BIDV dồn dập mua lại lượng lớn trái phiếu, ngân hàng Đông Á họp cổ đông bất thường sau 4 năm bị kiểm soát đặc biệt,...

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID) thời gian gần đây liên tục mua lại lượng lớn trái phiếu mà chính họ đã phát hành cách đây 5 - 6 năm.

BIDV dồn dập mua lại lượng lớn trái phiếu do chính mình phát hành

BIDV liên tiếp có kế hoạch mua lại lượng lớn trái phiếu mà chính họ phát hành trước đây. Cụ thể, ngày 8/8, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID) thông báo mua lại toàn bộ 3.300 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn phát hành đợt 1 năm 2014.

Ngày 19/9 tới đây, BIDV sẽ mua lại toàn bộ 4.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành đợt 2 năm 2014;...

BIDV dồn dập mua lại lượng lớn trái phiếu, ngân hàng Đông Á họp cổ đông bất thường sau 4 năm bị kiểm soát đặc biệt,... - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Những năm gần đây, BIDV vẫn gặp khó khăn trong cân đối vốn, nhất là thời điểm đáp ứng yêu cầu đủ vốn theo Basel II quy định tại Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước đã gần kề (từ đầu năm 2020). Theo đó, hoạt động phát hành trái phiếu kỳ hạn dài liên tục được thực hiện những năm qua, gối đầu và tiếp tục phát hành mới cho đến cả nửa cuối năm nay.

BIDV không hẳn dư thừa nguồn trong cân đối vốn để mua lại lượng lớn trái phiếu nói trên. Hơn nữa, hoạt động phát hành trái phiếu mới, cũng dài hạn, vẫn đang và sẽ tiếp tục, nên hoạt động mua lại đó có thể xem như “đảo nợ” theo các vòng quay mới.

Nguyên nhân BIDV mua lại lượng trái phiếu lớn nằm ở chi phí và kỳ hạn. Cụ thể, trái phiếu họ phát hành năm 2014 có kỳ hạn 10 năm 01 ngày. Tại thời điểm phát hành, nó đủ điều kiện về kỳ hạn để tính vào vốn cấp 2 tăng tỷ lệ an toàn vốn (CAR).

Ngoài ra, điểm chính là chi phí, lãi suất phát hành trước đây Chẳng hạn đợt phát hành 3.300 tỷ đồng ngày 8/8/2014 có lãi suất trả cố định 5 năm đầu lên tới 8,8%/năm. Tại thời điểm đó mức lãi suất này không hẳn quá cao, nhưng đến nay so với mặt bằng chung thì ở mức cao.

Sau 5 năm kể từ ngày phát hành thì mức lãi suất áp dụng cho thời hạn còn lại của trái phiếu lên tới 9,3%/năm. Như vậy, đến nay, 5 năm đã trôi qua, trái phiếu đó bắt đầu bước vào giai đoạn chịu lãi suất rất cao, chi phí lớn.

Chính vì vậy, khi thời điểm 5 năm đã đến, để tránh mức lãi suất phải trả cho trái phiếu cũ lên tới 9,3%/năm, ngân hàng đã mua lại, đóng vị thế trước rủi ro chi phí. Hiện tại, trái phiếu mới phát hành chỉ phải chịu lãi suất khoảng 8,2 - 8,5%/năm.

Ngân hàng bị 'siết' cho vay cầm cố sổ tiết kiệm

Trong những năm trước đây, nhiều ngân hàng đã triển khai sản phẩm gửi tiền rút gốc linh hoạt, theo đó cho phép khách hàng có thể rút gốc từng phần hoặc thậm chí toàn bộ trước hạn mà vẫn được hưởng lãi suất như ban đầu.

Điều này dẫn đến tình trạng mất an toàn thanh khoản cũng như rủi ro kỳ hạn tại các ngân hàng, do đó hình thức cho vay này đã bị cấm.

Nhiều ngân hàng đã “lách” quy định này bằng hình thức cho vay cầm cố sổ tiết kiệm, theo đó, khách hàng sẽ chấp nhận mức lãi suất vay cao hơn lãi suất trên sổ tiết kiệm một cách tượng trưng.

Theo thống kê, dư nợ cho vay cầm cố sổ tiết kiệm trong hệ thống ngân hàng không hề nhỏ. Rất nhiều khách hàng gửi tiết kiệm nhưng sau đó cần tiền xử lý công việc cần tiền gấp, nếu rút tiền gửi trước hạn thì theo quy định sẽ phải chịu lãi suất không kỳ hạn rất thấp.

Chính vì vậy, nhiều người chọn vay cầm cố sổ tiết kiệm, chấp nhận lãi suất vay cao hơn lãi suất gửi tiền trên sổ tiết kiệm nhưng kỳ hạn vay ngắn hơn.

BIDV dồn dập mua lại lượng lớn trái phiếu, ngân hàng Đông Á họp cổ đông bất thường sau 4 năm bị kiểm soát đặc biệt,... - Ảnh 2
Ảnh minh họa


Thực tế, khi các ngân hàng đẩy mạnh cho vay cầm cố sổ tiết kiệm, sẽ có hai vấn đề phát sinh.

Nếu khoản tiền gửi tiết kiệm có nguồn gốc bất hợp pháp thì sẽ rủi ro cho ngân hàng, vì nếu Nhà nước tịch thu thì ngân hàng sẽ không thể tất toán được.

Ngoài ra, hiện có nhiều ngân hàng lợi dụng sản phẩm này để đẩy tăng trưởng tín dụng, nhất là thời điểm chuẩn bị chốt số liệu. Chiêu này được không ít ngân hàng áp dụng, nhất là từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng chính sách giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng phù hợp cho từng ngân hàng.

Theo các chuyên gia, cần phải siết chặt cho vay cầm cố sổ tiết kiệm. Điều này không chỉ hạn chế tình trạng tăng dư nợ khống tại một số ngân hàng như đã nêu trên mà còn giảm thiểu các rủi ro như làm giả sổ tiết kiệm để cầm cố vay vốn đã từng xảy ra tại một số ngân hàng thời gian gần đây.

Chính vì vậy, ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có công văn gửi các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, về việc cảnh báo cho vay cầm cố sổ tiết kiệm không có phương án sử dụng vốn vay.

Theo NHNN, qua công tác thanh tra, giám sát cho thấy có hiện tượng một số tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là TCTD) cho khách hàng vay vốn có đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm nhưng không có phương án sử dụng vốn vay theo quy định tại Thông tư 39/2016, vi phạm quy định của NHNN về sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay.

NHNN yêu cầu TCTD không thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về cho vay, về lãi suất huy động bằng ngoại tệ, về sử dụng phương án không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay, kiểm soát chặt chẽ khoản vay, đặc biệt là kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay và giải ngân vốn vay đối với các khoản vay đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm. NHNN sẽ xử lý nghiêm các TCTD cố tình vi phạm.

TCTD phải kịp thời báo cáo cơ quan thanh tra giám sát NHNN và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố những trường hợp vi phạm, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động ngân hàng để có biện pháp xử lý đảm bảo an toàn hoạt động.

Ngân hàng Đông Á họp đại hội cổ đông bất thường sau 4 năm bị kiểm soát đặc biệt

Ngày 6/9/2019, trên trang web của mình Ngân hàng TMCP Đông Á bất ngờ thông báo chốt danh sách cổ đông có quyền dự họp đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019. Ngày chốt danh sách cổ đông là 26-9-2019. Thời gian, địa điểm, chương trình, nội dung và tài liệu đại hội sẽ được chuyển tới cổ đông có tên trong danh sách chốt và sẽ được đăng tải công khai trên trang web.

BIDV dồn dập mua lại lượng lớn trái phiếu, ngân hàng Đông Á họp cổ đông bất thường sau 4 năm bị kiểm soát đặc biệt,... - Ảnh 3
Ảnh minh họa

Đây là lần đầu tiên trong bốn năm qua, kể từ khi một số lãnh đạo chủ chốt cũ của Đông Á bị khởi tố điều tra và xét xử tại tòa, ngân hàng này tổ chức họp đại hội đồng cổ đông. 

Lần gần nhất Ngân hàng Đông Á tổ chức đại hội cổ đông thường niên vào tháng 7/2015. Kể từ khi bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, cổ đông của Ngân hàng Đông Á cũng không được chuyển nhượng cổ phần, ngân hàng này cũng không công bố báo cáo tài chính.

Hiện các lãnh đạo chủ chốt của ngân hàng này từ chủ tịch hội đồng quản trị đến tổng giám đốc hầu hết là nhân sự mới.

Không giống như một số tổ chức tín dụng yếu kém khác được giao cho một số ngân hàng hàng đầu (có vốn nhà nước chi phối) hỗ trợ về quản trị, nhân lực, Đông Á trên thực tế suốt thời gian qua được điều hành bằng nguồn nhân lực do NHNN điều phối, phê duyệt.

Theo quy định về kiểm soát đặc biệt, Đông Á không được phát triển tín dụng mà chủ yếu tập trung vào xử lý nợ. Vào tháng 9/2018, đăng tải trên trang web, Đông Á thông báo trong năm 2017 và tám tháng đầu năm 2018 đã thu hồi được 9.100 tỉ đồng nợ xấu (cả gốc và lãi), bằng 53,3% kế hoạch xử lý nợ xấu của năm năm (2016 - 2020). Như vậy theo kế hoạch đến hết năm 2020 ngân hàng phải xử lý được tầm 17.100 tỉ đồng nợ xấu.

Trước đó, Đông Á cho biết trong giai đoạn từ tháng 8/2015 đến hết năm 2017 đã thu hồi được tổng cộng 12.100 tỉ đồng nợ xấu. Từ hai số liệu nói trên, khó bóc tách số nợ xấu mà ngân hàng này giải quyết trong năm 2018. Tuy nhiên, có thể khẳng định đến giữa năm nay nợ xấu mà Đông Á đã tháo gỡ nhiều hơn con số 12.100 tỉ đồng.

Đến khi cơ quan cảnh sát điều tra hoàn tất kết luận, dư luận mới sáng tỏ Đông Á đã lỗ lũy kế 31.076 tỉ đồng và âm vốn chủ sở hữu 25.451 tỉ đồng vào cuối năm 2015.

NHNN đã không dưới một lần khẳng định không để Đông Á phá sản và phá sản hiện chưa phải là cách thức thích hợp để tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém.

Trong thông cáo gần nhất, DongA Bank cho biết, kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, tổng huy động vốn từ khách hàng đạt 63.450 tỷ đồng tăng 2.595 tỷ đồng tương ứng tăng 4,3% so với đầu năm 2019; tăng 1.730 tỷ đồng tương ứng tăng 3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm của khách hàng đạt 50.903 tỷ đồng, tương ứng tăng 4,8% so đầu năm 2019.

So sánh với con số hơn 77.500 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng tại DongA Bank cuối năm 2014, có thể thấy trong hơn 4 năm qua, ngân hàng đã phải đối mặt với không ít khó khăn.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, công tác thu hồi nợ có vấn đề cả gốc và lãi đạt 1.870 tỷ đồng, lũy kế từ thời điểm 8/2015 đến 6/2019 thu được 16.350 tỷ đồng. Các tỷ lệ chi trả luôn đáp ứng các yêu cầu và quy định của Ngân hàng Nhà nước, cụ thể như: Tỷ lệ dự trữ thanh khoản đạt 20,78%, tỷ lệ khả năng chi trả ngoại tệ 77,98%, tỷ lệ khả năng chi trả đối với Việt Nam đồng đạt 83,77%.

Hà Phương (t/h)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục