Ngân hàng thi nhau mở rộng mạng lưới chưa chắc đã hiệu quả

Nhiều ngân hàng vẫn muốn mở thêm các điểm giao dịch để tiếp cận những khách hàng mới, mang về lợi nhuận cao. Tuy nhiên, nhiều điểm giao dịch chưa chắc đã hiệu quả.

Mạng lưới giao dịch lớn sẽ giúp các ngân hàng tiếp cận được nhiều bộ phận khách hàng, ở những vùng miền khác nhau. Đó là lý do mà nhiều ngân hàng vẫn muốn mở rộng số lượng điểm giao dịch để gia tăng độ phủ, thu hút nhiều khách hàng mới.

Dù vậy, trên thực tế, không phải mạng lưới lớn thì sẽ có lợi nhuận cao, nhiều ngân hàng có rất ít điểm giao dịch nhưng lợi nhuận đáng nể và ngược lại.

Ngân hàng thi nhau mở rộng mạng lưới chưa chắc đã hiệu quả - Ảnh 1
Ngân hàng thi nhau mở rộng mạng lưới chưa chắc đã hiệu quả - Ảnh 2
 

Thống kê từ báo cáo tài chính quý III của 25 ngân hàng cho thấy, số lượng chi nhánh và phòng giao dịch tính đến cuối tháng 9 ở mức 10.580 điểm với 3.029 chi nhánh và 7.551 phòng giao dịch, tăng 30 chi nhánh nhưng giảm 206 phòng giao dịch so với cuối năm 2018.

Với hơn 2.233 chi nhánh và phòng giao dịch, Agribank hiện là ngân hàng có số điểm giao dịch lớn nhất trong hệ thống. Con số này thậm chí nhiều gấp đôi những ngân hàng xếp sau như Vietinbank, BIDV và Vietcombank.

Xếp sau Agribank về số điểm giao dịch ngân hàng hiện nay là LienVietPostBank với 1.319 điểm giao dịch. Phần lớn phòng giao dịch của của LienVietPostBank là các phòng giao dịch bưu điện (791 điểm).

Vietinbank và BIDV là hai ngân hàng còn lại sở hữu trên 1.000 điểm giao dịch trong nước.

Cụ thể, BIDV hiện có 189 chi nhánh, 1 trụ sở, 871 phòng giao dịch trong nước. Tổng cộng, nhà băng này đang vận hành và quản lý 1.060 điểm giao dịch ngân hàng. Trong khi con số bên phía Vietinbank hiện có tới 1.157 điểm giao dịch ngân hàng.

Đáng chú ý, dù nằm trong nhóm 4 ngân hàng có quy mô lớn nhất hệ thống nhưng Vietcombank hiện chỉ có khoảng 552 điểm giao dịch, thấp hơn rất nhiều các ngân hàng cùng quy mô. Thậm chí, số điểm giao dịch của ngân hàng này còn thấp hơn cả Sacombank với 554 điểm trên cả nước.

Thế nhưng, hiệu quả hoạt động của các điểm giao dịch Vietcombank lại vượt trội các ngân hàng còn lại.

Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2019 với 552 điểm giao dịch, Vietcombank đã mang về LNTT, LNST lần lượt là 17.613 tỷ đồng và 14.127 tỷ đồng. Trong khi BIDV chỉ mang về 7.028 tỷ đồng và 5.645 tỷ đồng. Vietinbank đạt 8.456 tỷ đồng và 6.825 tỷ đồng. Agribank thu về LNTT 9.700 tỷ đồng.

Hay năm 2018, với hơn 2.240 điểm giao dịch Agribank chỉ mang về cho nhà băng 7.345 tỷ đồng LNTT. Còn Vietcombank, điểm giao dịch chỉ bằng 1/4 nhưng lại thu về hơn 18.269 tỷ đồng lợi nhuận.

Trường hợp của LienVietPostBank, ngân hàng này đang sở hữu số điểm giao dịch lớn thứ hai hệ thống nhưng lợi nhuận khá khiêm tốn, chỉ tương đương với một số ngân hàng như OCB (ngân hàng chỉ có 128 điểm giao dịch). Tính đến 30/9/2019, tiền gửi khách hàng của LienVietPostBank chỉ đạt 132.996 tỷ đồng và cho vay khách hàng đạt khoảng 134.742 tỷ đồng, LNTT đạt 1.636 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 193.536 tỷ đồng, thuộc nhóm trung bình thấp trong hệ thống ngân hàng.

Thống kê tại 25 ngân hàng hiện nay, có tới 22 ngân hàng sở hữu trên 100 điểm giao dịch trong nước. Trong đó, nhiều nhà băng có quy mô tài chính không quá lớn nhưng đang sở khá nhiều điểm giao dịch.

Như HDBank, tính đến cuối tháng 9/2019, tổng tài sản của ngân hàng này đạt khoảng 217.245 tỷ đồng, LNTT hợp nhất 3.448 tỷ đồng với 283 điểm giao dịch, nằm trong nhóm 10 ngân hàng có nhiều điểm giao dịch nhất.

Ngược lại, VPBank không nằm trong top 10 ngân hàng có nhiều điểm giao dịch nhất. Nhà băng này chỉ có 227 điểm giao dịch nhưng tổng tài sản lại lên tới 358.236 tỷ đồng, LNTT đạt 7.199 tỷ đồng.

Việc duy trì lượng lớn điểm giao dịch đã tiêu tốn không ít chi phí của các ngân hàng khiến kết quả lợi nhuận tại nhiều ngân hàng không cao như tại LienVietPostBank,...

Hà Phương

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục