Cuộc “càn quét” mang tên Dai-ichi Life

Một cuộc “càn quét” rơi đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm thành lập của Bảo hiểm nhân thọ (BHNT) Dai-ichi Life Việt Nam đã khiến nhiều thuê bao di động bức xúc. Nhiều dòng status đã phàn nàn trên các mạng xã hội, thậm chí nặng lời qua điện thoại với nhân viên tiếp thị, nhưng có vẻ không giúp làm thuyên giảm cái cách làm ăn thiếu tôn trọng người dân của hãng bảo hiểm này.

Đang giữa đường hay bận tíu tít với công việc, chuông điện thoại di động reo. Đầu dây bên kia một giọng nữ: “Alô. Em ở bên bảo hiểm Dai-ichi Life của Nhật Bản ạ. Em muốn mời anh tham dự hội thảo của bên em…”. “Em tên gì?”, tôi hỏi. “Em tên Tr. (số di động 0126819xxxx). Em làm ở chi nhánh Bình Thạnh, số 193 Nguyễn Xí”. “Cảm ơn em nhưng anh không tham dự. Em là người thứ 9 xưng là của hãng này gọi mời anh đi dự hội thảo rồi…”.

Cuộc “càn quét” mang tên Dai-ichi Life - Ảnh 1

Đầu dây bên kia đột ngột cúp máy cái “cụp” không một lời chào... Rồi ngạc nhiên thay, không đầy mấy phút sau, chuông điện thoại di động lại reo. Vẫn đều đều một giọng: “Alô. Em ở bên Bảo hiểm Dai-ichi Life của Nhật Bản ạ. Em muốn mời anh tham dự hội thảo của bên em… Nhận được lời từ chối, đầu bên kia cúp máy cái “cụp” không hề có một lời giải thích… khi người nhận cuộc gọi than phiền. Khách hàng bực bội, yêu cầu hãng này xóa tên và số điện thoại khỏi dữ liệu của Cty để tránh bị làm phiền, đầu bên kia “vâng vâng dạ dạ” hứa hẹn, nhưng rồi đâu lại vào đấy.

Nhằm mở rộng thị trường, Dai-ichi mở rộng phạm vi hoạt động và cho phép các chi nhánh tuyển dụng nhiều nhân viên trẻ. Không hiểu được huấn luyện ra sao, nhưng trong cách giao tiếp qua điện thoại đã kém lịch sự, thậm chí còn thiếu văn hóa với khách hàng khi nhận lời từ chối. Chi nhánh này gọi bị khách hàng từ chối thì lại để cho chi nhánh khác gọi tiếp, cứ quét qua quét lại trên từng tên/số điện thoại, khiến nhiều thuê bao di động bực bội, chịu không nổi nữa thì than rằng, thậm chí nặng lời trên mạng xã hội chứ không biết làm gì hơn ngoài sự ngao ngán những cuộc gọi này đến tận cổ. Và không phải chỉ có Dai-Ichi, hiện nay số điện thoại, vốn là “tài sản” cá nhân của người sử dụng được rao bán dễ dàng, và nhiều đơn vị kinh doanh đã tận dụng “cơ hội”, mua ngay lại bảng danh sách và không ngại làm phiền người tiêu dùng theo cách như vậy.

Theo Thẩm Hồng Thụy/Báo Lao động

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục