''Đại chiến" Eximbank vẫn chưa hồi kết, nợ trái phiếu của VietinBank tăng hơn 36.500 tỷ đồng,...

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) là trường hợp hiếm hoi trong ngành ngân hàng Việt Nam bởi cổ đông liên tục biến động suốt 9 năm qua.

Eximbank "liêu xiêu" vì cuộc chiến quyền lực

Dù đã bầu Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) và quyền Tổng giám đốc, nhưng sự ổn định về nhân sự cấp cao tại Eximbank vẫn được dư luận đặt dấu hỏi.

Chỉ một tuần sau khi ông Lê Minh Quốc trở lại vị trí Chủ tịch HĐQT, ngày 22/5, HĐQT Eximbank chính thức có quyết định chấp thuận đơn từ nhiệm của ông. Đồng thời, cùng ngày, ngân hàng thông báo ông Cao Xuân Ninh được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2015 - 2020.

HĐQT Eximbank cũng bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Vinh, Phó tổng giám đốc thường trực làm quyền Tổng giám đốc, thay thế ông Lê Văn Quyết có đơn từ nhiệm trước đó.

Như vậy, chỉ trong 2 tháng, vị trí Chủ tịch Eximbank đã lần lượt trong tay ông Lê Minh Quốc, bà Lương Thị Cẩm Tú, rồi lại trở về tay ông Lê Minh Quốc và hiện tại đến ông Cao Xuân Ninh. Chưa kể, trước khi từ nhiệm, ông Lê Minh Quốc còn ủy quyền cho ông Ngô Thanh Tùng, một thành viên HĐQT thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch HĐQT ngân hàng.

Sóng nhân sự cấp cao của các ngân hàng tiếp tục có biến động lớn trong thời gian qua, nhưng hiếm có nhà băng nào như Eximbank, thay ghế “nóng” trong thời gian ngắn.

''Đại chiến" Eximbank vẫn chưa hồi kết, nợ trái phiếu của VietinBank tăng hơn 36.500 tỷ đồng,... - Ảnh 1
Kết quả kinh doanh của Eximbank giai đoạn 2015-2016. 

Trên thị trường chứng khoán, hàng trăm triệu cổ phiếu EIB của Eximbank được chuyển nhượng trong thời gian biến động nói trên, dẫn đến những thay đổi không nhỏ về sở hữu của các nhóm cổ đông tại ngân hàng này. Theo một nguồn tin, nhóm cổ đông mới Hàn Quốc đã gom lượng lớn cổ phiếu EIB và sở hữu khoảng 17-18% cổ phần ngân hàng.

Lượng giao dịch cổ phiếu EIB luôn ở mức thấp thông qua khớp lệnh, nhưng khối lượng giao dịch thỏa thuận trong 6 tháng đầu năm 2019 lên đến 47,7% cổ phiếu lưu hành. Điều này cho thấy những biến động trong cơ cấu cổ đông của Eximbank vẫn đang tiếp diễn. Chính vì mâu thuẫn giữa các cổ đông lớn nên đại hội cổ đông năm 2019 của nhà băng này đã không thể diễn ra suôn sẻ.

Eximbank luôn có tăng trưởng tín dụng thấp với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm giai đoạn 2015-2018 là 7,1%. NIM trong 2 năm 2017 và 2018 đều dưới 2,5%, thấp hơn ít nhất 1 điểm phần trăm so với các ngân hàng tư nhân thông thường do chi phí huy động tương đối cao.

Với việc tập trung vào mảng bán lẻ khi cho vay bán lẻ chiếm 54,1% dư nợ tính đến 6 tháng đầu năm, NIM của Eximbank là 2,40%, thấp hơn so với các ngân hàng khác.

Mặc dù nỗ lực chuyển mình, Eximbank ngoài đối diện với tình trạng biến động ở bộ máy quản trị cấp cao, còn liên tục vướng phải các lùm xùm lớn với khách hàng trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, ngân hàng đang chịu áp lực dự phòng cho trái phiếu VAMC (số dư ròng chiếm 3% tổng cho vay gộp 6 tháng đầu năm 2019), qua đó ảnh hưởng đến triển vọng lợi nhuận trong1-2 năm tới.

Theo công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), việc thực hiện chiến lược phát triển kinh doanh phản ánh cơ cấu HĐQT còn chưa được thống nhất. Trong 3 năm qua, mạng lưới chi nhánh của Eximbank không thay đổi, mở rộng còn chậm. Thành phần HĐQT phản ánh mâu thuẫn giữa các cổ đông và vị trí chủ tịch trong 9 tháng qua vẫn chưa được đồng thuận.

Vừa phát hành xong 4.000 tỷ, nợ trái phiếu của VietinBank tăng hơn 36.500 tỷ đồng

Hoàn tất phát hành 4.000 tỷ đồng trái phiếu, ngân hàng có nợ dài hạn 407.007 tỷ đồng, tăng 3% so với ngày 14/8. Trong đó, nợ trái phiếu 36.515 tỷ đồng, tăng 14%.

''Đại chiến" Eximbank vẫn chưa hồi kết, nợ trái phiếu của VietinBank tăng hơn 36.500 tỷ đồng,... - Ảnh 2
Ảnh minh họa

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HOSE: CTG) công bố đã phát hành xong 4.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm và 10 năm, với giá chào bán bằng mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu.

Thời gian phát hành và thanh toán tiền từ 15/8 đến 27/9. Đây là đợt chào bán đầu tiên trong số 5.000 tỷ đồng trái phiếu ngân hàng lên kế hoạch phát hành theo 2 giai đoạn.

Có 13.875 nhà đầu tư đã tham gia mua trái phiếu gồm 13.239 nhà đầu tư cá nhân và 636 nhà đầu tư tổ chức. Trong đó, có 11 nhà đầu tư nước ngoài tham gia với tổng số lượng mua là 3.130 trái phiếu. Tổng giá trị trái phiếu nước ngoài nắm giữ sau đượt chào bán là 3,13 tỷ đồng, chiếm 0,78% giá trị lưu hành.

Sau khi hoàn tất chào bán, tới cuối ngày 27/9, nợ dài hạn của VietinBank ở mức 407.007 tỷ đồng, tăng 3% so với ngày 14/8. Trong đó, nợ trái phiếu 36.515 tỷ đồng, tăng 14%.

''Đại chiến" Eximbank vẫn chưa hồi kết, nợ trái phiếu của VietinBank tăng hơn 36.500 tỷ đồng,... - Ảnh 3

Bên cạnh đó, VietinBank cũng đang có 713.495 tỷ đồng nợ ngắn hạn. Tổng nợ của ngân hàng 1,12 triệu tỷ đồng, tăng gần 2% so với trước phát hành.

Vào tháng 5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho phép VietinBank phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất do ngân hàng tự quyết. Phương án này được cho là tạm thời để giải quyết vấn đề vốn của nhà băng này khi hạn chót để áp dụng Basel II từ năm 2020 đã gần kề.

Từ đầu năm, VietinBank công bố phát hành 5.650 tỷ đồng trái phiếu. Trong quý cuối, ngân hàng còn có thể “kêu gọi” gần 4.000 tỷ đồng loại chứng khoán nợ này để bổ sung vốn cấp 2.

Nửa đầu 2019, lợi nhuận trước thuế của VietinBank đạt 5.335 tỷ đồng, chỉ cao hơn 1,3% so với cùng kỳ năm trước, xếp nhóm 3 vị trí cuối trong các ngân hàng (loại bỏ các đơn vị có tăng trưởng âm). Dư nợ 6 tháng chỉ tăng 2,38%, trong khi kế hoạch cả năm là 6-7%. Kết quả này một phần đến từ việc mở rộng vốn hạn chế của ngân hàng.

Bất chấp bị lỗ, TPBank sẽ mua 4 triệu cổ phiếu Chứng khoán Tiên Phong?

HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank, HOSE: TPB) vừa thông qua phương án mua cổ phiếu trong đợt chào bán riêng lẻ của CTCK Chứng khoán Tiên Phong (ORS).

''Đại chiến" Eximbank vẫn chưa hồi kết, nợ trái phiếu của VietinBank tăng hơn 36.500 tỷ đồng,... - Ảnh 4
Ảnh minh họa

TPBank dự kiến mua 4 triệu cp phát hành riêng lẻ của ORS với giá 10.000 đồng/cp, tương ứng giá trị 40 tỷ đồng. Trong khi giá thực trên sàn của ORS chỉ vỏn vẹn là 6.200 đồng/cp.

Sau giao dịch, ngân hàng này dự kiến sở hữu 9,09% vốn tại ORS và trở thành cổ đông lớn tại đây. Nguồn vốn thực hiện mua là vốn chủ sở hữu, thời gian trong quý 4/2019. Hiện, TPBank chưa nắm giữ cổ phiếu ORS nào.

Tiền thân của Chứng khoán Tiên Phong là Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông.

Tháng 4/2019, ông Đỗ Anh Tú - thành viên HĐQT, Phó Chủ tịch TPBank được bầu giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Tiên Phong nhiệm kì 2016-2021. Ông Tú là em trai ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch TPBank.

Được biết, do tác động tiêu cực từ vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, ORS đã lỗ 3 năm liên tiếp (2016, 2017, 2018) và bị hủy niêm yết 24 triệu cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội vào ngày 9/4/2019, sau đó được giao dịch trên UPCoM từ ngày 17/4. Sau khi đổi tên thành chứng khoán Tiên Phong, công ty đặt kế hoạch năm doanh thu 106 tỷ (giảm 73% năm trước), lợi nhuận trước thuế 50,8 tỷ (trong khi năm 2018 lỗ 10,66 tỷ) cho năm 2019.

Thực tế, thương hiệu và hoạt động của ORS đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. ORS đã phải trích lập dự phòng cho khoản phải thu 380 tỷ đồng từ vụ án Huyền Như.

Hiện tại, TPBank là đơn vị rất hiểu tình hình tài chính của ORS. Ngân hàng này đặt ra tham vọng phát triển hệ sinh thái tài chính bên cạnh hoạt động ngân hàng thương mại bằng việc đầu tư mua công ty tài chính, góp vốn cổ phần công ty chứng khoán, thành lập công ty mua bán nợ.

Hà Phương (t/h)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục