Các "ông lớn" ngân hàng đổ xô mua trái phiếu của các tổ chức tín dụng

Vietcombank là ngân hàng sở hữu giá trị đầu tư chứng khoán nợ của các TCTD khác lớn nhất.

Vài năm trở lại đây, thị trường liên tục chứng kiến các ngân hàng thực hiện phát hành trái phiếu huy động vốn. Trong đó chủ yếu qua hình thức riêng lẻ dưới 100 nhà đầu tư.

Chẳng hạn, "ông lớn" BIDV trong thời gian gần đây đổ xô phát hành trái phiếu. Cụ thể, tháng 8/2019 BIDV phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm đợt 2 năm 2019. Tháng 7/2019, BIDV phát hành thành công 200 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm và 10 năm Đợt 1 năm 2019. Tháng 1/2019, BIDV phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu của đợt 4 và 5 năm 2018,...

Đồng thời nhà băng này cũng liên tiếp mua lại lượng lớn trái phiếu mà chính họ phát hành trước đây. Cụ thể, ngày 8/8 vừa qua, BIDV thông báo đã mua lại toàn bộ 3.300 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 phát hành đợt 1 năm 2014 và ngày 19/9 họ tiếp tục mua lại 4.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành cũng trong năm đó,...

Tuy nhiên, theo BCTC 6 tháng đầu năm 2019, “đứng đầu bảng” nợ xấu hiện nay là BIDV, tại thời điểm 30/6/2019 nợ xấu nội bảng của nhà băng này lên tới 21.121 tỷ đồng, tăng 12,3% so với đầu năm.

Đáng chú ý, trong năm 2018 ngân hàng Vietcombank đã nhiều lần phát hành trái phiếu. Cụ thể, trong tháng 10/2018, Vietcombank đã có 3 đợt phát hành trong các ngày 23, 26 và 31 cho kỳ hạn 6 năm. Ngân hàng này đã huy động được tổng cộng 329,3 tỷ đồng thông qua bán gần 3,3 triệu trái phiếu mệnh giá 100.000 đồng. Lãi suất trả cổ định ở mức 7,475%/năm. Tháng 11/2018, ngân hàng này đã phát hành thành công 288,3 tỷ đồng trái phiếu với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu...

Tuy nhiên, bước sang năm 2019 Vietcombank không còn "mặn mà" với việc đầu tư vào phát hành trái phiếu. Thay vào đó, Vietcombank lại chủ yếu mua trái phiếu của các tổ chức tín dụng (TCTD).

"Ông lớn" Vietcombank có nguồn vốn dồi dào, thay vì cho vay trên thị trường liên ngân hàng như truyền thống, việc đầu tư vào trái phiếu của ngân hàng khác đang trở nên hấp dẫn nhờ lãi biên cao hơn. Và đây đang là một dịch chuyển nổi bật trong hoạt động ngân hàng tại Việt Nam từ cuối 2018 đến nay.

Theo BCTC mới công bố, Vietcombank đã tăng mạnh đầu tư vào trái phiếu của các tổ chức tín dụng (TCTD) khác trong 6 tháng qua.

Các "ông lớn" ngân hàng đổ xô mua trái phiếu của các tổ chức tín dụng - Ảnh 1
Nguồn: BCTC bán niên hợp nhất năm 2019 đã kiểm toán.

Cụ thể, ở mục chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán, Vietcombank đã mua ròng thêm gần 7.000 tỷ đồng chứng khoán nợ (chủ yếu là trái phiếu) do các TCTD phát hành. Theo đó, danh mục này đã tăng 52,8% trong 6 tháng đầu năm lên mức 20.157 tỷ đồng.

Tương tự, chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn, Vietcombank cũng mua thêm hơn 15.000 tỷ đồng chứng khoán nợ của các TCTD, tăng lên mức hơn 37.616 tỷ đồng.

Ở mảng huy động vốn, ngân hàng cũng không tăng phát hành giấy tờ có giá trong 6 tháng đầu năm mà chủ yếu huy động vốn từ tiền gửi của khách hàng.

Đến cuối tháng 6/2019, Vietcombank là ngân hàng sở hữu giá trị đầu tư chứng khoán nợ của các TCTD khác lớn nhất với khoảng 57.774 tỷ đồng, tăng 61% so với hồi đầu năm.

Được biết, BIDV cũng là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng đầu tư chứng khoán nợ phát hành từ các TCTD cao nhất là 21.460 tỷ đồng, tức tăng hơn 136%, phân loại chủ yếu ở tài sản sẵn sàng để bán.

Thực tế, việc đầu tư vào trái phiếu của tổ chức tín dụng (TCTD) khác cũng là một kênh khả thi nhận được lợi suất cao, vì một trong những cách mà các ngân hàng khác cải thiện CAR theo yêu cầu Thông tư 41 là phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2 và phục vụ các yêu cầu tín dụng kinh doanh.

Theo BCTC 6 tháng đầu năm 2019, dù lợi nhuận của Vietcombank rất "khủng" nhưng ở chiều ngược lại, lãi từ mua bán chứng khoán chỉ đạt 84 tỷ đồng, giảm 83% so với cùng kỳ. Thu nhập góp vốn mua cổ phần giảm 63%, chỉ đạt 201 tỷ. Lãi từ hoạt động khác giảm 19%, chỉ đạt 1.934 tỷ đồng.

Chi phí hoạt động của Vietcombank trong 6 tháng đầu năm chỉ tăng 6,6% so với cùng kỳ lên mức 8.451 tỷ. Theo đó, tỷ lệ tổng chi phí hoạt động/ tổng thu nhập hoạt động đạt mức 36,6%, thấp hơn nhiều so với mức 41,3% so với nửa đầu năm trước.

Về chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng chỉ tăng nhẹ 2,5% lên 3.317 tỷ đồng.

Các "ông lớn" ngân hàng đổ xô mua trái phiếu của các tổ chức tín dụng - Ảnh 2
Nguồn: BCTC bán niên hợp nhất năm 2019 đã kiểm toán.

Đáng chú ý đến cuối tháng 6/2019, nợ xấu của ngân hàng tăng lên 910 tỷ đồng so với hồi đầu năm lên mức 7.134 tỷ. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay từ mức 0,99% hồi đầu năm tăng lên 1,03%. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng vọt từ 292 tỷ lên tới 1.670 tỷ, tức tăng tới gần 6 lần.

Đặc biệt, vào tháng 5/2019, Kiểm toán Nhà nước từng đề cập vấn đề các ngân hàng đầu tư trái phiếu chéo, dẫn đến tình trạng "cải thiện ảo" CAR, chất lượng tài sản chưa đáng tin cậy.

Thực tế, cơ quan thanh tra của NHNN cần phải giám sát kỹ các dấu hiệu này để tránh tình trạng làm méo mó thị trường công cụ nợ và không đảm bảo tính chân thực của các hệ số an toàn vốn tại một số ngân hàng hiện nay.

Theo thống kê mới nhất từ NHNN, tính đến cuối tháng 2/2019, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của toàn hệ thống ngân hàng vào khoảng 11,8%. Trong đó, các ngân hàng thương mại Nhà nước có tỷ lệ này ở mức 9,42%, ngân hàng thương mại cổ phần ở mức 10,76%.

Hà Phương

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục