MBBank đang “hụt hơi” trong khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân

(Kinhdoanhnet) – Dù mục tiêu của Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) là rút ngắn khoảng cách với nhóm ngân hàng quốc doanh, thế nhưng khi mà khoảng cách với nhóm trên chưa được thu hẹp, MBBank đã bị những ngân hàng “chiếu dưới” vượt qua ở nhiều mặt.

Khoảng cách với nhóm ngân hàng quốc doanh ngày càng tăng

MBBank là một ngân hàng hoạt động dưới hình thức ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân vì không có vốn Nhà nước hiện hữu thế nhưng trên thực tế cơ cấu cổ đông của MBBank phần lớn vẫn là các đơn vị Nhà nước. Đây chính là lý do mà MBBank vượt trội hơn những ngân hàng khác trong khối tư nhân cả về vị thế và nguồn lực.

Với cổ đông là các doanh nghiệp quân đội như Tập đoàn Viễn thông Quân đội – Viettel, Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn… Từ trước đến nay MBBank là ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất trong khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân lên tới 25.734 tỷ đồng tại thời điểm 30/9/2016. Trong khi các ngân hàng nổi bật khác trong khối cũng chỉ là 18.742 tỷ đồng ở Techcombank, 15.781 tỷ đồng ở VPBank, thậm trí Sacombank sau khi sáp nhập SoutherBank thì vốn chủ sở hữu cũng mới đạt 22.671 tỷ đồng.

Với nguồn lực mạnh mẽ không khó hiểu khi mục tiêu hàng đầu của MBBank là cạnh tranh, rút ngắn khoảng cách với nhóm ngân hàng quốc doanh bao gồm BIDV, VietinBank và Vietcombank. Nhưng “mục tiêu” cũng là tất cả những gì mà MBBank làm được cho đến nay.

Nhìn lại từ năm 2012, thời điểm đó MBBank không có đối thủ trong khối ngân hàng tư nhân khi mà quy mô dư nợ tín dụng cũng như quy mô tổng tài sản luôn ở top đầu trong khối. Thậm trí, kết quả lợi nhuận MBBank nhiều năm liền đứng vị trí số 1 và bỏ xa những ngân hàng khác trong khối. MBBank cũng là cái tên duy nhất đủ tầm để cạnh tranh cùng 3 ngân hàng quốc doanh. Với quy mô tổng tài sản thời điểm đó của MBBank là 175.610 tỷ đồng, chênh lệch so với nhóm ngân hàng quốc doanh là khoảng 300 nhìn tỷ đồng; quy mô dư nợ tín dụng kém khoảng 250 nghìn tỷ đồng và kết quả lợi nhuận không kém quá nhiều so với Vietcombank và BIDV.

MBBank đang “hụt hơi” trong khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân - Ảnh 1

Khoảng cách giữa MBBank với nhóm ngân hàng quốc doanh ngày càng xa. Ảnh: QT.

Thế nhưng cho đến nay gần 5 năm trôi qua, MBBank không những không rút ngắn được khoảng cách với nhóm ngân hàng quốc doanh mà còn đang bị “hụt hơi” và bị bỏ lại rất xa. Tính tới thời điểm 30/9/2016, với quy mô tổng tài sản đạt 239.817 tỷ đồng, tương đương mức tăng 36% so với năm 2012, thì khoảng cách về tổng tài sản giữa MBBank với nhóm ngân hàng quốc doanh đã lên tới hơn 600 nghìn tỷ đồng, dư nợ tín dụng MBBank hiện tại ở mức 143.304 tỷ đồng thì khoảng cách trung bình cũng lên tới hơn 400 nghìn tỷ đồng; và kết quả lợi nhuận chỉ bằng khoảng 1/2.

 

MBBank đang “hụt hơi” trong khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân - Ảnh 2

Quy mô dự nợ tín dụng của MBBank cũng bị nhóm ngân hàng quốc doanh bỏ lại ngày càng xa. Ảnh: QT.

Một điểm nữa khi mà không chỉ nhóm ngân hàng quốc doanh mà cả những ngân hàng tư nhân khác đang đẩy mạnh hoạt động dịch vụ để nâng tỷ lệ nguồn thu từ hoạt động dịch vụ vào cơ cấu lợi nhuận thì MBBank lại đang đi ngược. Hiện tại tỷ lệ nguồn thu từ hoạt động dịch vụ chỉ đóng góp khoảng 6% cơ cấu lợi nhuận của MBBank, kém hơn rất nhiều so với nhóm ngân hàng quốc doanh và thuộc hạng thấp nhất toàn hệ thống.

Bị các đối thủ chiếu dưới qua mặt

Trong khi khoảng cách với “tam trụ” ngày càng xa thì MBBank lại bị những ngân hàng từ lâu luôn là chiếu dưới vượt mặt.

Sự kiện nổi bật nhất trong khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân 9 tháng đầu năm nay chắc sẽ là việc MBBank bị Techcombank và VPBank soán ngôi về kết quả lợi nhuận. Cụ thể, sau 9 tháng đầu năm, MBBank thu về 2.788 tỷ đồng lãi trước thuế, trong khi con số bên phía Techcombank đạt tới 2.864 tỷ đồng và VPBank còn làm được nhiều hơn thế với 3.145 tỷ đồng lãi trước thuế chính thức đẩy MBBank xuống vị trí thứ 3 về kết quả lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2016. Thậm trí tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ của MBBank cũng kém hơn rất nhiều so với Techcombank và VPBank

 

MBBank đang “hụt hơi” trong khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân - Ảnh 3

Không chỉ bị vượt mặt về kết quả lợi nhuận 9 tháng đầu năm nay mà MBBank còn bị vượt mặt cả về tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ. Ảnh: QT.

Không những bị vượt mặt về kết quả lợi nhuận mà MBBank còn bị vượt mặt cả về xu thế kinh doanh. Cả Techcombank và VPBank là những ngân hàng bắt kịp xu thế hiện nay là đẩy mạnh hoạt động dịch vụ và cho vay khách hàng cá nhân. Cụ thể, tại Techcombank có tới gần 44% tổng dư nợ là cho vay khách hàng cá nhân và tại VPBank thì thành công mang lại từ “con gà để trứng vàng” FE Credit là không thể phủ nhận. Trong khi đó dù MBBank đã nhận được giấy chứng nhân đăng ký kinh doanh cho Công ty tài chính tiêu dùng MCredit vào tháng 2/2016 nhưng vẫn chưa thể tham gia vào thị trường đầy mới mẻ này.

Trong nhiều năm trở lại đây tỷ lệ nguồn thu từ thu nhập lãi thuần luôn chiếm trên 80% cơ cấu lợi nhuận MBBank, dư nợ tín dụng chính là mục tiêu quan trọng nhất của MBBank. Thế nhưng so với các ngân hàng khác hiện nay dư nợ tín dụng của MBBank cũng không phải là số 1, kém hơn nhiều ngân hàng khác trong khối tư nhân như ACB với quy mô dư nợ tín dụng là 158.002 tỷ đồng, Sacombank là 192.650 tính cho tới ngày 30/9/2016.

 

MBBank đang “hụt hơi” trong khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân - Ảnh 4

Dư nợ tín dụng của MBBank cũng không quá cao so với những ngân hàng khác trong khối thậm trí còn có phần kém hơn. Ảnh: QT.

Về quy mô tổng tài sản thì MBBank cũng đã bị Sacombank vượt mặt sau khi ngân hàng này sáp nhập SoutherBank vào hệ thống. Có lẽ hiện tại MBBank chỉ hơn những ngân hàng trong khối về quy mô vốn chủ sở hữu và khoản huy động vốn.

Cố gắng khẳng định lại vị thế

Vì trong cơ cấu lợi nhuận của MBBank phần lớn vẫn đến từ thu nhập lãi thuần và không có bất kỳ mảng kinh doanh nổi bật nào khác, điều đó khiến cho tiềm năng lợi nhuận của MBBank không cao khi phụ thuộc quá nhiều vào việc cho vay. Trong khi đó với gần 50% tổng dư nợ là cho vay ngắn hạn cùng tỷ lệ LDR chỉ rơi vào khoảng 78% thì thu nhập từ lãi cho vay của MBBank cũng không cao so với những ngân hàng còn lại. Hơn ai hết MBBank hiểu rõ cần phải tìm kiếm lợi nhuận ở những thị trường mới và bắt kịp với xu thế hoạt động dịch vụ và cho vay khách hàng cá nhân của hệ thống ngân hàng.

Mới đây, MBBank đã đẩy nhanh việc tham gia vào thị trường tài chính tiêu dùng bằng cách chuyển nhượng 49% vốn góp tại MCredit cho đối tác tới từ Nhật để thành lập công ty tài chính có tên MB Shensei, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2017.

 

MBBank đang “hụt hơi” trong khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân - Ảnh 5

Liệu MBBank có gặt hái được thành công tại thị trường cho vay tiêu dùng?.

Cùng với việc đẩy mạnh quá trình tham gia vào thị trường tài chính tiêu dùng thì MBBank cũng đã lấn sâu hơn vào thị trường bảo hiểm với việc nâng tỷ lệ sở hữu tại Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Quân đội - MIC lên trên 60% và chính thức ghi nhận công ty con thứ 8 vào hệ thống của mình.

Với việc công ty tài chính đi vào hoạt động trong năm 2017 cùng với MIC trở thành công ty con của MBBank thì trong những năm tiếp theo MBBank sẽ có thêm nhiều nguồn thu khác đóng góp vào kết quả lợi nhuận của mình. Chưa biết MBBank có gặt hái được thành công ở những thị trường mới hay không nhưng với việc đẩy mạnh tham gia đã cho thấy quyết tâm của MBBank là rất lớn.

Quang Thắng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục