Ba “ông” lớn ngân hàng đầu tư chứng khoán ra sao?

(Kinhdoanhnet) – Thời gian gần đây, số tiền mà ba "ông" lớn ngành ngân hàng chi ra để đầu tư chứng khoán lên tới cả trăm nghìn tỷ đồng. Thế nhưng không phải cứ đầu tư nhiều là sẽ đem lại nhiều lợi nhuận.

Chi ra trăm nghìn tỷ đầu tư chứng khoán

Theo báo cáo tài chính năm 2015, cả 3 ông lớn ngành ngân hàng là Vietinbank, BIDV và Vietcombank đều ghi nhận khoản đầu tư vào chứng khoán tăng vọt.

Cụ thể, tính đến hết năm 2015 khoản chứng khoán đầu tư của BIDV đạt 121.565 tỷ đồng, tăng tới 33% so với năm 2014. Trong số 121.565 tỷ đồng chứng khoán đầu tư bao gồm chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán và chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn thì có tới 68.084 tỷ đồng là chứng khoán Chính phủ, chiếm hơn 56% tổng chứng khoán đầu tư của BIDV; 24.773 tỷ đồng là chứng khoán sở hữu từ các TCKT phát hành; 10.576 tỷ đồng là chứng khoán từ các TCTD trong nước và khoảng 18.836 tỷ đồng là trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Ngoài ra, cũng ghi nhận khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh của BIDV vào khoảng 8.873 tỷ đồng.

Tại Vietinbank trong năm 2015, số lượng chứng khoán đầu tư cũng ghi nhận sự tăng vọt lên tới 120.024 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2014. Trong khi chứng khoán kinh doanh chỉ ghi nhận 3.346 tỷ đồng giảm nhẹ so với năm 2014. Trong số hơn 120 nghìn tỷ đồng chứng khoán đầu tư có khoảng 41.668 tỷ đồng là chứng khoán Chính phủ, chiếm khoảng 35% tổng lượng chứng khoán đầu tư tại Vietinbank; 63.646 tỷ đồng là chứng khoán do các TCKT trong nước phát hành, chiếm 53%, còn lại 16.554 tỷ đồng là chứng khoán từ các TCTD phát hành. Mặc dù là ngân hàng thuộc sở hữu của Nhà nước thế nhưng số lượng chứng khoán đầu tư mà Vietinbank nắm giữ phần nhiều lại là ở các TCKT và TCTD chứ không phải từ Chính phủ.

Đối với Vietcombank trong năm 2015, con số ghi nhận tổng lượng chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán và chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn là 108.055 tỷ đồng , tăng rất mạnh lên tới 61% so với năm 2014. Trong đó có tới 83.951 tỷ đồng là trái phiếu chính phủ, chiếm tới hơn 77% tổng khối lượng chứng khoán đầu tư của ngân hàng trong năm 2015; 10.934 tỷ đồng là chứng khoán do các TCKT phát hành; còn lại 10.309 tỷ đồng là chứng khoán từ các TCTD phát hành. Ngoài ra còn có 2.969 tỷ đồng là trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành.

Có thể thấy, tại Vietcombank khối lượng lớn chứng khoán đầu tư đến từ trái phiếu Chính phủ, chiếm tới 77% tổng lượng chứng khoán đầu tư. Rõ ràng Vietcombank khá rè chừng trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán khi lựa chọn một kênh đầu tư khá an toàn đó là trái phiếu Chính phủ. Trong năm 2015, khoản chứng khoán kinh doanh của Vietcombank cũng chỉ đạt 9.467 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2014.

Lợi nhuận từ đầu tư chứng khoán “nay lãi mai lỗ”.

6 tháng đầu năm 2016, “tam trụ” ngành ngân hàng ngành vẫn duy trì được khoản đầu tư vào chứng khoán tương đối cao.

Tại BIDV con số này tiếp tục tăng lên 137.448 tỷ đồng, tăng 13% so với cuối năm 2015, chứng khoán kinh doanh BIDV cũng ghi nhận tăng lên 11.182 tỷ đồng, tăng 26% so với cuối năm ngoái.

Tại Vietinbank 6 tháng đầu năm 2016, khoản chứng khoán đầu tư đạt con số 113.222 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cuối năm 2015; chứng khoán kinh doanh giảm còn 1.711 tỷ đồng, giảm gần 1 nửa so với cuối năm 2015 . Trong số 113.222 tỷ đồng tiền chứng khoán đầu tư, bao gồm chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán và chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn thì có tới hơn 45.354 tỷ đồng là chứng khoán Chính phủ, và 54.713 tỷ đồng là chứng khoán các TCKT phát hành, còn lại 16.340 tỷ đồng là chứng khoán do các TCTD phát hành.

Tại Vietcombank ghi nhận con số 105.702 tỷ đồng chứng khoán đầu tư, giảm nhẹ so với cuối năm 2015. Chứng khoán kinh doanh cũng giảm nhẹ chỉ còn 8.796 tỷ đồng so với 9.925 tỷ đồng ở  cuối năm 2015. Trong cơ cấu chứng khoán đầu tư tại Vietcombank chiếm phần lớn vẫn là trái phiếu Chính phủ đạt tới 77.805 tỷ đồng, còn lại là các khoản như tín phiếu kho bạc, tín phiếu NHNN là 3.006 tỷ đồng, chứng khoán từ các TCTD là 10.003 tỷ đồng, chứng khoán từ các TCKT vào khoảng 13.623 tỷ đồng và hơn 3.513 tỷ đồng là trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành.

Mặc dù khoản đầu tư chứng khoán rất lớn thế nhưng lợi nhuận nó mang lại cho ngân hàng lại rất thất thường.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2016, lợi nhuận từ 2 khoản chứng khoán đầu tư và chứng khoán kinh doanh mang lại cho BIDV chỉ là gần 137 tỷ đồng, trong khi chứng khoán kinh doanh lãi 222 tỷ thì chứng khoán đầu tư lại báo lỗ 85 tỷ đồng. Trước đó năm 2014 BIDV ghi nhận, chứng khoán kinh doanh lãi 210 tỷ đồng, thế nhưng sang năm 2015, lại âm 63 tỷ đồng; tương tự ở khoản chứng khoán đầu tư, năm 2014 lãi 819 tỷ đồng, thì đến năm 2015 chỉ lãi hơn 11 tỷ đồng.

Kết quả từ đầu tư chứng khoán của Vietinbank cũng rất bấp bênh, 6 tháng đầu năm 2016, Vietinbank ghi nhận lãi từ hoạt động chứng khoán kinh doanh là 59 tỷ đồng, giảm 1 nửa so với cùng kỳ 2015. Chứng khoán đầu tư lãi 26 tỷ đồng, cùng kỳ năm 2015 khoản này báo lỗ 108 tỷ đồng.

Tương tư tại Vietcombank, 6 tháng đầu năm lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh đạt 182 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ. Trong khi chứng khoán đầu tư của Vietcombank lại báo lỗ 482 triệu, trong khi cùng kỳ năm ngoái ở khoản này Vietcombank vẫn lãi tới 95 tỷ đồng.

Quang Thắng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục