MBBank bị phạt hơn 9 tỷ đồng, nhiều nhà băng tiếp tục lỡ hẹn với Basel 2

Tổng cục Thuế đã ra Quyết định số 1202/QĐ-TCT vào ngày 18/9 xử lý vi phạm thuế qua thanh tra việc chấp hành pháp luật thuế của ngân hàng Quân đội - MBBank.

Vi phạm về thuế, Ngân hàng Quân đội bị phạt hơn 9 tỷ

MBBank vừa phải nộp bổ sung tiền thuế cho 2 kì quyết toán 2017-2018, do có những vi phạm trong việc chấp hành chính sách pháp luật thuế.

MBBank bị phạt hơn 9 tỷ đồng, nhiều nhà băng tiếp tục lỡ hẹn với Basel 2 - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Thông báo với Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM, Ngân hàng TMCP Quân đội MBBank cho biết Tổng cục Thuế ra Quyết định số 1202/QĐ-TCT vào ngày 18/9, xử lí vi phạm thuế qua thanh tra việc chấp hành pháp luật thuế của MBBank. Theo đó, Ngân hàng Quân đội phải nộp bổ sung cho kì quyết toán thuế năm 2017 và năm 2018 lần lượt là 3,5 tỉ đồng và 5,8 tỉ đồng. Tổng cộng, MBBank phải nộp thêm 9,3 tỉ đồng tiền thuế vi phạm.

MBBank cũng cho biết sau khi nhận quyết định này đã hoàn thành việc nộp bổ sung đã hoàn thành việc nộp bổ sung số tiền trên.

Ngân hàng TMCP Quân đội được thành lập từ năm 1994, hoạt động theo mô hình cổ phần. MBBank là một trong những ngân hàng niêm yết lớn nhất trên hệ thống hiện nay, với vốn hóa thị trường gần 2 tỷ USD.

Vào tháng 7 vừa qua, Reuters đưa tin ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MBBank xác nhận rằng nhà băng sẽ phát hành khoảng 123 triệu cổ phiếu mới, và sử dụng 38,9 triệu cổ phiếu quỹ để bán cổ phần.

Cũng theo ông Thái, MBBank dự kiến bán vốn cho một hoặc nhiều nhà đầu tư nước ngoài, không nhất thiết các đơn vị này phải là cổ đông chiến lược của ngân hàng. Giá trị của thương vụ này sẽ vào khoảng 3.480 tỉ đồng (khoảng 150,13 triệu USD).

Việc bán này là một phần trong động thái của ngân hàng nhằm tăng vốn hoạt động và mở rộng hoạt động trong ba năm tới, bao gồm đầu tư vào các dịch vụ ngân hàng số.

Về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019, MBBank lãi trước thuế 4.306 tỷ đồng, hoàn thành 50,5% kế hoạch năm, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2018. Kết thúc nửa đầu năm 2019, tiền gửi khách hàng của nhà băng này đạt 260.089 tỷ đồng trong khi cho vay khách hàng đạt 229.125 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,1%, thấp hơn so với kế hoạch đặt ra hồi đầu năm là 1,5%.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 diễn ra hồi cuối tháng 4/2019, MBbank kì vọng giá bán sẽ từ 30.000 đồng/cổ phiếu trở lên, thậm chí có thể lên đến trên 40.000 đồng/cổ phiếu.

Ngân hàng cũng vừa chốt danh sách cổ đông và thực hiện phát hành 169 triệu cổ phiếu để trả cổ tức đợt 2 năm 2018, với tỉ lệ 8%. Theo kế hoạch, MBBank dự kiến phát hành 43,2 triệu cổ phiếu cho người lao động (ESOP) tỉ lệ 2%, giá phát hành bằng mệnh giá.

Basel 2 đến bao giờ mới "phủ sóng" khắp ngân hàng?

Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ chính thức có hiệu lực thi hành, và các nhà băng sẽ phải tính toán hệ số CAR theo chuẩn Basel 2 với những quy định khắt khe hơn trước rất nhiều.

MBBank bị phạt hơn 9 tỷ đồng, nhiều nhà băng tiếp tục lỡ hẹn với Basel 2 - Ảnh 2
Ảnh minh họa.

Đến nay, đã có 17 NHTM đăng ký áp dụng Thông tư 41 trước thời hạn, bao gồm 15 NHTM trong nước và 2 ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Mười NHTM, bao gồm: Vietcombank, VIB, OCB, VPBank, MBBank, ACB, TPBank, Techcombank, MSB, HDBank đã được Thống đốc có quyết định áp dụng Thông tư 41 trước thời hạn.

Mới đây nhất, ngân hàng Shinhan Việt Nam là ngân hàng nước ngoài đầu tiên được phê chuẩn áp dụng Basel 2 và là ngân hàng thứ 11 trong nước được NHNN phê duyệt áp dụng chuẩn Basel II.

Tuy nhiên, việc áp dụng Basel 2 tại Việt Nam còn rất nhiều thách thức như: Chuẩn mực Basel rất phức tạp, được thiết kế và xây dựng dựa trên kinh nghiệp và phù hợp với thị trường phát triển. Trong khi đó, nguồn nhân lực, nhận thức của người điều hành cấp cao về quản lý rủi ro còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu theo thông lệ quốc tế.

Để chạy đua đạt chuẩn Basel 2, các ngân hàng đã nỗ lực để tăng vốn cấp 1 và cấp 2 bằng cách như: không chia cổ tức để tăng vốn tự có, phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài, phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế để tăng vốn cấp 2…

Hầu hết các ngân hàng đều đặt ra mục tiêu tăng vốn, nhưng đến nay số nhà băng hiện thực hóa được mục tiêu của mình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thực tế, vẫn còn khá nhiều ngân hàng có vốn điều lệ không nhiều hơn mức vốn pháp định 3.000 tỷ đồng là bao, như Saigonbank (3.080 tỷ đồng); VietCapital Bank (3.171 tỷ đồng); KienlongBank (3.237 tỷ đồng);...

Ngay cả hai "ông lớn" Vietinbank và BIDV cũng cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong tăng vốn.

Phía BIDV dù cơ bản đã đáp ứng các tiêu chí nhưng còn vướng mắc ở việc tăng vốn. Mới đây, ngân hàng này đã hoàn tất việc bán 15% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài là KEB Hana Bank với giá 882 triệu USD và dự kiến trong quý III sẽ hoàn tất quá trình tăng vốn để áp dụng Basel II ngay trong năm nay.

Trong khi đó, Vietinbank do đã cạn room cho nhà đầu tư nước ngoài nên việc tăng vốn của nhà băng này hoàn toàn phụ thuộc vào cổ đông Nhà nước. Đã nhiều năm nay, năm nào VietinBank cũng khẩn thiết đề nghị được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn, song không được cổ đông Nhà nước chấp thuận và đến thời điểm này chưa có thông tin chính xác về phương án tăng vốn.

Vì khó tăng vốn nên chắc chắn thời gian tới có nhiều ngân hàng không thể tuân thủ chuẩn Basel 2 đúng thời hạn 1/1/2020, ngay cả những cái tên nằm trong nhóm 10 ngân hàng thí điểm đáng lẽ đã phải tuân thủ Basel 2 từ cuối năm 2018 rồi.

Để xử lý vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành sửa đổi Thông tư 36, dự kiến sẽ được ban hành trong những tháng cuối năm này. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước dự kiến đưa vào một điều khoản cho phép các ngân hàng yếu kém, các ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt có thêm một thời gian nữa để thực hiện Thông tư 41.

Thương vụ 400 triệu USD của Vietcombank chỉ là “vé vào cửa”

FWD Group, tập đoàn của tỷ phú Richard Li (Hong Kong) sắp ký thỏa thuận phân phối bảo hiểm với khoảng 400 triệu USD với Vietcombank (HoSE: VCB), Bloomberg dẫn nguồn tin hiểu biết về thương vụ trên cho biết.

MBBank bị phạt hơn 9 tỷ đồng, nhiều nhà băng tiếp tục lỡ hẹn với Basel 2 - Ảnh 3
Ảnh minh họa.

Theo nguồn tin này, FWD đã trả giá cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh, bao gồm Prudential và một số đơn vị không được tiết lộ do vấn đề bảo mật. Trong một phần của thỏa thuận, FWD sẽ mua công ty bảo hiểm Vietcombank Cardif, thuộc sở hữu của Vietcombank và BNP Paribas SA, nguồn tin cho biết.

Theo tìm hiểu của BizLIVE, giá trị 400 triệu USD nói trên mới chỉ là khoản ký kết ban đầu như “vé vào cửa”; giá trị thực của thương vụ này lớn hơn nhiều lần, với đơn vị tỷ USD.

Hiện nội dung hợp tác chưa được công bố chi tiết, nhưng “vé vào cửa” đó đi cùng với việc tiếp cận và độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm qua hệ thống Vietcombank. Giá trị thực, lớn hơn là doanh số thực hiện hàng năm. Hợp đồng có thời hạn 15 năm.

“Điều đáng quan tâm hơn là Vietcombank sẽ hạch toán khoản thu đó như thế nào. Vì nó thuần dịch vụ và thu ròng, gần như không có rủi ro. Nếu hạch toán ngay, lợi nhuận sẽ đột biến, nhưng cũng có thể hạch toán từng phần qua các năm”, nguồn tin của BizLIVE nói.

Trước đó, từ tháng 7, Bloomberg cũng trích một số nguồn thạo tin cho biết Prudential và FWD là 2 trong số các doanh nghiệp đang tìm cách giành quyền độc quyền phân phối các sản phẩm bảo hiểm thông qua mạng lưới của Vietcombank. Cũng theo thông tin trên Bloomberg từ tháng 6/2018, Credit Suisse Group tư vấn cho Vietcombank trong việc tìm đối tác phân phối bảo hiểm mới với tổng giá trị thoả thuận có thể đạt 1 tỷ USD.

Hiện Vietcombank đã có trên 10 triệu khách hàng cá nhân, có gắn kết lâu dài cùng triển vọng tiếp tục gia tăng. Và hệ thống của ngân hàng này hiện chưa thực sự vào cuộc phân phối sản phẩm bảo hiểm như nhiều ngân hàng khác.

Theo đó, thương vụ trên có thể xem là một dấu mốc trong lịch sử hơn 50 năm hoạt động của Vietcombank - khai thác thế mạnh hiện có và hạn chế yếu tố rủi ro.

Hà Phương (t/h)

Theo KDPL

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục