Giải quyết nợ xấu để tăng trưởng kinh tế

(Kinhdoanhnet) - Do lo ngại về vấn đề nợ xấu, các ngân hàng vẫn dè dặt trong việc mở rộng tín dụng, mặc dù có lượng tiền gửi lớn.

Theo bà Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, trong 6 tháng đầu năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã cố gắng kích cầu thông qua một số biện pháp, như: nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm hạn mức lãi suất cho vay một số ngành ưu tiên, hạn mức lãi suất tiền gửi cũng giảm đi… nhằm tăng trưởng trong ngắn hạn. Thanh khoản hiện này cũng không quá căng thẳng như 2 năm trước, rõ ràng chính sách tiền tệ đã có hiệu quả trong xử lý các điểm nghẽn tồn tại trong hệ thống.

Tuy nhiên, do quá tập trung vào việc giải quyết nợ xấu, các ngân hàng Việt Nam vẫn thận trọng trong việc mở rộng tín dụng, cho dù có sự tăng trưởng mạnh về tiền gửi.

 ”Việt Nam chưa nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng và hiện tại, ngân hàng cũng dè dặt hơn trong việc cho vay và đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực ít rủi ro”- bà Kwakwa đưa ra nhận xét.

Trong những tháng đầu năm tín dụng của nền kinh tế tăng trưởng rất thấp. Đến cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống NH mới đạt 3,52% so với cuối năm 2013. Trong đó tín dụng ngoại tệ tăng trưởng cao 12,03%, tín dụng bằng VNĐ chỉ tăng 2,17%.

Các ngân hàng hiện nay đầu tư trái phiếu, tín phiếu nhiều hơn cho vay do tâm lý ngại rủi ro, ngại cho tư nhân vay bởi cảm thấy sự rủi ro đối với hệ thống ngân hàng. WB cho rằng đây là vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới để thúc đẩy tín dụng cho khu vực tư nhân để Việt Nam đạt được tầm phát triển tiếp theo.

Giải quyết nợ xấu để tăng trưởng kinh tế - Ảnh 1
Các ngân hàng dè dặt việc mở rộng tín dụng.

Xử lý nợ xấu

Để xử lý các khoản nợ xấu, VAMC dự tính bắt đầu bán nợ xấu cho nước ngoài kể từ quý III năm nay.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VAMC cho biết, Công ty đã làm việc với các đơn vị nước ngoài có mong muốn mua nợ. Nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, Công ty đã lên danh mục 10 tài sản bảo đảm, với tổng giá trị 7.800 tỷ đồng, gồm: các dự án chung cư, cao ốc văn phòng, bệnh viện, nhà xưởng, khu công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và Hải Dương.

Hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế, VAMC nỗ lực bảo lãnh cho các doanh nghiệp có thể trả nợ trước đó, tiếp tục hoạt động và có thể được vay mượn tiếp để kinh doanh.

Tuy nhiên, đến thời điểm này VAMC đã mua vào 51.842 tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Trong khi đó, tỷ lệ bán và thu hồi nợ đến cuối tuần qua của VAMC mới chỉ đạt con số 990 tỷ đồng bằng 1/5 số nợ đã mua vào.

Dù VAMC muốn đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu nhưng trong điều kiện thị trường đang hồi phục, việc bán các tài sản đảm bảo không hề dễ dàng, nhất là khi giá trị các tài sản đảm bảo là bất động sản đang xuống thấp thực sự là trở ngại đối với hoạt động mua bán nợ.

Ngoài nỗ lực cải thiện tình trạng nợ xấu của VAMC thì Chính phủ cũng đang có ý định thay đổi tỷ lệ sở hữu vốn của nước ngoài vào ngân hàng trong nước từ 15% lên 20%, tuy nhiên cũng theo từng trường hợp cụ thể và do thủ tướng quyết định. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đánh giá, thị trường tài chính-Ngân hàng  của Việt Nam là thị trường tiềm năng.

Quốc Hưng (tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục