BIDV: Cảnh báo nợ xấu tiếp tục ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng

(Kinhdoanhnet) – Theo đó, Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa có báo cáo về tình hình hoạt động kinh doanh của BIDV trong năm 2016 và đưa ra cảnh báo nợ xấu có thể tiếp tục ảnh hưởng đến lợi nhuận của BIDV trong năm 2016.

Trong báo cáo của VCSC, Công ty chứng khoán này khuyến nghị điều chỉnh giám giá cổ phiếu của BIDV xuống 16.400 đồng/cổ phiếu. Lý do mà VCSC đưa ra cho khuyến nghị của mình là do nợ xấu và nợ nhóm 2 của BIDV tăng cao, dự báo rủi ro tín dụng và chi phí xử lý nợ xấu cũng sẽ tăng theo.

VCSC đánh giá nợ xấu là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng tới lợi nhuận ròng của BIDV trong 6 tháng đầu năm 2016. Cụ thể, 6 tháng đầu năm lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của BIDV ghi nhận tăng gần 17% nhưng chi phí dự phòng cũng tăng tới gần 30%, từ 3.460 tỷ đồng nửa đầu năm 2015 lên 4.494 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2016, khiến mức tăng trưởng lợi nhuận trước và sau thuế của BIDV chỉ còn lần lượt là 4,4% và 5,1% so với cùng kỳ. Cụ thể, lãi trước thuế 6 tháng đầu năm 2016 BIDV đạt 3.328 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 2.694 tỷ đồng.

Mặc dù, trong kỳ BIDV ghi nhận khoản thu nhập lãi và ngoài lãi tăng lần lượt 12,5% và 36,4% so với cùng kỳ nhưng chi phí dự phòng cũng tăng tới hơn 1.000 tỷ đồng, tương đương gần 30%. Theo VCSC thì mức gánh nặng dự phòng của BIDV ngày càng lớn do có tổng nợ xấu chính thức và trái phiếu VAMC thuộc hạng lớn nhất trong hệ thống.

Cụ thể, tổng giá trị nợ xấu và trái phiếu VAMC của BIDV lên tới 33.800 tỷ đồng, trong đó tổng giá trị nợ xấu của ngân hàng tính đến ngày 30/6/2016 lên tới 13.172 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ khoảng 2%. Cùng kỳ năm 2015, tỷ lệ nợ xấu của BIDV chỉ vào khoảng 1,68%. Tổng dự phòng cho nợ và trái phiếu VAMC của BIDV là 13.200 tỷ đồng, điều này cho thấy để xử lý được số nợ xấu và trái phiếu VAMC hiện tại, BIDV sẽ phải tốn rất nhiều thời gian nữa.

BIDV: Cảnh báo nợ xấu tiếp tục ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng - Ảnh 1

Giá trị nợ xấu của BIDV thuộc hạng lớn nhất trong toàn hệ thống tính cho tới hết ngày 30/6/2016. Ảnh: QT.

Theo VCSC, thì chi phí xử lý nợ xấu của BIDV sẽ tiếp tục tăng cao trong các năm tới lý do là vì bên cạnh nợ xấu chính thức và trái phiếu VAMC, BIDV còn có những khoản nợ từ các khách hàng lớn, và có khả năng sẽ được tái cơ cấu mà không phải chuyển nhóm nợ, nên sẽ không bị tính vào nhóm nợ xấu, dù không nói rõ nhưng cũng có thể đoán được khách hàng lớn của BIDV ở đây chính là Hoàng Anh Gia Lai đang gặp khó khăn với các khoản vay đến hạn.

Mặc dù việc các khoản nợ này không bị tính vào nhóm nợ xấu và BIDV sẽ giảm bớt được gánh nặng dự phòng nhưng lại làm tăng rủi ro cho BIDV, hiện nay dự phòng cho tín dụng và trái phiếu VAMC của BIDV mới chỉ bằng 39% tổng nợ xấu và trái phiếu VAMC.

Trong năm 2015, BIDV đã nhận tới 12.600 tỷ đồng trái phiếu VAMC, gấp đối con số năm 2014 nên dự phòng bắt buộc trong năm 2016 của BIDV sẽ cao hơn rất nhiều so với năm 2015. Vì phải dự phòng cho trái phiếu VAMC theo quy định nên để giảm chi phí dự phòng BIDV đã phải hạn chế xoá nợ xấu dẫn tới nợ xấu ngân hàng 6 tháng đầu năm tăng cao. Nếu BIDV giữ nguyên tỷ lệ xoá nợ 0,3% tổng dư nợ như trong quý 2/2015 và 0,8% trong quý 4/2015 thì nợ xấu BIDV sẽ thấp hơn con số 2% hiện tại, nửa đầu năm 2016, tỷ lệ xoá nợ xấu của BIDV chỉ là 0,1% tổng dư nợ.

Một vấn đề nữa BIDV đang gặp phải đó là việc tăng vốn điều lệ cho ngân hàng. Trước đó HĐQT BIDV đã đề ra kế hoạch tăng vốn điều lệ ngân hàng thêm 27,6% trong năm 2016, thế nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Trong số 27,6% tăng vốn này thì 8,5% là phát hành quyền mua phụ thuộc vào quyết định hỗ trợ của Chính phủ. Cùng với kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 8,5% bị Bộ Tài chính phản đối và yêu cầu chi trả cổ tức bằng tiền mặt. Do tỷ lệ CAR cuối năm 2015 là 9,8%, kế hoạch tăng vốn này là nỗ lực của BIDV để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng trong năm 2016 và đảm bảo đến cuối năm tỷ lệ CAR đúng quy định. Và cho dù, BIDV có thực hiện thành công kế hoạch tăng vốn thêm 27,6% thì vẫn phải thực hiện thêm 1 đợt phát hành riêng lẻ nữa để duy trì tăng trưởng cho vay 17-18% từ năm 2017 trở đi.

Theo đánh giá từ VCSC thì chất lượng tài sản của BIDV đang có dấu hiệu đi xuống khá nhanh vì nợ nhóm 2 tăng mạnh trong Quý 2/2016. Cụ thể, trong Quý 2, nợ nhóm 2 của BIDV tăng tới 39%, tương đương 7.400 tỷ đồng, nếu so với đầu năm, nợ nhóm 2 của BIDV đã tăng tới gần 50%. Xét về nợ từ nhóm 2 đến nhóm 5 trong Quý 2 tăng mạnh cả về tỷ lệ lẫn giá trị tuyệt đối so với Quý 1/2016.

 

BIDV: Cảnh báo nợ xấu tiếp tục ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng - Ảnh 2

Kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2016 so với kế hoạch của BIDV. Ảnh: BC VCSC.

Năm 2015, BIDV đã giảm được nợ xấu nhờ xoá 0,8% nợ trên tổng dự nợ và bán lượng nợ xấu lớn cho VAMC, khoảng 2,1% tổng dư nợ tương đương 12.600 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2016, BIDV hạn chế xoá nợ và không bán thêm nợ cho VAMC khiến tài sản có vấn đề trên bảng cân đối kế toán tăng mạnh. Như vậy, nợ xấu của BIDV khó có thể giảm nếu BIDV không tiếp tục xoá nợ hoặc bán nợ.

Sau khi sáp nhập MHB vào năm 2015, số dư trái phiếu VAMC mà BIDV sở hữu lên tới 20.800 tỷ đồng, gấp 2,5 lần con số năm 2014 của BIDV và MHB cộng lại. Vì vậy, dự phòng bắt buộc cho VAMC năm 2016 của BIDV sẽ cao hơn nhiều so với năm 2015, điều này giải thích cho việc dự phòng trái phiếu VAMC nửa đầu năm 2016 tăng cao.

Nợ xấu đã ảnh hưởng trực tiếp đến BIDV buộc BIDV phải thoái thu thu nhập lãi khi nợ bị quá hạn, khiến lợi suất cho vay giảm; chi phí xoá nợ, chi phí dự phòng rủi ro và chi phí thu xử lý và hồi nợ bào mòn lợi nhuận của ngân hàng và sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới lợi nhuận của BIDV trong các năm tiếp theo.

VCSC cũng đưa ra điều chỉnh dự báo kết quả kinh doanh của BIDV trong năm 2016 và năm 2017 theo chiều hướng giảm.

Quang Thắng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục