều so với đợt rao bán lần đầu tiên vào tháng 8/2019 với giá hơn 312,9 tỷ đồng, giảm hơn 192 tỷ đồng.

Agribank lại tiếp tục đại hạ giá khoản nợ cỡ trăm tỷ của Tấn Phát - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Đáng chú ý, chỉ trong khoảng 4 tháng Agribank AMC đã nhiều lần đại hạ giá khoản nợ của Tấn Phát.

Cụ thể, Agribank AMC đã tổ chức bán đấu giá khoản nợ này với giá khởi điểm 312,9 tỷ đồng vào ngày 14/8 nhưng không thành công. Sau đó, khoản nợ này lại bị hạ tiếp xuống còn 288,8 tỷ đồng vào ngày 30/8 (giảm hơn 24 tỷ đồng so với giá khởi điểm trong lần đấu giá đầu tiên).

Nửa tháng sau, khoản nợ của Tấn Phát tiếp tục đại hạ giá xuống ở mức 252,7 tỷ đồng (giảm hơn 60 tỷ đồng so với giá khởi điểm trong lần đấu giá đầu tiên) nhưng vẫn "ế". Đến ngày 20/9 Agribank AMC lại hạ giá khoản nợ ở mức hơn 227,4 tỷ đồng ( giảm hơn 85 tỷ đồng so với mức giá đầu tiên).

Ngày 21/11, Agribank AMC lại lần nữa đại hạ giá khoản nợ này ở mức 134,3 tỷ đồng (giảm hơn 178 tỷ đồng so với giá khởi điểm trong lần đấu giá đầu tiên) nhưng hiện trạng khoản nợ vẫn ế ẩm.

Ngoài ra, Agribank chi nhánh Trung tâm Sài Gòn cũng đã nhiều lần thông báo đấu giá khoản nợ của Công ty Cổ phần Đầu tư & Xây dựng Số 8. Ngày 25/11 khoản nợ của Công ty lại được rao bán với giá khởi điểm hơn 184 tỷ đồng. Được biết, giá khởi điểm của khoản nợ có giá ban đầu hơn 258,9 tỷ đồng.

Theo thông tin mới đây từ Agribank, số trái phiếu đặc biệt VAMC của Agribank giảm mạnh từ 7.750 tỷ đồng hồi đầu năm xuống chỉ còn 1.013 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2019. Trong đó đã trích lập dự phòng hơn 1.012 tỷ - gần như toàn bộ giá trị trái phiếu VAMC.

Khó khăn lớn nhất của Agribank hiện nay là vấn đề tăng vốn. Do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ trong khi ngân sách còn hạn chế, lâu nay, việc tăng vốn cho Agribank rất nhỏ giọt. Tuy Agribank đã tích cực điều chỉnh cơ cấu tài sản, tiết giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận để bổ sung vốn tự có, nhưng tỷ lệ an toàn vốn tiếp tục giảm dần và tiệm cận mức tối thiểu theo quy định.

Thời gian qua, Agribank đã tích cực phát hành trái phiếu cấp 2 để tăng vốn. Tuy nhiên, về lâu dài, để chủ động tăng vốn, giải pháp duy nhất là đẩy nhanh cổ phần hóa.

Được biết, hạn chót để cổ phần hóa Agribank là trong năm 2020.

Hà Phương

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục