Agribank rao bán khối tài sản cỡ trăm tỷ đồng

Khối tài sản này là 27 tài sản thế chấp có tổng diện tích 73.377m2 tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, Tp.Hồ Chí Minh với giá khởi điểm hơn 400 tỷ đồng.

AMC - Công ty phụ trách xử lý nợ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) - vừa có thông báo về việc rao bán đấu giá tài sản đảm bảo là cụm 27 tài sản thế chấp có tổng diện tích 73.377m2 tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, Tp.Hồ Chí Minh là tài sản thế chấp của các khách hàng: Công Ty CP Thương Mại Dịch Vụ Sản Xuất và Xây Dựng Nam Hải, Công Ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Hòa Thành, Công ty TNHH Sản Xuất Thương Mại Dịch Vụ Tân Mỹ Hưng, Công ty TNHH Ung Gia, 02 cá nhân Nguyễn Văn Tám và Thái Tú Mậu.

Khối bất động sản trên bao gồm: 8.757 m2 đất thuộc loại chuyên dùng, nhà ở văn phòng và nhà kho còn lại là đất trồng cây lâu năm, đất lúa, đất vườn. Tổng giá khởi điểm của 27 tài sản bán đấu giá lần này khoảng 437 tỷ đồng.

Agribank rao bán khối tài sản cỡ trăm tỷ đồng - Ảnh 1
Agribank đang ráo riết xử lý nợ xấu. 

Ngoài đấu giá khối tài sản 'khủng' trên, ngân hàng còn nhiều khoản nợ tài sản đảm bảo với giá trị từ vài chục tỷ đồng, trong đó phần lớn tài sản đấu giá là đất trồng cây, đất lúa.

Chẳng hạn, Agribank chi nhánh Hòa Bình thông báo tổ chức bán đấu giá tài sản của Công ty cổ phần Mía đường Hòa Bình với giá khởi điểm hơn 103 tỷ đồng. Agribank chi nhánh 7 đang đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH TM DV XNK Sao Bắc từ năm 2010 có tài sản là 3 thửa đất trồng cây lâu năm ở Thủ Dầu Một, Bình Dương với tổng diện tích hơn 4.900m2 với giá khởi điểm 21,8 tỷ đồng,…

Từ khi thực hiện xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, không chỉ Agribank mà nhiều nhà băng khác cũng đẩy nhanh việc thu giữ và bán tài sản đảm bảo của các khách hàng vay bị nợ quá hạn như BIDV, Sacombank. Các tài sản của ngân hàng đưa ra bán đấu giá thường có giá trị khá lớn, có tài sản vài chục tỷ, vài trăm tỷ đồng hoặc đến vài nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, cũng có hàng loạt khoản nợ, tài sản đảm bảo thế chấp tại các ngân hàng dù được rao bán nhiều lần kèm theo giảm giá khá mạnh nhưng vẫn không tìm được người mua như tại BIDV, Sacombank.

Đơn cử, Agribank AMC tổ chức đấu giá tài sản của Công ty CP Khoáng sản Miền Trung. Tài sản đưa ra đấu giá là tài sản gắn liền trên đất thuê và hệ thống máy móc thiết bị trên diện tích 166.706,5 m2 tại Cụm công nghiệp Hoài Đức, xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Toàn bộ tài sản này đã được Công ty CP Khoáng sản Miền Trung thế chấp tại Agribank chi nhánh Bình Định theo 2 hợp đồng thế chấp tài sản và đã được ngân hàng thu giữ để xử lý thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Agribank đã nhiều lần đưa tài sản này ra đấu giá nhưng đều không thành công. Vào tháng 3/2018, tài sản này được đưa ra đấu giá với giá khởi điểm là 284 tỷ đồng, sau đó giảm xuống 167 tỷ đồng trong đợt đấu giá hồi tháng 9/2018. Đến đợt đấu giá vào ngày 9/9/2019 Agribank tiếp tục giảm giá xuống mức 116 tỷ đồng nhưng vẫn không hấp dẫn được người mua.

Hoặc khoản nợ của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tấn Phát (có bảo đảm bằng tài sản) được đấu giá nhiều lần, giảm giá tới gần một nửa nhưng vẫn trong tình trạng ế ẩm suốt thời gian dài.

Theo BCTC Hợp nhất quý 1/2019 của Agribank cho biết, cuối tháng 3/2019, nợ xấu nội bảng của ngân hàng là 19.824 tỷ đồng, tăng 3.384 tỷ, tương đương tăng hơn 20% so với hồi đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay từ mức 1,63% hồi đầu năm đã nhích lên 1,93%.

Trong đó, cả 3 nhóm nợ xấu đều tăng. Nợ nhóm 3 – nợ dưới tiêu chuẩn tăng 60% lên 4.924 tỷ, nợ nhóm 4 – nợ nghi ngờ tăng 15% lên 4.252 tỷ đồng, nợ nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn tăng 10% lên 10.648 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn đang chiếm tới 54% trong tổng cơ cấu nợ xấu.


Hà Phương

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục