Dự án BOT, BT là "nguồn cơn" nợ xấu ngân hàng?

Trong báo cáo gửi Quốc hội về thực hiện các nghị quyết sau chất vấn, Ngân hàng Nhà nước cho biết, các khoản cho vay với dự án BOT, BT giao thông có nguy cơ rủi ro cho nhà băng. Bởi đa phần các dự án BOT, BT giao thông có tổng mức đầu tư lớn, thời gian vay dài trong khi năng lực tài chính chủ đầu tư hạn chế và tài sản đảm bảo chủ yếu là quyền thu phí... Những điểm yếu này khiến nguy cơ các khoản vay của các nhà đầu tư BOT, BT giao thông "chuyển sang nhóm nợ xấu rất lớn".

“Đại gia” ngân hàng cho vay BOT?

Thời gian gần đây, Bộ Giao thông vận tải dường như đang "bối rối" với chuyện đổi tên trạm thu phí các dự án BOT, BT giao thông thành trạm thu giá, rồi trạm thu tiền, thì ngành ngân hàng lại thầm lặng giảm bớt tín dụng tài trợ cho các dự án BOT, BT. Điều này trái ngược so với 7,8 năm về trước.

Từ năm 2010 các dự án BOT, BT rầm rộ triển khai. Tuy nhiên, thời điểm đó không phải ngân hàng nào cũng có đủ điều kiện để cho các dự án vay vốn. Có 4 ngân hàng cho vay BOT, BT lớn nhất là BIDV, Vietcombank, VietinBank và SHB, chiếm 91% dư nợ, trong đó VietinBank và Vietcombank đang có tốc độ tăng trưởng tín dụng vào các dự án BOT, BT giao thông ở mức rất cao.

Qua các hợp đồng cho vay đối với các dự án BOT, BT cho thấy, thời gian vay ngắn nhất là khoảng 10-15 năm và dài nhất lên đến 25-30 năm. Không những vậy, dòng tiền thu được từ khoản đầu tư này qua phí, lệ phí phải mất một thời gian, có thể lên tới 6-7 năm chủ đầu tư mới có dòng tiền trả nợ. Nếu không đánh giá, nghiên cứu, giám sát tốt dự án thì phía ngân hàng có thể gặp rủi ro về thanh khoản.

Ngoài ra, nếu dự án triển khai không hiệu quả do năng lực nhà thầu yếu, quản lý vận hành không tốt… ngân hàng sẽ có nguy cơ đối mặt với việc nợ xấu gia tăng.

Dự án BOT, BT là "nguồn cơn" nợ xấu ngân hàng? - Ảnh 1
Vietinbank là một trong những ngân hàng đổ nhiều vốn nhất vào các dự án BOT giao thông.

Tại Việt Nam, Vietinbank là một trong những ngân hàng đổ nhiều vốn vào các dự án BOT, BT giao thông nhất.

Cụ thể ngân hàng này từng rót trên 5.900 tỷ đồng vào Dự án BOT Đầu tư, nâng cấp đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ (tương đương 84% tổng mức đầu tư dự án); 6.397 tỷ đồng cho Dự án Đầu tư xây dựng cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến nối Hải Phòng - Quảng Ninh (hơn 84% tổng mức đầu tư); 5.372 tỷ đồng cho 2 giai đoạn của Dự án Đầu tư xây dựng Hạng mục mở rộng hầm đường bộ qua Đèo Hải Vân; dự kiến khoảng 4.000 tỷ đồng cho Dự án BOT Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn;…

Chỉ điểm qua đã thấy số vốn của Vietinbank rót vào các dự án BOT, BT giao thông đã lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, trong đó ở mỗi dự án, vốn của ngân hàng này thường chiếm trên dưới 80% tổng mức đầu tư.

Khoảng 3-4 năm trở lại, nợ xấu của nhà băng này liên tục tăng. Vào năm 2016, nợ xấu của VietinBank mức 83,4 tỷ đồng thuộc nợ nhóm 5 tại Dự án nâng cấp mở rộng đầu tư Quốc lộ 14 đoạn Cây Chanh - Cầu 38 theo hình thức BOT).

Theo Bizlive, đến ngày 31/12/2017, nợ xấu của Vietinbank mức 9.011 tỷ đồng nợ xấu, tăng 52 tỷ đồng so với con số trên BCTC tự lập của ngân hàng và tăng 29% so với thời điểm đầu năm.

Tờ Kinh tế môi trường cho biết, vào cuối năm 2018 khối nợ xấu của Vietinbank đã tăng vọt lên tới 13.518 tỷ đồng. Đáng ngại nhất là nợ xấu nhóm 5 (có nguy cơ mất vốn) chiếm tới hơn 70%, tương đương gần 9.470 tỷ đồng và đã tăng thêm hơn 4.253 tỷ đồng nợ mất vốn trong năm vừa qua. Nợ xấu còn lớn hơn cả lợi nhuận làm ra trong năm của nhà băng này.

Với BIDV, nhà băng này đang cấp tín dụng cho Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Phương Anh (3.323 tỷ đồng); Công ty TNHH BOT và BT Quốc Lộ 20 (2.631 tỷ đồng)...

Thông tin trên Báo Lao động cho biết, theo báo cáo tài chính kiểm toán, nợ xấu của BIDV tăng từ 16.697 tỷ lên 18.802 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 4 nâng từ 4.680 tỷ lên 6.182 tỷ đồng và nợ nhóm 3 từ 4.847 tỷ đồng lên 5.450 tỷ đồng. Nợ nhóm 5 không đổi sau kiểm toán, chiếm 38% tổng nợ xấu ngân hàng.

Những dự án BOT, BT thua lỗ, ngân hàng vạ lây


Dự án BOT, BT là "nguồn cơn" nợ xấu ngân hàng? - Ảnh 2
Vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư BOT giao thông chỉ chiếm khoảng 10–15%, phần còn lại là vay ngân hàng.

 

Tính đến cuối tháng 9/2017, dư nợ cho vay đối với các dự án BOT, BT giao thông đã đạt 90.311 tỷ đồng, tăng 3,53% và chiếm tỷ trọng 1,46% tổng dư nợ so với 9 tháng đầu năm 2016…Phần lớn các dự án BOT đều phải dựa vào vay vốn từ các tổ chức tín dụng do chủ đầu tư chỉ góp vốn từ 10-15%... Đây là nguyên nhân khiến cho vay BOT gặp nhiều rủi ro.

Hiện nay, không ít dự án BOT, BT từ khi đưa vào khai thác đã đối mặt với nhiều khó khăn, thua lỗ nặng do thu phí không đủ trả lãi ngân hàng. Thậm chí, một số nhà đầu tư còn nhiều lần đề nghị trả lại dự án như cầu Hạc Trì, QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình...

Điển hình là dự án Hà Nội - Hải Phòng (một trong những tuyến cao tốc hiện đại nhất Việt Nam). Tuy nhiên, nhà đầu tư lại đang ngập trong khó khăn và loay hoay bài toán tài chính, bởi tiền lãi bình quân mỗi ngày phải trả lên tới 8 tỷ đồng, trong khi doanh thu từ thu phí chỉ 5,5 tỷ đồng. Tại dự án BOT này, ngân hàng Vietcombank cũng góp vốn 5%, ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) góp 51% vốn.

Năm 2016, Vietinbank là đối tác tài trợ chính của Dự án BOT Phan Thiết - Đồng Nai. Dự án này đi vào hoạt động một thời gian thì dự án này bị Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu dừng thu phí do hư hỏng nặng.

Được biết, Vietinbank cho vay 1.450 tỷ đồng, tương đương 80% tổng mức đầu tư của dự án. Khoản vay này có thời hạn 14 năm, trung bình mỗi năm chỉ tính trả gốc, nhà đầu tư phải hoàn trả ngân hàng hơn 103,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản vay của Vietinbank có lẽ đứng trước rủi ro cao.

Những “lùm xùm” ở trạm BOT, BT Bến Thủy, Cai Lậy, Hạc Trì… chắc chắn đã khiến không ít ngân hàng nhấp nhổm không yên. Nếu không “hãm phanh” tín dụng cho các dự án BT, BOT, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với những khó khăn không dễ vượt qua, khi nợ xấu cũ chưa giải quyết xong, nợ xấu mới lại được cộng thêm vào.

Hà Phương (t/h)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục