Ngân hàng "ồ ạt" dời lịch tổ chức ĐHĐCĐ vì dịch Covid-19, tuần qua các tổ chức tín dụng vay mượn nhau gần 87.000 tỷ đồng.

Tuần qua, ngân hàng ACB, Techcombank thông báo hoãn Đại hội đồng cổ đông vì dịch Covid-19. Đồng thời, trong tuần vừa qua, các tổ chức tín dụng vay mượn nhau gần 87.000 tỷ đồng.

Những ngân hàng đầu tiên dời lịch tổ chức ĐHĐCĐ vì dịch Covid-19

Dự định tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường 2019 vào ngày 05/03/2020, nhưng đến phút chót, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE: EIB) thông báo phải hoãn Đại hội do có chỉ đạo của Ủy ban nhân dân TPHCM đề nghị Eximbank không tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường trong thời điểm hiện nay. Theo đó, Ngân hàng sẽ dời ĐHĐCĐ bất thường sang thời điểm thích hợp.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank – Mã: TCB) vừa thông báo Hội đồng Quản trị thông qua việc lùi thời gian tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020 vào tháng 6/2020.

Giao Chủ tịch HĐQT ngân hàng quyết định và thực hiện các thủ tục cần thiết trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Sở kế hoạch & Đầu tư TP Hà Nội, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và NHNN Việt Nam) về việc gia hạn tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020. Trước đó, Techcombank thông báo ngày 24/3 là ngày đăng kí cuối cùng tham dự ĐHĐCĐ thường niên năm 2020. Tương ứng, ngày giao dịch không hưởng quyền tham dự là 23/3.

Ngân hàng "ồ ạt" dời lịch tổ chức ĐHĐCĐ vì dịch Covid-19, tuần qua các tổ chức tín dụng vay mượn nhau gần 87.000 tỷ đồng. - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Mới đây, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa thông báo cho biết Hội đồng Quản trị đã nhất trí thông qua việc gia hạn thời gian tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020.

Theo đó, ACB hoãn tổ chức đại hội vào ngày 7/4/2020 tại khách sạn Sheraton Sài Gòn, TP HCM như đã công bố vào ngày 7/2. Đồng thời, ngân hàng gia hạn thời gian tổ chức đại hội đến một ngày khác sau khi có chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước. Danh sách cổ đông có quyền dự họp đại hội chốt đến ngày 6/3/2020.

Việc hoãn họp của ACB, Techcombank, Eximbank là nhằm thực hiện chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước về việc tăng cường phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình hiện nay.

Theo chỉ đạo của NHNN, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các TCTD cần chủ động phối hợp với NHNN chi nhánh trên địa bàn xin ý kiến của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương về việc tổ chức đại hội cổ đông/đại hội thành viên để có hình thức tổ chức phù hợp hoặc xin lùi thời điểm tổ chức, đảm bảo nghiêm ngặt việc phòng, chống dịch Covid-19 trong điều kiện có nhiều diễn biến phức tạp theo đúng chỉ đạo và hướng dẫn của chính quyền địa phương, các cấp, các ngành có thẩm quyền.

Các nhà băng vay mượn nhau gần 87.000 tỷ đồng mỗi ngày

Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo báo cáo của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, doanh số giao dịch bằng VND trên thị trường liên ngân hàng trong tuần đến 13/3 đạt xấp xỉ 281.787 tỷ đồng, bình quân 56.357 tỷ đồng/ngày, giảm 5.645 tỷ đồng/ngày so với tuần 2-6/3, doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra VND trong tuần đạt khoảng 162.132 tỷ đồng, bình quân 32.426 tỷ đồng/ngày, tăng 3.072 tỷ đồng/ngày so với tuần trước đó.

Như vậy bình quân mỗi ngày trong tuần vừa qua, các tổ chức tín dụng vay mượn nhau gần 87.000 tỷ đồng.

Về lãi suất, đối với các giao dịch bằng VND, lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần qua có xu hướng tăng nhẹ ở hầu hết các kỳ hạn, trừ các kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng lãi suất có xu hướng giảm nhẹ, dao động từ 2,37% đến 2,79%/năm cho các kỳ hạn dưới 1 tháng còn kỳ hạn dài cao nhất là 5,64% ở kỳ hạn 9 tháng.

Đối với các giao dịch USD, lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần giảm ở hầu hết các kỳ hạn so với tuần trước với dải lãi suất từ 1,18% đến 1,26%/năm cho kỳ hạn 1 tháng.

Đặc biệt, ngày 16/3 vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm một loạt lãi suất điều hành, mức giảm từ 0,25 cho đến 1 điểm phần trăm. Với sự điều chỉnh này, hàng loạt ngân hàng ồ ạt giảm lãi suất liên ngân hàng bởi các ngân hàng có thêm nguồn vốn rẻ từ cơ quan quản lý bơm trực tiếp.

BIDV cùng lúc bổ nhiệm 4 Phó Tổng giám đốc

Mới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - BID) thông báo bổ nhiệm đồng thời 4 Phó Tổng Giám đốc.

Theo đó, BIDV bổ nhiệm ông Trần Long (Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Thành), bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao (Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Nội), ông Phan Thanh Hải (Trưởng Khối Ngân hàng Bán buôn kiêm Giám đốc Ban Khách hàng doanh nghiệp lớn BIDV) và ông Hoàng Việt Hùng (Giám đốc Ban Tổ chức nhân sự BIDV) giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc.

Thời hạn giữ chức vụ của 4 Phó Tổng Giám đốc trên là 5 năm. Quyết định bổ nhiệm có hiệu lực từ ngày 12/3/2020.

Ngân hàng "ồ ạt" dời lịch tổ chức ĐHĐCĐ vì dịch Covid-19, tuần qua các tổ chức tín dụng vay mượn nhau gần 87.000 tỷ đồng. - Ảnh 2
4 Phó Tổng Giám đốc vừa được bổ nhiệm của BIDV (Nguồn: BIDV).

Như vậy, Ban điều hành BIDV hiện có 11 thành viên với ông Lê Ngọc Lâm đảm nhiệm cương vị Phó Tổng Giám đốc phụ trách, 9 Phó Tổng Giám đốc và 1 Kế toán trưởng.

Trước đó, BIDV đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2020 vào ngày 7/3/2020. Tại đại hội, ngân hàng đã bầu bổ sung ông Lê Kim Hòa (Phó Tổng Giám đốc BIDV) và ông Trần Xuân Hoàng (Phó Tổng Giám đốc BIDV) đảm nhiệm chức vụ thành viên HĐQT BIDV nhiệm kì 2017-2022.

Cũng tại đại hội, BIDV đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến đạt 12.500 tỉ đồng, tăng gần 15% so với mức thực hiện của năm 2019. Tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch được NHNN giao (hiện là 9%); huy động vốn dự kiến tăng trưởng 9%; phấn đấu đưa tỉ lệ nợ xấu xuống dưới 1,6% và tỉ lệ chi trả cổ tức dự kiến là 7%.

Tuy nhiên Chủ tịch BIDV nhấn mạnh rằng kế hoạch kinh doanh trên được lập dựa trên kịch bản dịch được kiểm soát tốt nhất, tức chỉ đến cuối tháng 3 này. Do vậy, trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kế hoạch kinh doanh của ngân hàng có thể sẽ được điều chỉnh phù hợp.

Hà Phương (T/H)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục