Áp lực từ nợ xấu, Sacombank ráo riết rao bán nhiều tài sản “khủng”

Nhằm hoàn trả các khoản nợ đến hạn cùng với áp lực nợ xấu có từ nhiều năm nay, từ đầu năm 2019 Sacombank đang ráo riết thanh lý nhiều khối BĐS khác với giá trị hàng nghìn tỷ đồng.

“Chật vật” xử lý nợ xấu

Vấn đề nợ xấu của Sacombank trở nên nổi cộm nhất khi ông Trầm Bê - nguyên Phó Chủ tịch thường trực HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank bị xử lý vì tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Năm 2017, Sacombank có khoảng 60.000 tỷ đồng nợ xấu. Ngay khi nhậm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank, ông Dương Công Minh đã khẳng định hơn 60.000 tỷ đồng nợ xấu đang được xử lý một cách quyết liệt. Mục tiêu mà ông Minh đưa ra là cuối năm 2017 xử lý được khoảng 20.000 tỷ đồng nợ xấu.

Tuy nhiên, đến hết năm 2017, ngân hàng này xử lý được hơn 15.000 tỷ đồng nợ xấu, nợ xấu nội bảng của Sacombank vẫn là 10.405 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu 4,67% tổng dư nợ, gồm: Nợ dưới tiêu chuẩn (1.475 tỷ đồng); nợ nghi ngờ (627 tỷ đồng) và nợ có khả năng mất vốn (8.303 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, tổng số dư trái phiếu VAMC của Sacombank đến hết năm 2017 là 43.266 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. 6 tháng đầu năm 2018, Sacombank lại tiếp tục ráo riết xử lý và trích lập dự phòng, ngân hàng này thu hồi được hơn 3.600 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn 3,3%.

Quý 3/2018, Sacombank vẫn chật vật với quá trình xử lý nợ xấu, lượng nợ xấu này khoảng gần 38.900 tỷ đồng, giảm khoảng 2.400 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Tổng cộng nợ xấu (gồm nợ xấu nội bảng và nợ xấu ngoại bảng tại VAMC) là khoảng 47.000 tỷ đồng,so với con số đầu năm là 51.721 tỷ đồng..

Được biết, năm 2018 Sacombank đã mạnh tay chi phí dự phòng rủi ro gấp đôi lên thành 1.592 tỷ đồng. Trong 2 năm qua, Sacombank đã “gồng mình” để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản tồn đọng, nợ xấu tại Sacombank đã giảm đáng kể, nhưng vẫn thuộc top ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất.

 

Áp lực từ nợ xấu, Sacombank ráo riết rao bán nhiều tài sản “khủng” - Ảnh 1
Các nhóm nợ liên tục tăng. Nguồn: Báo cáo tài chính công ty mẹ quý 1 năm 2019.

 
Vì vậy, Sankcombank nằm trong danh sách 18 tổ chức tín dụng bị kiểm toán Nhà nước kiểm toán về xử lý nợ xấu được tính từ 15/8/2017 đến 31/12/2018.

Đến năm 2019, việc xử lý nợ xấu vẫn là nhiệm vụ trọng điểm của ngân hàng này. Hơn nữa, Sacombank sẽ phải nhanh chóng thanh lý các tài sản có thanh khoản cao để thu hồi tiền mặt và hoàn trả các khoản nợ đến hạn.

Áp lực từ nợ xấu, Sacombank ráo riết rao bán nhiều tài sản “khủng” - Ảnh 2
Nguồn: Báo cáo tài chính công ty mẹ quý 1 năm 2019.

 
Ráo riết thanh lý tài sản hàng nghìn tỷ đồng

Tại Sacombank, xử lý nợ xấu là vấn đề nổi cộm trong năm nay. Việc xử lý nợ xấu và thanh lý các khối bất động sản ở Sacombank đang được đẩy nhanh hơn trong thời gian gần đây.

Cụ thể, hồi đầu năm, ngân hàng này đã thanh lý xong khối BĐS hơn 3.000 tỷ đồng thuộc dự án khu dân cư ở quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ. Nhiều tài sản có giá trị lớn khác cũng đã được thanh lý xong.

Khu đất tại địa chỉ 61-63A Nam Kỳ Khởi Nghĩa tại Quận 1, TP.HCM có tổng diện tích hơn 800 m2 từng được rao bán với giá khởi điểm 811 tỷ đồng cũng được ngân hàng cho biết là đã bán xong theo hình thức đấu giá. Trong khi đó, 37 quyền sử dụng đất diện tích 7,2 ha thuộc dự án Khu dân cư dịch vụ Phước Yên (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) cũng đã được thanh lý xong.

Sau khi xử lý được những lô đất khủng trên, mới đây, ngân hàng tiếp tục thông báo đấu giá thêm 3 khối tài sản với giá trị xấp xỉ 1.000 tỷ ở TP.HCM và Bình Dương.

Áp lực từ nợ xấu, Sacombank ráo riết rao bán nhiều tài sản “khủng” - Ảnh 3

(Vị trí dự án tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Nguồn: STB. )

Cụ thể, bất động sản rao bán có giá khởi điểm là 1.330 tỷ đồng. Đó là quyền sử dụng đất tại thửa đất số 1302, 1304 có diện tích 34.040m2 và thửa đất số 1283 có diện tích 42.206m2 và công trình trên thửa đất 1283. Các thửa đất này có vị trí tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Tiếp đến là 15 quyền sử dụng đất toạ lạc tại mặt tiền đường Bùi Hữu Nghĩa, ấp Ngãi Thắng, phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Đây cũng là dự án Khu dân cư Ngãi Thắng. Giá khởi điểm là 897 tỷ đồng.

Hà Phương

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục