Basel 2: Cuộc đua giữa các nhà băng đã đến hồi gay cấn

Theo Thông tư 41/2016/TT-Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thì 1/1/2020 là thời điểm tất cả các ngân hàng phải tuân thủ các quy định Basel 2. Đến nay chỉ còn hơn 3 tháng nữa thôi là đến hạn. Vì vậy, cuộc chạy đua đạt chuẩn Basel 2 giữa các nhà băng gay go hơn lúc nào hết.

Basel 2 đã đến hồi "gay cấn"

Mới đây nhất, HDBank là ngân hàng thứ 10 đã được NHNN chấp thuận cho áp dụng Basel 2 sớm hơn thời gian quy định. Trước đó, vào tháng 11/2018, hai ngân hàng đầu tiên được NHNN chấp thuận tuân thủ và áp dụng Basel 2 từ ngày 1/1/2019 là Vietcombank và VIB.


Basel 2: Cuộc đua giữa các nhà băng đã đến hồi gay cấn - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Mới đây nhất, HDBank là ngân hàng thứ 10 đã được NHNN chấp thuận cho áp dụng Basel 2 sớm hơn thời gian quy định. Trước đó, vào tháng 11/2018, hai ngân hàng đầu tiên được NHNN chấp thuận tuân thủ và áp dụng Basel 2 từ ngày 1/1/2019 là Vietcombank và VIB

Cuối năm 2018, OCB - một ngân hàng có quy mô tầm trung, bất ngờ cũng được phê chuẩn áp dụng Basel 2 sớm hơn thời hạn.

Vào 4/2019, NHNN phê chuẩn cho 5 ngân hàng MBBank, TPBank, ACB, Techcombank và VPBank áp dụng Basel 2, nâng số lượng ngân hàng áp dụng sớm Basel 2 lên con số 8 ngân hàng. Đến tháng 6/2019, MSB cũng đã về đích trước thời hạn.

Trong số 10 cái tên được chọn để thí điểm Basel vào năm 2014 gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, Sacombank, MB, Techcombank, ACB, VIB, Maritime Bank (MSB) và VPBank thì đến nay chỉ có Vietinbank, BIDV, Sacombank là không thể hoàn thành theo kế hoạch.

Cả ba ngân hàng này đều đang gặp một số khó khăn nhất định. Cụ thể, VietinBank gặp khó khăn trong vấn đề tăng vốn, hiện tại nhà băng này chưa tìm được lời giải cho bài toán tăng vốn. Do không tăng được vốn điều lệ, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của VietinBank đã xuống gần ngưỡng cảnh báo, thậm chí nếu tính theo Basel II thì đã xấp xỉ ngưỡng thấp nhất. Điều này khiến ngân hàng khó có thể mở rộng hoạt động.

Đối với Sacombank đã và đang phải trải qua biết bao nhiêu sự cố qua các cuộc đổi chủ, vướng vào nợ xấu và phải tự xây dựng lộ trình tái cấu trúc để phục hồi trở lại.

Tại BIDV để đáp ứng chuẩn Basel 2 cũng phải tăng vốn điều lệ, nhưng ngân hàng này lại đang có nhiều khó khăn về giá và phương thức phát hành.

BIDV đã đặt kỳ vọng vào thương vụ bán vốn cho cổ đông nước ngoài để tăng năng lực tài chính, chạm tới quy chuẩn Basel 2. Thực tế cho thấy, kể từ năm 2016 đến nay, Ngân hàng liên tục đưa ra nhiều phương án tăng vốn điều lệ, nhưng chưa năm nào thực hiện được. Cuối năm 2018, BIDV trình xin cổ đông thông qua việc bán 17,65% vốn điều lệ cho đối tác nước ngoài là Ngân hàng KEB Hana của Hàn Quốc.

Mới đây, BIDV đã hoàn tất việc bán vốn cho đối tác của Hàn Quốc là Hana KEB, nâng tổng vốn điều lệ từ hơn 34.000 tỷ đồng lên 40.000 tỷ đồng. Ngân hàng KEB Hana sẽ nắm 15% vốn điều lệ của BIDV và tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước cũng sẽ giảm từ 95% xuống còn 80,99%.

Thế nhưng, BIDV có thể để đạt chuẩn quốc tế Basel 2 trước thời hạn hay không vẫn chưa chắc chắn.

Đối với những ngân hàng chưa đáp ứng được chuẩn an toàn vốn theo quy định mới, trong Dự thảo Thông tư quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang được NHNN đưa ra lấy ý kiến gần đây, thì ngoài các ngân hàng được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt, một số ngân hàng chưa đáp ứng quy định tỷ lệ an toàn vốn cũng sẽ chưa phải áp dụng quy định của Thông tư 41, nhưng Thống đốc NHNN sẽ quyết định đối với từng trường hợp cụ thể.

Với việc hoàn thành Basel 2 sớm, các ngân hàng không chỉ nâng cao hình ảnh, thương hiệu và uy tín khi nội lực tài chính được thể hiện minh bạch hơn theo chuẩn quốc tế, mà còn được nhận cơ chế “thoáng” hơn về room tín dụng. Thực tế, tăng trưởng tín dụng đang được xem như một nút thắt trong mục tiêu phát triển và gia tăng lợi nhuận với nhiều ngân hàng hiện nay.

Ngân hàng thi nhau tăng lãi suất tiền gửi

ABBank có lãi suất tiền gửi 12 tháng cao nhất hệ thống không kèm điều kiện giá trị tiền gửi.

Hiện nay, ABBank có lãi suất tiền gửi 12 tháng cao nhất hệ thống không kèm điều kiện giá trị tiền gửi. Ngoài ra, ABBank cũng cung cấp kỳ hạn gửi tiết kiệm 13 tháng với lãi suất 8,3%/năm. Được biết, ngân hàng này chỉ xếp sau Bản Việt có lãi suất 8,4%/năm (dù thế lãi suất 12 tháng của Bản Việt chỉ 8%/năm).

Basel 2: Cuộc đua giữa các nhà băng đã đến hồi gay cấn - Ảnh 2
Lãi suất ngân hàng 12 tháng. Nguồn: Số liệu ngân hàng.

Sau ABBank, Bắc Á và OCB là hai ngân hàng có lãi suất huy động ở mức 8,1%/năm.

Trong đó, Bắc Á nâng lãi suất tại tất cả các kỳ hạn trên 12 tháng thêm 2 điểm phần trăm từ 7,9%/năm. Nhà băng này cũng nâng lãi suất kỳ hạn 6 tháng thêm 1 điểm phần trăm lên 7,5% và kỳ hạn 9 tháng thêm 2 điểm phần trăm lên 7,9%/năm, trong khi các kỳ hạn 1-3 tháng giữ ở 5,5% và không kỳ hạn là 1%/năm. Nhìn chung trong hệ thống, Bắc Á vẫn là ngân hàng có mặt bằng chung lãi suất kỳ hạn ngắn cao nhất.

Còn OCB cũng tăng lãi suất kỳ hạn 12 tháng thêm 1 điểm phần trăm từ 8%/năm của tháng 8. Lãi suất các kỳ hạn khác không có sự thay đổi.

Đáng chú ý, 6 tháng đầu ABBank là ngân hàng duy nhất tăng trưởng dư nợ cho vay âm trong hệ thống, tiền gửi khách hàng của ABBank cũng giảm 4% so với đầu năm, khi kế hoạch đề ra là tăng 28%. Có thể việc giữ lãi suất huy động ở mức cao nhất hệ thống là động thái nhằm thu hút khách hàng gửi tiền của ABBank.

Ngoài ra, còn một số ngân hàng khác có kỳ hạn 12 tháng neo ở 8%/năm như NCB, Bảo Việt Bank, Bản Việt với tiết kiệm thông thường hoặc một số chương trình riêng.

Đối với sản phẩm chứng chỉ tiền gửi cho khách hàng cá nhân, tổ chức thì ngân hàng Bản Việt vẫn dẫn đầu về lãi suất huy động với 10,2%/năm cho kỳ hạn 60 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ. Bên cạnh đó, với các kỳ hạn khác 24 - 48 tháng lãi suất áp dụng của ngân hàng này là 9,5-10%/năm.

Tương tự, ngân hàng VietABank cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi 9,1% cho kỳ hạn 24 tháng với tiền gửi tối thiểu là 10 triệu đồng.

Ngoài ra, SHB cũng thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất 8,9%/năm cho kỳ hạn 36 tháng và giá trị trên 2 tỷ đồng. Đối với các kỳ hạn 12 - 24 tháng có lãi suất 8,6 - 8,8%/năm. Tại Nam Á Bank phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 7 năm với lãi suất 8,9%/năm.

Lý do dẫn tới thực trạng này là đặc tính của sản phẩm chứng chỉ tiền gửi và nhu cầu vốn của các nhà băng. Việc huy động vốn qua kênh chứng chỉ tiền gửi được xem là một biện pháp huy động vốn trung - dài hạn.

Hơn nữa, để bổ sung vốn cấp 2, cải thiện hệ số an toàn vốn theo chuẩn Basel II một số nhà băng cũng phát hành lượng lớn trái phiếu từ đầu năm như BIDV, VietinBank, Vpbank, TPBank, ACB... Riêng VietinBank, được Ngân hàng Nhà nước cho phép phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu và đã thông báo chào bán hơn 5.600 tỷ đồng.

Lãi suất điều hành giảm nhưng lãi suất cho vay khó giảm

NHNN mới ra thông báo giảm 0,25% với các lãi suất điều hành, gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm, lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO). Quyết định có hiệu lực từ ngày 16/9.

Đây là lần đầu kể từ tháng 7/2017, NHNN giảm các lãi suất điều hành. Việc giảm các lãi suất này có thể giúp các ngân hàng thương mại giảm chi phí vay tái cấp vốn, tái chiết khấu từ Ngân hàng Nhà nước, qua đó phần nào giúp hạ lãi suất cho vay khi chi phí vốn đầu vào giảm bớt.

Động thái này của NHNN nằm trong kỳ vọng của cả thị trường, thậm chí có quan điểm cho rằng thời điểm ra quyết định này là chậm so với diễn biến thực tế.

Basel 2: Cuộc đua giữa các nhà băng đã đến hồi gay cấn - Ảnh 3
Ngân hàng Nhà nước vừa giảm một loạt lãi suất điều hành.

Quyết định của NHNN được đưa ra khi cơ quan này đã có cả điều kiện cần và đủ trong tay. Điều kiện cần chính là xu hướng hay diễn biến của thị trường tài chính và tiền tệ quốc tế. Động thái hạ lãi suất điều hành đã được rất nhiều ngân hàng trung ương (NHTƯ) các nước trên thế giới thực hiện kể từ đầu năm 2019 đến nay.

Tuy nhiên, có một sự khác biệt rất lớn đó là khi NHTƯ các nước hạ lãi suất điều hành, ngay lập tức mặt bằng lãi suất huy động và cho vay ra nền kinh tế sẽ giảm một mức tương ứng. Nhưng hệ thống ngân hàng của Việt Nam vẫn đang tồn tại những vấn đề mang tính riêng nên có lẽ sẽ chưa xảy ra vào thời điểm hiện tại.

Đó là việc các NHTM vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu còn tồn động từ những năm trước. Mặc dù kết quả xử lý nợ xấu trong thời gian gần đây là rất tích cực, nhưng nhiều ngân hàng vẫn đang phải huy động vốn với chi phí cao để trả lãi cho các khoản nợ xấu chưa thể thu hồi được.

Bên cạnh đó, các NHTM cũng phải đồng thời tuân thủ các giới hạn về an toàn hoạt động theo tiêu chuẩn của Basel 2 kể từ năm 2020. Do đó, các NHTM vẫn đang phải đẩy mạnh huy động vốn ở các kỳ hạn dài cũng như tăng vốn điều lệ để duy trì hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định.

Các chuyên gia nhận định việc giảm các loại lãi suất điều hành tác động không đáng kể tới lãi suất huy động, cho vay dân cư và doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tác động của việc giảm các loại lãi suất nói trên tại Việt Nam sẽ không quá lớn như ở các nước phát triển. Việc điều hành chính sách tiền tệ ở Việt Nam là đặt mục tiêu trực tiếp về khối lượng cung tiền chứ không phải về lãi suất.

Do vậy, không nên quá kỳ vọng và chờ đợi vào việc các NHTM sẽ giảm lãi suất cho vay trong thời gian này. Hiện nay, việc một số NHTM tăng mạnh lãi suất huy động đối với các khoản tiền gửi trên sáu tháng trong tháng 8 vừa qua chỉ là những diễn biến tạm thời và mang tính đơn lẻ.

Hà Phương (t/h)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục