Ngân hàng TMCP An Bình: Khi khách hàng và ngân hàng 'tố' nhau

Vụ việc giữa khách hàng Đinh Mạnh Huân, trú tại Nam Khê, Uông Bí và Phòng giao dịch Ngân hàng An Bình tại Uông Bí dường như không đi đúng trình tự mà muốn tiến xa hơn nữa…

Giao dịch trao đổi tiền mặt giữa ngân hàng với các khách hàng là một loại giao dịch dân sự bình thường. Tuy vậy, sự nhầm lẫn khi thanh toán tiền giữa các bên đều có thể xảy ra và cách tốt nhất là cùng nhau thoả thuận, hợp tác nếu không cơ quan trung gian cuối cùng sẽ là toà án làm trọng tài xét xử khi hai bên có tranh chấp mà không thể tự thoả thuận được. Quyết định cuối cùng của toà đã có hiệu lực thi hành mà bên bị giao nhầm tiền cố tình không trả thì có thể bị truy cứu tội chiếm giữ trái phép tài sản theo Điều 176 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Nhưng vụ việc như trên giữa khách hàng Đinh Mạnh Huânvà Phòng giao dịch Ngân hàng An Bình - Chi nhánh Uông Bí lại đi theo chiều hướng khác.

Ngân hàng TMCP An Bình: Khi khách hàng và ngân hàng 'tố' nhau - Ảnh 1
Phòng giao dịch Ngân hàng An Bình - Chi nhánh Uông Bí - Quảng Ninh.

 

Theo trình bày của ông Đinh Mạnh Huân: “Ngày 27/06/2018, tôi đến ngân hàng và gặp nhân viên để yêu cầu tất toán khoản vay, nhân viên thông báo cho tôi số tiền cần phải nộp bao gồm cả gốc, lãi, phí phạt trả nợ trước hạn với tổng số tiền là: 315.000.000 đồng (ba trăm mười năm triệu đồng chẵn). Sau khi thống nhất số tiền phải nộp, tôi đã đưa tiền cho nhân viên ngân hàng tự đếm và kiểm tiền.

Sau khi đếm và kiểm kê tiền xong, nhân viên ngân hàng là cô Nguyễn Thị Mai Phương đã trả cho tôi 1 phiếu với nội dung: “Phiếu nộp tiền mặt” đầy đủ thông tin cá nhân của tôi với nội dung: Đinh Mạnh Huân nộp tiền vào tài khoản số tiền là 315.000.000 đồng (ba trăm mười năm triệu đồng chẵn) theo đúng bảng kê mệnh giá tiền và đưa cho tôi có xác nhận của giao dịch viên, ngân quỹ và dấu đã thu tiền của Ngân hàng TMCP An Bình - Phòng giao dịch Uông Bí. Sau 5 phút thì tôi nhận được tin nhắn của Ngân hàng An Bình gửi về máy điện thoại của tôi là tôi đã nộp vào tài khoản của mình số tiền là 315.000.000 đồng và tin nhắn là tôi nợ 0 đồng”.

Những tưởng với nội dung và chứng từ như trên đã chắc như đinh đóng cột, nào ngờ lúc 18h cùng ngày, phía ngân hàng gọi điện thông báo là họ đã trả nhầm cho ông Huân 50 triệu đồng, nêu rõ chứng cứ được trích xuất từ hệ thống camera… ông Huân đã hợp tác bằng cách đến ngay ngân hàng để giải quyết vụ việc. Phía ngân hàng yêu cầu ông Huân phải trả lại 50 triệu đồng thì mới cho giải chấp (khi trả tiền gốc và lãi ông Huân đã nhận lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng do Trưởng phòng là ông Tiệp đi vắng nên ngân hàng hẹn đến ký giải chấp tài sản sau).

Ngày 28/6/2018, ông Huân cho biết nhận được cuộc điện thoại của người xưng là Trưởng phòng Ngân hàng An Bình tại Uông Bí đe doạ: “Ông còn thiếu tiền thì trả cho chúng nó đi, còn ông thích gì, chơi kiểu gì, tôi chiều ông kiểu ấy” (theo đơn của ông Huân).

Lời đi, tiếng lại và các thoả thuận giải quyết vướng mắc giữa Ngân hàng An Bình - Phòng giao dịch Uông Bí với khách hàng Đinh Mạnh Huân qua điện thoại, qua các thông báo. Phía Ngân hàng An Bình cho rằng vụ việc khách hàng nhận nhầm tiền của mình mà cố tình không trả lại có dấu hiệu tội phạm nên ngày 14/9/2018, ông Nguyễn Văn Tiệp - Trưởng Phòng giao dịch Ngân hàng An Bình - Chi nhánh Uông Bí gửi “Đơn trình báo” lên Cơ quan CSĐT - Công an TP.Uông Bí miêu tả rõ các chứng cứ giao dịch nhận trả tiền của thủ quỹ Nguyễn Thuý Ngọc với khách hàng Đinh Mạnh Huân. Cuối đơn, ông Nguyễn Văn Tiệp nhận định hành vi của ông Huân có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Ngày 14/9/2018 Cơ quan CSĐT - Công an TP. Uông Bí ra Văn bản số 1679 Thông báo về tiếp nhận Tố giác tội phạm. Cho rằng mình không nhận nhầm tiền từ Ngân hàng An Bình (ông Huân nói chỉ nhận lại tiền thừa khoảng hơn 10 triệu đồng; Ngân hàng nói trả nhầm cho ông Huân 50 triệu đồng), ông Huân nộp đơn ra Toà án Dân sự thành phố Uông Bí yêu cầu khởi kiện vụ tranh chấp với Phòng giao dịch Ngân hàng An Bình - Chi nhánh Uông Bí theo Thụ lý số 48/2018/TLST-DS ngày 30/8/2018 của TAND thành phố Uông Bí.

Tuy nhiên, cho đến ngày 28/2/2019, TAND thành phố Uông Bí ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự căn cứ theo các Điều: 214;215;219 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên nội dung căn cứ quy định các điều trên rất rộng, chưa biết TAND Uông Bí căn cứ khoản nào?

Theo quy định tại Điều 103, Bộ luật Tố tụng hình sự, các cơ quan tiếp nhận tin tố giác tội phạm có thời gian khởi tố hoặc kiến nghị khởi tố trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm. Vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn, nhưng không quá 2 tháng đến 3 tháng.

Vậy thì, giả thiết phía TAND thành phố Uông Bí tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do vụ việc đang được xác minh theo “Đơn trình báo” của ông Nguyễn Văn Tiệp (Tố giác tội phạm - theo Công an Uông Bí) thì tại sao thời gian lại kéo dài tới nay là hơn 7 tháng vẫn “im hơi lặng tiếng”?

Nhận định khách quan về vụ việc trên, một số lãnh đạo ngân hàng cho rằng chỉ khi trích xuất camera thấy có dấu hiệu gian dối từ phía khách hàng như trả tiền rồi lợi dụng sự mất cảnh giác của nhân viên thu ngân, khách hàng đã rút trộm một khoản tiền vào túi (camera đã được giám định) thì mới có dấu hiệu tội phạm.

Một cán bộ TAND tỉnh Quảng Ninh có thâm niên lâu năm trong ngành cũng khẳng định, đây là một giao dịch dân sự hai bên đều tự nguyện, bình đẳng. Nếu một trong hai bên cho là nhầm lẫn mà bên còn lại không thể xác định thì họ có quyền đưa tranh chấp ra toà án dân sự để giải quyết. Và chỉ khi bản án có hiệu lực thi hành, người nhận nhầm tiền cố tình không trả mới có dấu hiệu tội phạm.

Dù sao thì giữa Phòng giao dịch Ngân hàng An Bình - Chi nhánh Uông Bí với khách hàng Đinh Mạnh Huân đã xảy ra tranh chấp và mỗi bên có quyền giải quyết theo nhận thức pháp luật của mình. Nhưng dù sao một lời nhắn nhủ tới tất cả các khách hàng là cần cẩn trọng hơn nữa khi giao dịch nhận trả tiền. Có câu “Bút sa, gà chết”, trong trường hợp này phiếu thu, tin nhắn điện tử được xác nhận từ hai phía, tức là “bút sa” nhưng chưa chắc “gà” đã chết.

 

Văn Nguyễn/ Kinh doanh & Pháp luật

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục