Ngân hàng phát hoảng khi lừa đảo tiền qua tài khoản ngày càng tinh vi

Dù đã liên tục cảnh báo nhưng nhiều khách hàng vẫn sập bẫy thủ đoạn lấy cắp thông tin tài khoản ngân hàng ngày càng tinh vi.

Thời gian vừa qua, các ngân hàng liên tục phát đi cảnh báo về đảm bảo an toàn trong giao dịch. Cảnh báo này xuất phát khi số lượng các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngày càng tăng đã và đang gây thiệt hại cho không ít người.

BIDV liên tiếp ra cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới

Chẳng hạn, vào thời điểm đầu năm 2019, BIDV khuyến cáo khách hàng đề phòng, cảnh giác khi rút tiền tại các máy ATM và thực hiện các biện pháp an toàn bảo mật cần thiết để chủ động phòng tránh rủi ro.

Cảnh báo này xuất phát từ sự việc đã có một số khách hàng tiền bỗng dưng "bốc hơi" trong khi tài khoản ATM vẫn nằm trong túi.

Cụ thể, An ninh thủ đô có đưa tin, khoảng thời gian từ 5h38 đến 5h45 sáng 16/1, điện thoại của chị M.N.Q (trú Yên Hòa, Cầu Giấy) liên tục nhận được 9 tin nhắn báo trừ tiền trong tài khoản ATM với nội dung: Rút tiền tại BIDV. Tổng số tiền mà kẻ gian rút trong 9 lần là hơn 39 triệu đồng.

Trong thời gian số tiền trên bị rút khỏi tài khoản, chị Q vẫn giữ thẻ bên người, chị cũng không có thẻ phụ và với công việc làm tại một công ty về an ninh mạng nên chị rất ý thức bảo mật thông tin thẻ, không cung cấp cho bất kỳ người nào khác.

Ngân hàng phát hoảng khi lừa đảo tiền qua tài khoản ngày càng tinh vi - Ảnh 1
Tổng số tiền mà kẻ gian rút trong 9 lần là hơn 39 triệu đồng.

Gần đây nhất, nhà băng này lại tiếp tục gửi thông báo tới khách hàng để cảnh báo về việc một số đối tượng giả danh cán bộ ngân hàng để lừa đảo.

Cụ thể, BIDV khuyến cáo tội phạm công nghệ cao đang có xu hướng gia tăng. Các đối tượng sử dụng những thủ đoạn hòng lợi dụng uy tín của ngân hàng nhằm đánh vào tâm lý cả tin của khách hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Đối tượng lợi dụng những hình ảnh hội thảo, biển tên cán bộ giả mạo và các hoạt động chung có logo BIDV gửi cho Khách hàng qua Zalo, Facebook… để giả danh là cán bộ BIDV. Khi Khách hàng đã tin tưởng, đối tượng hứa hẹn có thể cho Khách hàng vay vốn với khoản vay không lớn (dưới 100 triệu đồng) và yêu cầu Khách hàng nộp khoản tiền là “phí bảo hiểm rủi ro” từ 1-2 triệu đồng với mục đích lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên. Ngay sau khi nhận được số tiền trên, Khách hàng không thể liên lạc với đối tượng giả mạo này nữa.

Vietcombank cũng nhanh chóng cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo

Ngoài BIDV, khách hàng của "Vietcombank" cũng đã nhiều lần bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Vì vậy, ông lớn "Vietcombank" từng đưa ra hàng loạt cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tiền. Theo ngân hàng này, có hàng loạt phương thức lừa đảo mới mà tội phạm đang sử dụng.

Một số phương thức lừa đảo mới mà tội phạm đang sử dụng như mạo danh nhân viên ngân hàng hoặc nhân viên của các đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan đến ngân hàng (đặc biệt là ví điện tử) yêu cầu khách hàng xác thực thông tin để nâng cấp dịch vụ.

Ngoài ra, Vietcombank cũng cho biết có trường hợp khách hàng đang sử dụng ví điện tử đăng tải câu hỏi lên website/fanpage của nhà cung cấp. Đối tượng lừa đảo mạo danh là nhân viên của nhà cung cấp để liên hệ với khách hàng và hỏi về vướng mắc khi sử dụng dịch vụ. Sau đó, đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin các dịch vụ ngân hàng như là bước để khắc phục lỗi dịch vụ.

Tờ Đời sống và pháp luật từng phản ánh, vào sáng 1/6/2019 anh H.M.L, dùng thẻ ATM Vietcombank tại TP HCM bị kẻ gian lấy mất 33 triệu đồng.

Anh H.M.L cho hay: "Hôm qua tôi đi làm về đến nhà gần 12h đêm, tắm rửa, ngủ một giấc tới sáng. Mở mắt ra kiểm tra điện thoại thì thấy tiền bị trừ liên tục. Số tiền bị trừ đều đều là 3,003,300 đồng/lần, mỗi lần trừ cách nhau khoảng 1 phút, cho tới khi trong tài khoản chỉ còn hơn 1,3 triệu đồng thì dừng. Ngay lập tức tôi đã gọi điện đến số điện thoại ghi trên thẻ, nhân viên báo là giờ khóa thẻ lại và thứ Hai ra điểm giao dịch nhờ kiểm tra lại".

Báo VOV cũng từng đưa tin trường hợp của chị T.H. ở Hà Nội dùng thẻ Amex của Vietcombank, chị có nhận được tin nhắn báo trừ tài khoản mua hàng từ châu Âu (trong khi thẻ vẫn nằm trong túi và chị thì vẫn ở Việt Nam).
Chị hốt hoảng gọi hotline 24/7 của Vietcombank thì chỉ thấy nhạc chờ rồi có thông báo “tất cả các đường dây đều bận”. Đến khi chị liên hệ được với bộ phận chăm sóc khách để khoá thẻ thì đã bị hacker lấy mất gần 3 triệu đồng trong tài khoản.

Sau khi khóa thẻ, chị đã đến Trung tâm thẻ để đóng tài khoản, cắt bỏ thẻ và đề nghị ngân hàng khoanh vùng các khoản chi mà hacker đã lấy cắp trước đó, nhân viên phòng thẻ khẳng định, không trừ vào tài khoản của chị những khoản nêu trên.

Vài tháng sau, chị H. lại thấy gửi sao kê trừ tiền và tài khoản bị trừ tiền (chị H. sử dụng dịch vụ trả tiền tự động hàng tháng). Sau khi khiếu nại và thương thảo nhiều lần, ngân hàng đã trả lại cho chị khoản tiền hơn 1.400.000 đồng.

Một thời gian sau, trong sao kê gửi email của chị lại có danh mục trừ đi 400.000 chi tiêu. Sau 3 ngày “rình, phục”, chị mới liên lạc được với nhân viên đường dây nóng. Sau khi trình bày vấn đề từ đầu, chị được nhân viên cam kết rằng: “mặc dù có tin nhắn gửi sao kê vậy thôi nhưng chị yên tâm là tài khoản của chị không phải trả bất cứ khoản chi phí nào nữa”.

Tuy nhiên, đến ngày 22/9/2019, sự việc lại được lặp lại, tài khoản ATM của chị lại bị tự động thanh toán 400.000 đồng. Chị H. đã gọi ngay vào đường hotline của ngân hàng nhưng không liên lạc được.

Ngân hàng phát hoảng khi lừa đảo tiền qua tài khoản ngày càng tinh vi - Ảnh 2
Tài khoản bị trừ 400.000 đồng mà không rõ lý do của chị T.H.

Chị H. bức xúc chia sẻ: “Bảo mật kém, tài khoản của khách hàng bị hack, cam kết khách hàng không phải trả tiền, cứ đến ngày cuối tuần, đường dây hot line lại bị “treo”. Tiền bị mất một cách vô cớ, không rõ lý do và cũng không có lời giải thích một cách thỏa đáng”.

Mới đây nhất, tờ Tài chính Plus có đưa tin ngân hàng TPBank vừa lên tiếng cảnh báo hành vi lừa đảo chào bán hồ sơ giải ngân trong ngày. Cụ thể, trên mạng xã hội xuất hiện một facebook có tên "TPBank – Bán Hồ Sơ Vay Vốn Giải Ngân Trong Ngày" thông báo bán hồ sơ giải ngân duyệt sẵn có thu phí của TPBank.

Tuy nhiên, facebook này không thuộc quản lý của ngân hàng, không thể đại diện cho ngân hàng để tư vấn cho khách hàng về các sản phẩm dịch vụ TPBank cung cấp. TPBank cho biết, việc mua bán này hoàn toàn trái với các quy định hiện hành của ngân hàng và pháp luật Việt Nam.

Đặc biệt, tại VPBank, một khách hàng cũng bị kẻ gian lừa tiền. Chỉ trong vòng 2 phút, vị khách này đã bị kẻ gian giả mạo nhân viên ngân hàng VPB lừa hơn 460 triệu đồng.

Thực tế, lý do xảy ra các sự cố xuất phát từ khách hàng không tuân thủ các yêu cầu bảo mật của phía ngân hàng. Vì vậy, hãy cẩn trọng trong tất cả các giao dịch, nếu có dấu hiệu đáng ngờ thì phải liên hệ ngay với ngân hàng để có sự hỗ trợ kịp thời.

Tuy nhiên, một phần nguyên nhân để xảy ra những sự cố cũng chính từ ngân hàng. Họ hạn chế về mặt kỹ thuật, hạ tầng công nghệ thấp, có thể do các “tường lửa” chưa đảm bảo, rủi ro vận hành hệ thống do thao tác sai sót,...

Hà Phương (t/h)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục