Không chỉ doanh nghiệp địa ốc, Ngân hàng cũng 'đua' phát hành trái phiếu

Không chỉ riêng doanh nghiệp địa ốc đang phải xoay sở phát hành trái phiếu để huy động vốn khi cánh cửa tín dụng dần khép lại. Các ngân hàng hiện nay cũng đang ồ ạt phát hành trái phiếu để huy động vốn trung dài hạn.

Doanh nghiệp địa ốc phát hành trái phiếu lãi cao

Trong 2 năm qua, nguồn tín dụng bơm vào lĩnh vực bất động sản (BĐS) dần được siết lại thông qua loạt quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đặc biệt, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thắt chặt dòng tín dụng ngân hàng cho vay bất động sản thông qua quy định giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của tổ chức tín dụng từ 45% dần về mức 30% trong năm 2021-2022.

Những động thái này đã buộc các doanh nghiệp địa ốc phải xoay sở thêm nhiều cách huy động vốn khác để bớt dần sự lệ thuộc vào nguồn tín dụng từ ngân hàng. Trong đó, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang được các doanh nghiệp địa ốc áp dụng phổ biến, đặc biệt từ 2 năm trở lại đây.

Không chỉ doanh nghiệp địa ốc, Ngân hàng cũng 'đua' phát hành trái phiếu - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Theo số liệu từ Ủy ban chứng khoán, có khoảng 60.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được phát hành trong nửa đầu năm 2019. Báo cáo của Công ty chứng khoán MB (MBS) cho biết, con số này khoảng 70.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, hơn một phần ba lượng phát hành thuộc về nhóm doanh nghiệp địa ốc.

Ngoài ra, quy định phát hành trái phiếu cũng được nới lỏng hơn. Cụ thể, nghị định 163/2018/NĐ-CP, quy định yêu cầu doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu phải có lãi năm liền kề trước đó đã được nới lỏng.

Nếu so với mặt bằng tiền gửi ngân hàng, kênh đầu tư trái phiếu mang lại lợi tức nhiều hơn và có vẻ trấn an nhà đầu tư khá tốt khi số tiền đầu tư được bảo đảm bằng TSBĐ.

Mặt bằng lãi suất gửi tiết kiệm chỉ dao động từ 6,7 - 7%/năm. Trong khi trái phiếu doanh nghiệp địa ốc lại có mức lãi suất cao hơn nhiều, từ 8 - 9%/năm và có thể lên tới 10 - 11%/năm với trái phiếu thời hạn từ 24 tháng. Ngoài ra, nhà đầu tư có quyền bán trước thời hạn yêu cầu, dựa trên quy định của bên phát hành trái phiếu, và vẫn thu lợi tức tương ứng.

Hiện lãi suất cao nhất là trái phiếu do CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) phát hành. Trong 6 tháng đầu năm, PDR phát hành 3 đợt trái phiếu, trong đó đợt phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 1 năm vào tháng 3 có lãi suất lên tới 14,5%, 2 đợt phát hành trong tháng 5 với lần lượt 100 tỷ trái phiếu kỳ hạn 1 năm lãi suất 12% và 550 tỷ trái phiếu kỳ hạn 5 năm lãi suất 10,5%.

Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (VPI) và Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH) cũng chấp nhận trả lãi suất 12%/năm để huy động vốn qua trái phiếu.

Cụ thể, tháng 5/2019 VPI có 1 đợt phát hành trái phiếu với lãi suất 12% còn KDH trong tháng 5 đã huy động vốn qua 2 đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn 2 năm với tổng giá trị 900 tỷ đồng, lãi suất đều ở mức 12%/năm. Gần đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (mã DXG) thông qua việc phát hành tối đa 400 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất dự kiến không quá 12%/năm.

Hưng Thịnh Land trong tháng 6/2019 phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm với lãi suất 11%/năm; Hồi tháng 4, BĐS Vạn Phát phát hành 380 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 4 năm lãi suất 10%.

Cũng trong tháng 4, Công ty TNHH Một thành viên Vinpearl (VPL)đã huy động vốn qua 2 đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn 5 năm với tổng giá trị 2.000 tỷ đồng, lãi suất đều ở mức 10,5%/năm...

Tháng 3/2019, CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (TCH) có 1 đợt phát hành 599 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lãi suất chỉ 5%/năm. Ngoài ra, hồi tháng 1/2019 CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật T.P Hồ Chí Minh (CII), tháng 4/2019 CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa Ốc Hoàng Quân (HQC) và BOT đều phát hành trái phiếu với lãi suất 0%/năm.

Không chỉ doanh nghiệp địa ốc, Ngân hàng cũng 'đua' phát hành trái phiếu - Ảnh 2

Các doanh nghiệp nhóm ngành bất động sản, xây dựng đã phát hành trái phiếu trong 6 tháng đầu năm. Nguồn: MBS.

Ngân hàng cũng ồ ạt phát hành trái phiếu

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán MB (MBS), 6 tháng đầu năm 2019, đã có 68.747 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành, trong đó nhóm ngành ngân hàng, bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất, lần lượt 36,8% và 28,3% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành.

Đặc biệt về thị trường trái phiếu doanh nghiệp 7 tháng đầu năm, ngành ngân hàng dẫn đầu về lượng trái phiếu phát hành với 8 đơn vị thuộc danh sách 10 cái tên dẫn đầu.

VPBank đứng đầu thị trường với giá trị phát hành trái phiếu 12.860 tỷ đồng. Trong tháng 7, ngân hàng này phát hành thành công 300 triệu USD, tương đương với 7.000 tỷ đồng trái phiếu quốc tế tại Singapore, với kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 6,25%/năm, trả lãi 6 tháng/lần, dùng USD là loại tiền tệ phát hành và thanh toán.

Từ đầu năm đến nay, VPBank đã có hơn 15 đợt phát hành trái phiếu, khối lượng mỗi đợt phát hành từ 200 - 500 tỷ đồng, lãi suất 6,4 - 6,9%/năm. Chứng khoán VPS đã mua toàn bộ số VPBank phát hành kể từ đầu năm đến nay. Trong khi VietinBank cũng phát hành 50 tỷ đồng trái phiếu đợt 1 năm 2019, kỳ hạn 15 năm, lãi suất 8,2%/năm.

Theo thống kê ghi nhận được, 6 tháng đầu năm 2019, lượng trái phiếu do các ngân hàng phát hành đã đạt khoảng 32.000 tỷ đồng. Trong đó, kỳ hạn chủ yếu là 2 - 3 năm với lãi suất phổ biến từ 6,5% - 7%/năm.

Ngân hàng ACB phát hành với 7.850 tỷ đồng, lãi suất cố định từ 6,7 - 6,8%/năm, kỳ hạn 3 năm. Số trái phiếu này được phát hành theo 6 đợt. Trong đó, đợt phát hành đầu tiên hồi tháng 4 có khối lượng 2.350 tỷ đồng đều do 2 nhà đầu tư duy nhất là VNDirect và SHS mua trọn.

Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm nhiều ngân hàng khác cũng phát hành trái phiếu. Chẳng hạn như VIB với tổng phát hành 5.100 tỷ, LienVietPostBank 2.00 tỷ, SeABank hơn 3.000 tỷ, BacABank hơn 2.000 tỷ, OCB 800 tỷ, HDBank 2.500 tỷ, ABBank 2.500 tỷ.

Không chỉ doanh nghiệp địa ốc, Ngân hàng cũng 'đua' phát hành trái phiếu - Ảnh 3
Ảnh minh họa.

Nếu so với lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn 2 - 3 năm ở các ngân hàng, thì lãi suất trái phiếu do các nhà băng phát hành hiện nay cũng chỉ ở mức tương đương, thậm chí có thể thấp hơn.

Đặc biệt, ngoài phát hành trái phiếu để huy động vốn trung và dài hạn, nhiều ngân hàng cũng mua lại trước hạn hàng trăm hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu kể từ đầu năm. Trái chủ của loạt trái phiếu này không ai khác là một ngân hàng. Chẳng hạn, OCB mua lại 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm từ MBBank với giá mua lại là 534 tỷ đồng, LienVietPostBank đã mua lại 1.000 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 2 năm do nhà băng này phát hành ngày 29/5/2018,...

Trước đó, vào năm 2018 nhiều ngân hàng cũng dồn dập phát hành trái phiếu.

Cụ thể, BIDV mở bán tổng cộng 400.000 trái phiếu kỳ hạn 7 năm và 10 năm, nhằm thu về 4.000 tỷ đồng. Mệnh giá trái phiếu là 10 triệu đồng/trái phiếu. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 7 và 10 năm cao hơn lần lượt 0,8 -1,0% năm so với trung bình lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân kỳ hạn 12 tháng của Ngân hàng và kỳ hạn thực tế của trái phiếu sẽ rút ngắn tương ứng còn 2 năm, 5 năm khi BIDV mua lại trái phiếu trước hạn.

Vietcombank đã có 7 lần phát hành trái phiếu với mệnh 100.000 đồng/trái phiếu, có kỳ hạn 6 năm với lãi suất 7,475%/năm với tổng cộng khối lượng trái phiếu phát hành thành công 288,3 tỷ đồng.

Việc các ngân hàng ồ ạt phát hành trái phiếu thời gian gần đây có 2 lý do chính. Trước tiên, những trái phiếu kỳ hạn dài thì có thể tính vào vốn cấp 2 của ngân hàng, từ đó làm tăng vốn tự có, giúp cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR) đang khá là thấp, đặc biệt ở nhóm ngân hàng lớn. Đáng chú ý, năm 2019 thông tư 41/2016/TT-NHNN có hiệu lực quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ giảm từ 9% xuống 8%.
Thứ hai, các ngân hàng phải huy động vốn trung và dài hạn nhiều hơn nữa vì tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm từ 45% xuống còn 40%. Chính vì vậy, phát hành trái phiếu là một giải pháp để gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn nhanh chóng.

Việc phát hành trái phiếu sẽ giúp các nhà băng giải quyết được một số vấn đề cấp bách hiện tại. Tuy nhiên, trong tương lai các nhà băng sẽ phải đối mặt với không ít áp lực gây ảnh hưởng tới lợi nhuận. Trong đó có rủi ro về lãi suất, vì huy động vốn trung và dài hạn thì thường có lãi suất cao.

Ngoài ra, tới thời điểm trái phiếu đáo hạn, ngân hàng sẽ phải trả lại một lượng tiền lớn cho khách hàng, gây áp lực cho nhà băng trong huy động để tiếp tục duy trì vốn cấp 2.

Hà Phương (t/h)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục