Dòng tiền đang nghiêng về trái phiếu, đầu tư cho kết cấu hạ tầng?

(Kinhdoanhnet) - Để dòng vốn chảy vào sản xuất mạnh hơn trong những tháng cuối năm, Ngân hàng nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính cần nghiên cứu hài hòa hoá chính sách tài khóa, tiền tệ, làm sao kích hoạt mạnh hơn hoạt động sản xuất tại khu vực tư nhân.

Theo con số thống kê, tại Hà Nội trong 8 tháng đầu năm tín dụng vẫn âm nhưng riêng tháng 9, tăng trưởng tín dụng ước tính đạt 4% nâng mức tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay lên 3,2%. Còn tại TP.HCM trong 8 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng của các NHTM trên địa bàn đạt 4,68% so với đầu năm và tăng hơn so với cuối tháng 7/2014 (là 4,25%).

Tính trên phạm vi cả nước tín dụng toàn hệ thống ngân hàng ước khoảng trên 7%. Trước đó, theo báo cáo của Thống đốc NHNN, tính đến ngày 29/8/2014, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 6,21% so với cuối năm 2013, nghĩa là mới đạt được nửa chỉ tiêu đề ra.

Nếu cứ giữ đà tăng như hiện nay thì rất có thể đến cuối năm tăng trưởng tín dụng sẽ đạt mức tăng trưởng ít nhất trên 10% theo như những gì mà NHNN mong đợi. Tuy nhiên một thực tế diễn ra hiện nay đó là trong cơ cấu tín dụng năm nay, tín dụng trung, dài hạn tăng mạnh, trong khi tín dụng ngắn hạn lại tăng rất chậm.

Dòng tiền đang nghiêng về trái phiếu, đầu tư cho kết cấu hạ tầng?
Dòng tiền đang nghiêng về trái phiếu, đầu tư cho kết cấu hạ tầng?

Có thể thấy hiện nay vốn chủ yếu được các ngân hàng ồ ạt đổ vào lĩnh vực giao thông. Theo các ông chủ nhà băng hiện thanh khoản trong lĩnh vực này khá tốt, thêm vào đó các dự án công trình giao thông đều là các dự án trọng điểm, được đầu tư đúng mục đích và trong các tính toán đều có hiệu quả cao.

Theo con số thống kê của Bộ GTVT, trong số 43 dự án đang triển khai, vốn đã huy động từ các ngân hàng đã lên đến 66.500 tỷ đồng, dự kiến đến hết 2014 có thêm khoảng 7.800 tỷ đồng. Ngoài lĩnh vực giao thông, hàng loạt ngân hàng khác cũng dồn dập ký hợp đồng rót vốn cho hàng không, dầu khí, xăng dầu, điện...

Dòng tiền hiện nay đang bắt đầu nghiêng về phía trái phiếu, đầu tư cho kết cấu hạ tầng, doanh nghiệp nhà nước còn đối với các khu vực kinh tế tư nhân các ngân hàng rất ngại góp vốn vào lĩnh vực này.

Theo như con số mà bà Nguyễn Thị Hồng - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 23/9, có tới 86% khối lượng TPCP phát hành đang do các ngân hàng nắm giữ. Đồng thời các dự án giao thông đang được các ngân hàng săn đón.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng đã lên tiếng xác nhận: “Chưa có năm nào ngành Ngân hàng dành nhiều vốn cho giao thông như năm nay”. Thống đốc cho biết, dự kiến đến hết  năm 2014, tổng số tiền hệ thống ngân hàng đầu tư cho ngành Giao thông sẽ lên tới 400 nghìn tỷ đồng.

Trong bối cảnh lãi suất giảm như hiện nay, thì việc doanh nghiệp vay vốn trung và dài hạn để đầu tư không phải là khó hiểu, tuy nhiên thực tế này cũng cho thấy, nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh (thường là vay ngắn hạn) của doanh nghiệp chưa cao, có nghĩa sản xuất chưa có tín hiệu khởi sắc.

Để có thể kích thích khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, kích cầu tín dụng những tháng cuối năm, NHNN cho biết sắp tới sẽ tiếp tục tung ra 3 giải pháp hỗ trợ gồm sửa đổi Thông tư 11/2013/TT-NHNN về cho vay hỗ trợ mua nhà ở (gói 30.000 tỷ đồng); xem xét đưa ra gói hỗ trợ khác về mua nhà ở cho cán bộ công chức viên chức và lực lượng vũ trang, đồng thời tham gia sửa đổi Nghị định 41/2010/NĐ -CP về tín dụng nông nghiệp.

Thêm vào đó để dòng vốn chảy vào sản xuất mạnh hơn trong những tháng cuối năm, NHNN và Bộ Tài chính cần nghiên cứu hài hòa hoá chính sách tài khóa, tiền tệ, làm sao kích hoạt mạnh hơn hoạt động sản xuất tại khu vực tư nhân.

Bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng cần phải tự nâng cao sức khỏe và tăng tính minh bạch thì mới có thể dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng.

T.T (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục