Âm vốn chủ sở hữu, hàng loạt ngân hàng lo ngại tiền bị mắc kẹt tại NOS

CTCP Vận tải biển và Thương mại Phương Đông (UPCoM: NOS) đang là doanh nghiệp có khoản vay nợ tài chính lớn nhất nhì trong ngành vận tải biển. Liệu các khoản nợ của một số ngân hàng sẽ dễ dàng thu hồi hay vẫn mãi mắc kẹt tại đây?

Hiện tại, Công ty Cổ phần Vận tải biển và Thương mại Phương Đông là doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu âm lớn nhất thị trường với mức âm 3.654 tỷ đồng.

Năm 2018, lợi nhuận trước thuế lỗ 336 tỷ đồng, đây là năm thứ 7 liên tiếp Công ty báo lỗ chỉ vì lý do kinh doanh dưới giá vốn.

Tại thời điểm 31/12/2018 tổng tài sản của NOS là 1.350 tỷ đồng giảm 18% so với cùng kỳ năm 2017; tổng nợ phải trả của công ty là 4.983 tỷ đồng; lỗ lũy kế của công ty là 3.894 tỷ đồng; công ty đang âm vốn chủ sở hữu là 3.635 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc công ty phải vay nợ để có thể hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tài sản ngắn hạn hiện tại của công ty đạt 130 tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2017 trong khi đó nợ ngắn hạn 2.799 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ thanh toán ngắn hạn chỉ đạt 5%.

Âm vốn chủ sở hữu, hàng loạt ngân hàng lo ngại tiền bị mắc kẹt tại NOS - Ảnh 1
Nguồn BCTC.

Ngân hàng nào đang mắc kẹt tại NOS?

Theo Vneconomy, tính đến 31/3/2019, tổng tài sản của NOS ở mức 1.336 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ phải trả lên tới 4.991 tỷ đồng, tương ứng nợ phải trả của NOS gấp tới 4 lần tổng tài sản doanh nghiệp. Trong đó, vay nợ thuê tài chính chiếm tới 3.009 tỷ đồng.

Khoản nợ dài hạn đến hạn trả của NOS gồm ngân hàng Vietcombank (VCB) cho vay gần 147 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) hơn 52 tỷ đồng, Agribank gần 186 tỷ đồng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDBank) Sở giao dịch và chi nhánh Hải Phòng lần lượt là 5 tỷ đồng và 54 tỷ đồng.

Khoản vay chi tiết dài hạn ở Vietcombank hơn 851 tỷ đồng, Agribank gần 947 tỷ đồng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDBank) Sở giao dịch và chi nhánh Hải Phòng lần lượt là 76 tỷ đồng và 111 tỷ đồng.

Được biết, NOS có 3 khoản vay dài hạn tại Agribank, trong đó có 2 khoản vay bằng USD và 1 khoản vay bằng VND và được thế chấp bằng tàu Ngọc Sơn, tàu Nosco Glory và tàu Sun. Ngoài ra, còn những khoản vay ngắn hạn, NOS vay với mục đích để bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh.

Hiện tại, NOS đã và đang tiếp tục làm việc với các tổ chức tín dụng để áp dụng cơ chế cơ cấu nợ và miễn giảm lãi vay cho các dự án đầu tư tàu biển.

Do sức ép của các ngân hàng và tổ chức tín dụng rất lớn nên NOS áp dụng phương thức thanh toán các khoản nợ đến hạn hoặc phải thanh toán gấp để tránh việc bắt giữ tàu và không phát sinh những tranh chấp khác. Dòng tiền để trả nợ vay chủ yếu là vay khách hàng cá nhân khi đến hạn.

Theo kế hoạch đến giữa năm 2019, Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (cổ đông lớn nhất, sở hữu 49% vốn NOS) và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDBank) sẽ thu hồi tàu Phương Đông 10 để xử lý tài sản thu hồi nợ vay tín dụng nhà nước. Do vậy đội tàu của NOS sẽ chỉ còn lại 3 tàu gồm tàu Oriental Glory, Phương Đông 05, Phương Đông 06. Điều này dẫn đến doanh thu và sản lượng vận tải dự kiến của Công ty sẽ giảm so với năm các năm trước.

Hiện tại, ngoài VDBank tiến hành thu hồi khoản nợ cho vay thì chưa thấy tín hiệu thu hồi nợ từ các chủ nợ của NOS như ngân hàng Agribank, Vietcombank...

Hà Phương

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục