Ngân hàng "đường cùng" mới phải bán nợ xấu cho VAMC?

Hiện nay, nợ xấu toàn hệ thống giảm không có nghĩa là nợ xấu ở tất cả các ngân hàng nào cũng thấp. Việc bán nợ xấu cho VAMC có khiến các ngân hàng có lợi hơn?

VAMC là doanh nghiệp đặc thù, được tổ chức dưới hình thức công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và chịu sự quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Vốn điều lệ của công ty là 500 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập VAMC nhằm xử lý nợ xấu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế.

Công ty được thực hiện các hoạt động như: mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng; thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm; cơ cấu lại khoản nợ, điều chỉnh điều kiện trả nợ, chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phẩn của khách hàng vay.

Sau khi bán nợ cho VAMC, ngân hàng sẽ nhận lại một số trái phiếu nhất định do VAMC phát hành dựa trên giá trị thu mua khoản nợ bằng 100% giá trị sổ sách. Hàng năm các ngân hàng bán nợ sẽ phải trích lập dự phòng 20% cho trái phiếu, lãi suất trái phiếu là 0%/năm.

Từ một món “nợ xấu” ngân hàng sẽ nhận lại được một khoản “trái phiếu VAMC”. Lượng trái phiếu này có thời hạn là 5 năm và khi đến kỳ đáo hạn, giá trị của trái phiếu được mặc định về 0 đồng. Điều này có nghĩa là ngân hàng đã xử lý xong khoản nợ, đồng thời với việc trích lập dự phòng hết nợ, họ vẫn được ghi nhận tỷ lệ nợ xấu ở mức tốt.

Tuy nhiên, quá trình mua bán cũng không phải là hình thức mua đứt. Việc theo dõi, đôn đốc thu hồi nợ và xử lý tài sản bảo đảm sẽ được ủy quyền cho ngân hàng. Khi một khoản nợ được xử lý thì ngân hàng sẽ được hưởng 85% số tiền thu từ giải quyết nợ xấu, 15% còn lại thuộc về VAMC.

Ngân hàng "đường cùng" mới phải bán nợ xấu cho VAMC? - Ảnh 1
Bán nợ xấu cho VAMC không phải là hình thức mua đứt, bán đoạn, mà trách nhiệm xử lý nợ xấu vẫn thuộc về ngân hàng.

Ngân hàng được gì khi bán nợ xấu cho VAMC?

Bán nợ cho VAMC, ngân hàng có lợi. Bởi thay vì vừa phải trích lập dự phòng rủi ro mà nợ xấu vẫn nằm trong bảng cân đối tài sản, thì bán nợ cho VAMC, nợ xấu được đưa ra khỏi bảng cân đối tài sản.

Thời gian đầu, sau khi bán nợ, ngân hàng giảm bớt được áp lực từ nợ xấu, khi cần tiền, thì mang trái phiếu lên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chiết khấu.

Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu lại không đơn giản như vậy, vì bán nợ xấu cho VAMC không phải là hình thức mua đứt, bán đoạn, mà trách nhiệm xử lý nợ xấu vẫn thuộc về ngân hàng. Mỗi năm, ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro 20% cho trái phiếu VAMC. Việc này đồng nghĩa lợi nhuận của ngân hàng sẽ bị sụt giảm rất mạnh, thậm chí ăn mòn cả vốn điều lệ.

Chính vì vậy, nhiều ngân hàng sẽ không muốn bán nợ cho VAMC, mà muốn ôm nợ, giấu nợ để giảm áp lực thua lỗ với cổ đông.

Đặc biệt hiện nay nhiều nhà băng đã dùng tất cả lợi nhuận để mua lại hết các khoản nợ đã bán cho VAMC như Vietcombank, MBBank, VIB, Techcombank, hoặc các ngân hàng có khoản nợ bán cho VAMC thấp như HDBank, ACB... Việc làm này giúp các nhà băng "kê cao gối", khi nợ xấu ở mức an toàn.

Bên cạnh đó, vẫn còn không ít các ngân hàng đứng ngồi không yên khi các khoản nợ đã bán cho VAMC, sau thời gian "gửi" VAMC để đổi lấy trái phiếu đặc biệt giai đoạn 2014 -2015 thì đến nay lại quay vòng trở về ngân hàng bởi thời hạn của số trái phiếu này chỉ là 5 năm.

Ngân hàng nào bán nợ theo giá thị trường cho VAMC nhiều nhất?

Trong năm 2017, VAMC mua 3.142 tỷ đồng nợ xấu từ 5 tổ chức tín dụng theo giá thị trường, vượt kế hoạch được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt hồi đầu năm.

Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) là đối tác lớn nhất của VAMC trong thời gian đầu triển khai hình thức mua bán này. Cụ thể, VAMC chi gần 2.608 tỷ đồng để mua hai khoản nợ có dư nợ gốc 2.400 tỷ đồng.

VAMC còn mua một số khoản nợ theo giá trị thị trường từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) với dư nợ gốc 299 tỷ đồng, Ngân hàng Phát triển TP HCM (HDBank) với dư nợ gốc hơn 40 tỷ đồng…

Theo số liệu thống kê, trong số hơn 20 ngân hàng đã công bố báo cáo kiểm toán 2018 thì có tới hơn 125.000 tỷ đồng nợ xấu bán cho VAMC, trong đó dẫn đầu vẫn là Sacombank với hơn 40.000 tỷ; SCB hơn 26.600 tỷ; BIDV trên 14.100 tỷ và VietinBank cũng đến 13.400 tỷ…

Được biết, tại ĐHCĐ thường niên năm 2019 của BIDV, ngân hàng này cho biết sẽ tăng cường các biện pháp thu hồi nợ tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu nội bảng, nợ ngoại bảng, nợ đã bán cho VAMC và tất toán toàn bộ số trái phiếu VAMC trong năm nay. Tuy nhiên, kết quả ra sao vẫn chưa có câu trả lời.

Tương tự, Kienlongbank cũng mạnh dạn đặt mục tiêu tất toán toàn bộ 100% trái phiếu đặc biệt đã bán cho VAMC trước ngày 31/12/2019. Trong khi đó, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) công bố tài liệu họp Đại hội cổ đông thường niên với mục tiêu mua lại toàn bộ nợ đã bán cho VAMC vào năm 2020 theo định hướng tái cơ cấu ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước.

Việc mua lại nợ xấu của VAMC sẽ giúp các ngân hàng chủ động hơn trong việc xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi nợ xấu nội bảng của ngân hàng cũng phải ở mức thấp và có phần lợi nhuận đủ dồi dào để trích lập dự phòng rủi ro của các khoản nợ nhận về.

Hà Phương

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục