Ôm nhiều "nợ xấu", BIDV vào tầm ngắm kiểm toán Nhà nước

Kiểm toán Nhà nước vừa ban hành Đề cương kiểm toán chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, trong đó có BIDV. Theo đó, cơ quan kiểm toán sẽ đánh giá việc phê duyệt phương án xử lý nợ xấu; thanh tra, giám sát việc thu hồi nợ xấu tại BIDV.

Nợ xấu vẫn cao

BIDV hiện là ngân hàng có lượng nợ xấu cao nhất với gần 14.000 tỷ đồng nợ xấu. Tuy nợ có khả năng mất vốn đã giảm hơn 1.700 tỷ đồng nhưng vẫn ở mức khá cao là 5.200 tỷ đồng.


Ôm nhiều "nợ xấu", BIDV vào tầm ngắm kiểm toán Nhà nước - Ảnh 1
Nợ xấu tại các Ngân hàng thương mại năm 2017- số liệu: BCTC



Theo báo cáo tài chính năm 2018, tổng số nợ xấu nội bảng của ngân hàng tại thời điểm cuối năm 2018 lên tới 18.802 tỷ đồng, tăng hơn 2.100 tỷ đồng so với con số trong báo cáo tự lập (16.697 tỷ đồng).

Theo đó, tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2018 của BIDV là 1,91%/tổng cho vay, thay vì mức 1,69% như ngân hàng công bố trước đó.

Tuy nhiên, tổng tài sản cuối năm 2017 đạt 1,17 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,7% so với 2016, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng đạt 8.800 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2018, tổng thu nhập hoạt động của BIDV đạt 44.483 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2017. Lợi nhuận trước thuế của BIDV 9.4723 tỷ đồng, tăng nhẹ 9% so với năm 2017.

Nguồn gốc của nợ xấu

BIDV đã phải gánh chịu di sản nợ xấu từ thời ông Trần Bắc Hà làm chủ tịch HĐQT. Thời kỳ cầm quyền của ông Trần Bắc Hà đã thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của BIDV, trở thành một trong 4 ngân hàng mạnh của hệ thống. Tuy nhiên, cũng “góp phần” đẩy nợ xấu tăng vọt.

Theo báo cáo tài chính của 11 ngân hàng công bố vào tháng 8/2016 (thời điểm ông Hà nghỉ hưu) BIDV là ngân hàng có tổng số nợ xấu cao nhất, lên tới 13.183 tỉ đồng, tăng 35,95% so với cuối năm 2015.

Vì vậy, thống đốc Lê Minh Hưng từng cho rằng một trong những lý do nợ xấu cao chính là rủi ro về đạo đức của một bộ phận cán bộ ngân hàng, thoái hóa biến chất và lợi dụng chức vụ quyền hạn, câu kết với khách hàng để cố ý làm trái các quy định.

Năm 2017, nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các NHTM được triển khai, BIDV đứng trước một thời cơ mới, có thể sẽ xử lý nợ xấu nhanh hơn, hiệu quả hơn hoặc có thể vẫn trì trệ.

Ban lãnh đạo BIDV lập ra giải pháp triển khai Nghị quyết 42 với các nội dung như: Thành lập nhóm công tác giúp ban chỉ đạo triển khai các công việc, Bố trí đủ cán bộ có trình độ nghiệp vụ, đạo đức vào các dây chuyền xử lý nợ,…

Tuy nhiên, đã gần 2 năm triển khai, đến nay nợ xấu của BIDV vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực.

Hà Phương(t/h)


KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục