Liên tiếp rao bán khối nợ xấu 'khủng', BIDV đánh mất gần 21.000 tỷ đồng vốn hóa

Cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID) hiện đã đánh mất 5,200 đồng/cp, tương đương giảm 10.1% so với cuối phiên 18/02. Điều này đã khiến vốn hóa vốn thị trường của BID cũng 'bay' hơn gần 21.000 tỷ đồng.

BIDV 'bay hơi' gần 21.000 tỷ đồng vốn hóa

Đóng cửa phiên giao dịch 24/2, giá cổ phiếu BID hiện còn 46,300 đồng/cp. Như vậy, trong khoảng 5 ngày cổ phiếu BID đã mất đi hơn 10% khiến vốn hóa thị trường của ngân hàng này 'bay' gần 21.000 tỷ đồng, hiện còn 186.220 tỷ đồng.

Liên tiếp rao bán khối nợ xấu 'khủng', BIDV đánh mất gần 21.000 tỷ đồng vốn hóa - Ảnh 1
Diễn biến giá cổ phiếu BID từ đầu năm 2020 đến phiên 24/02/2020.

Cổ phiếu BID bị ảnh hưởng phần nào bởi thông tin hôm 18/2, ngân hàng thông báo rao bán tiếp 65 căn hộ tại chung cư Kỷ Nguyên (The Era Town) tại 15B đường Nguyễn Lương Bằng, phường Phú Mỹ, quận 7, TP.Hồ Chí Minh của CTCP Đức Khải

Cũng trong ngày 18/2, BIDV còn thông báo bán đấu giá khoản nợ gần 56 tỷ đồng của CTCP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An (PVIT) với giá khởi điểm bằng với giá trị khoản nợ.

Đến ngày 20/2, BIDV lại tiếp tục thông báo đấu giá khoản nợ của CTCP Ôtô Xuân Kiên Vinaxuki (Công ty Vinaxuki) và Công ty TNHH MTV Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên (Công ty Vinaxuki Thái Nguyên).

Cùng ngày, BIDV thông báo đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Việt Can và DNTN Như Ý với giá khởi điểm hơn 934 tỷ đồng. Trong đó, giá trị khoản nợ của DNTN Như Ý gần 652 tỷ đồng và Công ty TNHH Việt Can gần 283 tỷ đồng.

Trước đó, kết thúc phiên giao dịch 21/2, cổ phiếu BID đã đánh mất 1.800 đồng (-3,51%) xuống giá 49.500 đồng. Điều này đã khiến vốn hóa vốn thị trường của BID cũng 'bay hơi' hơn 7.239 tỷ đồng, tức trên 314,7 triệu USD.

Trong khi mới tuần trước đó, BID nằm trong nhóm cổ phiếu ngân hàng có một tuần giao dịch sôi động và đồng loạt tăng tốt hỗ trợ thị trường.

Năm 2019, BIDV 'sở hữu' hơn 11.209 tỷ đồng nợ nhóm 5

Sau khi Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu chính thức được Quốc hội thông qua vào tháng 8/2017, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh việc thu hồi và thanh lý tài sản đảm bảo. Trong đó, BIDV, Sacombank,... rất tích cực công bố thu hồi và thanh lý tài sản đảm bảo và các khoản nợ.

Đặc biệt, trong năm 2019, 'ông lớn' BIDV sở hữu khối nợ xấu (nợ nhóm 5) lớn nhất hệ thống.

Liên tiếp rao bán khối nợ xấu 'khủng', BIDV đánh mất gần 21.000 tỷ đồng vốn hóa - Ảnh 2
Danh mục cho vay của BIDV. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2019).

Cụ thể, cuối năm 2019, tổng nợ xấu của BIDV ở mức 19.452 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm chủ yếu là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) chiếm hơn 11.209 tỷ đồng, tăng 56% so với đầu năm trong khi nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) cùng giảm 29%.

Mặc dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 9,4% lên mức kỉ lục 30.885 tỷ đồng, nhưng ngân hàng đã phải trích tới hơn 20.000 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro, tăng 6,2% so với năm 2018.

Như vậy, chi phí dự phòng rủi ro đã ăn mòn mất gần 65% lợi nhuận thuần của BIDV và là nguyên nhân chính kéo giảm tốc độ tăng của lợi nhuận trước thuế của nhà băng này.

Hà Phương (t/h)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục