Trích lập dự phòng lớn, các công ty bảo hiểm nhân thọ đua nhau báo lỗ

Năm 2018 thị trường bảo hiểm nhân thọ (BHNT) Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng trên 30%, nhưng đó chỉ là tăng trưởng phí, còn lợi nhuận thì 10/18 công ty đều thông báo lỗ.

Hơn nửa doanh nghiệp BHNT báo lỗ trong năm 2018

Năm 2018, ngành bảo hiểm nhân thọ (BHNT) tiếp tục tăng trưởng ấn tượng với tổng doanh thu đạt 115.982 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 87.960 tỷ đồng, tăng 32,8% so với năm 2017. Doanh thu từ hoạt động đầu tư ước đạt 28.022 tỷ đồng, tăng 29,4% so với năm 2017. Tuy nhiên, đó chỉ là tăng trưởng phí, chứ không phải lợi nhuận.

Trích lập dự phòng lớn, các công ty bảo hiểm nhân thọ đua nhau báo lỗ - Ảnh 1
Tổng hợp từ BCTC năm 2018 của các doanh nghiệp BHNT.

Mặc dù năm 2018 có sự tăng trưởng mạnh về doanh thu đầu tư, doanh thu khai thác mới, nhưng do các doanh nghiệp BHNT chi phí trích lập dự phòng tăng, nên toàn thị trường lại ghi nhận lợi nhuận mức lỗ gần 3.000 tỷ đồng.

Từ 18 doanh nghiệp BHNT đang hoạt động thì có tới 10 công ty ghi nhận lỗ, bao gồm cả những doanh nghiệp bảo hiểm đã có lãi ở những năm trước. Trong đó, công ty BHNT có mức lỗ lớn nhất trong năm 2018 là Manulife Việt Nam với mức lỗ trước thuế 2.722 tỷ đồng, tăng 117% so với năm 2017 (lỗ 1.254 tỷ đồng), trong khi năm 2016, doanh nghiệp lãi trước thuế 555 tỷ đồng.

Có mức lỗ lớn tiếp theo trong năm 2018 là Generali Việt Nam (lỗ 998 tỷ đồng), Hanwha Life (lỗ 320 tỷ đồng) Sun Life (lỗ 304 tỷ đồng)...

Bên cạnh những cái tên nói trên, hàng loạt doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khác như Phú Hưng Life, BIDV Metlife, MB Ageas Life,... cũng bị lỗ trong năm 2018.

Lỗ do đâu?

Không giống như các doanh nghiệp hàng tiêu dùng khác, các DNBH nhân thọ có biên chi phí rất thấp. Nếu đẩy các chi phí tốn kém như chi phí quảng cáo vào giá (tính phí bảo hiểm ), dẫn đến giá sản phẩm cao, thì sẽ khó cạnh tranh. Còn nếu hạch toán riêng thì chi phí sẽ tăng cao, dẫn đến tình trạng lỗ hoạt động kinh doanh.

Nguyên nhân thực sự khiến các doanh nghiệp BHNT lỗ nặng năm qua do khoản trích lập dự phòng chiếm tới 2/3 chi phí hoạt động 2018. Việc lãi suất trái phiếu chính phủ giảm xuống mức thấp hơn dự kiến trong thời gian qua, kéo theo sự sụt giảm mạnh của lãi suất chiết khấu áp dụng để tính dự phòng kỹ thuật. Cùng với đó, theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, nhiều doanh nghiệp BHNT đã phải trích lập dự phòng lớn trong năm qua.

Trao đổi với Ðầu tư Chứng khoán, ông Clive Baker, Tổng giám đốc Prudential Việt Nam cho biết, năm 2018, lãi suất trái phiếu chính phủ giảm đã ảnh hưởng đến mọi doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của doanh nghiệp.

Cụ thể, Manulife Việt Nam đã trích lập thêm khoản dự phòng trong năm 2018 là 7.228 tỷ đồng, dẫn đến khoản lỗ trước thuế là 2.722 tỷ đồng. Generali cũng thừa nhận đã trích lập thêm khoản dự phòng tăng 751 tỷ đồng trong năm 2017 và 922 tỷ đồng trong năm 2018.

Trích lập dự phòng lớn, các công ty bảo hiểm nhân thọ đua nhau báo lỗ - Ảnh 2
Manulife là doanh nghiệp chịu lỗ nhiều nhất năm 2018. 

Thực tế tại thị trường Việt Nam cho thấy, phải sau 5-7 năm hoạt động, một doanh nghiệp BHNT mới có thể ghi nhận lãi và lợi nhuận tăng trưởng bền vững hay không phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh của từng DNBH.

Các công ty BHNT mới đi vào hoạt động bị lỗ là do đặc thù kinh doanh BHNT. Một hợp đồng BHNT kéo dài nhiều năm, phí bảo hiểm được khách hàng nộp hàng năm. Chi phí phải bỏ ra lại thường phát sinh nhiều nhất những năm đầu khi hợp đồng mới được phát hành. Theo Luật kinh doanh BHNT, tất cả các chi phí này phải được tất toán vào báo cáo lãi lỗ khi phát sinh, trong khi doanh thu phí của hợp đồng này không đến ngay một lần mà trải đều qua các năm.

Do vậy, các công ty BHNT mới hoạt động tại Việt Nam, nhất là những công ty có tăng trưởng doanh thu cao thường phải chịu lỗ qua một số năm cho đến khi có được quy mô lớn.

Hơn nữa, có ý kiến cho rằng khoản lỗ của các công ty BHNT là do hợp tác độc quyền bán bảo hiểm qua ngân hàng. Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm cho biết thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối qua ngân hàng không phải là lý do gây lỗ trong năm 2018, vì thực tế, chi phí này được dàn trải đều theo nhiều năm hợp tác và tính đến thời điểm này, đã có công ty thu được lãi.

Ngoài ra, Sun Life cũng cho biết nguyên nhân lỗ không liên quan gì đến hợp tác độc quyền, và đến thời điểm này doanh nghiệp này vẫn chưa hợp tác với ngân hàng nào.

Điều đáng nói, năm 2018 Manulife là doanh nghiệp chịu lỗ nhiều nhất nhưng vẫn đạt top 3 công ty BHNT uy tín năm 2018.

Được biết, uy tín của các công ty được đánh giá trên 3 tiêu chí, trong đó có một tiêu chí là đánh giá năng lực và hiệu quả tài chính ( tổng tài sản, tổng doanh thu, lợi nhuận sau thuế,...)

Hà Phương (t/h)

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục