'Ông lớn' ngân hàng thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, lo ngại Covid-19 nhiều nhà băng phải dời lịch họp cổ đông

Tuần qua, do lo ngại dịch Covid-19, hàng loạt ngân hàng dời lịch họp cổ đông. Đáng chú ý, vụ án tại BIDV sai phạm gây thiệt hại hơn 1.548 tỷ đồng, truy nã quốc tế con trai ông Trần Bắc Hà. Ngoài ra, liên quan đại án tại Công ty Bình Hà, MBBank mất trắng gần 500 tỷ đồng.

Truy nã quốc tế con trai ông Trần Bắc Hà

Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV ).

'Ông lớn' ngân hàng thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, lo ngại Covid-19 nhiều nhà băng phải dời lịch họp cổ đông - Ảnh 1
Sai phạm của ông Trần Bắc Hà gây thiệt hại cho BIDV hơn 1.548 tỷ đồng.

 
Theo bản kết luận điều tra, ông Trần Bắc Hà trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV từ năm 2008 đến khi nghỉ hưu tháng 9/2016 đã lợi dụng chức vụ và quyền hạn của mình vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của BIDV, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo điều hành.

Cụ thể, ông Hà cho chỉ đạo thành lập hai công ty gồm: Công ty CP Tập đoàn An Phú (do Trần Duy Tùng, con trai ông Hà làm chủ) và Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà. Sau đó, ông Hà đã chỉ đạo phê duyệt cấp tín dụng với các ưu đãi trái quy định của Ngân hàng Nhà nước và BIDV. Trong khi hai công ty sân sau của ông Hà không đủ năng lực tài chính vốn tự có để thực hiện dự án, cũng không đủ điều kiện để cấp tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và BIDV.

Việc cho vay tiền đã gây thiệt hại cho BIDV, trong đó Công ty Bình Hà gây thiệt hại hơn 683 tỷ đồng và khoản vay đối với Công ty Trung Dũng hơn 864 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra khẳng định trách nhiệm cao nhất và xuyên suốt dẫn đến sai phạm của BIDV hội sở và Chi nhánh Hà Tĩnh thuộc về cá nhân ông Hà. Ông Hà là người chỉ đạo, thẩm định, phê duyệt và cấp tín dụng cho hai công ty trên vay tiền dẫn tới thiệt hại hơn 1.548 tỷ đồng của BIDV.

'Ông lớn' ngân hàng thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, lo ngại Covid-19 nhiều nhà băng phải dời lịch họp cổ đông - Ảnh 2
Ông Trần Duy Tùng - Chủ tịch CTCP Tập đoàn An Phú, là con của ông Trần Bắc Hà.

Cơ quan Điều tra cũng xác định, ông Trần Duy Tùng - Chủ tịch CTCP Tập đoàn An Phú, là con của ông Trần Bắc Hà tuy không trực tiếp tham gia vào Công ty Bình Hà hoặc đứng tên sở hữu cổ phần nhưng Tùng là chủ đứng thứ 2 sau ông Trần Bắc Hà, là người trực tiếp nhờ ông Nguyễn Gia Thiều, đứng danh nghĩa Chủ tịch HĐQT Công ty Bình Hà, nhờ Thái Thành Vinh và Trần Anh Quang đứng tên sở hữu cổ phần Công ty Bình Hà; giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu trong việc chỉ đạo 3 cổ đông Đinh Văn Dũng, Trần Anh Quang và Thái Thành Vinh lợi dụng sự tin tưởng của BIDV, thông qua hoạt động bán bò, thu tiền không nộp về tài khoản của Công ty Bình Hà để BIDV kiểm soát và thu hồi vốn theo quy định, mà chiếm đoạt gây thiệt hại cho BIDV gần 150 tỷ đồng.

Hành vi của Trần Duy Tùng đã phạm vào tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Do đó, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra Quyết định truy nã số 12/C03-13 ngày 9/5/2019, truy nã trong nước và quốc tế đối với Trần Duy Tùng.

Dính 'đại án' tại BIDV, MBBank 'mất' gần 500 tỷ đồng?

Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an mới đây đã công bố kết luận vụ án hình sự “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà và Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng”.

Theo nội dung hợp đồng, MBBank sẽ cấp tín dụng cho Công ty Trung Dũng với hạn mức cam kết tối đa 300 tỷ đồng; giá trị hạn mức bảo lãnh thanh toán tối đa là 200 tỷ đồng. Mục đích là để tài trợ vốn lưu động, mở L/C nhập khẩu phục vụ hoạt động kinh doanh năm 2011 các mặt hàng thép, phôi thép, các loại than. Thời hạn hợp đồng đến hết 31/12/2012.

Tài sản thế chấp cho hạn mức là quyền đòi nợ phát sinh theo hợp đồng kinh tế giữa Công ty Trung Dũng và Công ty Hà Nam trị giá 65 tỷ đồng và quyền đòi nợ phát sinh bảng đối chiếu công nợ tháng 10/2011 giữa Công ty Trung Dũng Và Công ty Hà Nam trị giá 607 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm 30/9/2011, MBBank đã thực hiện giải ngân theo 6 khế ước nhận nợ với tổng sổ tiền là 246 tỷ đồng. Tổng nợ tạm tính đến ngày 4/4/2019 là 477,82 tỷ đồng, khoản tiền này bao gồm nợ gốc là 133,783 tỷ đồng, còn lại là nợ lãi.

Tuy nhiên, hiện tại Công ty Trung Dũng không có khả năng trả nợ đối với khoản nợ này.

'Ông lớn' ngân hàng thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, lo ngại Covid-19 nhiều nhà băng phải dời lịch họp cổ đông - Ảnh 3
MBBank không có khả năng thu hồi khoản nợ 478 tỷ đồng, các khoản vay không còn tài sản đảm bảo.


Trước đó, vào tháng 9/2009, MBBank còn mua 50 tỷ trái phiếu của Trung Dũng phát hành dưới sự bảo lãnh thanh toán 5 năm của BIDV. Đến tháng 7/2014, BIDV đã thực hiện bảo lãnh thanh toán cho MBBank gốc trái phiếu là 50 tỷ, Công ty Trung Dũng còn nợ MBBank 4,34 tỷ đồng tiền lãi trái phiếu.

Kết luận điều tra của Bộ Công an xác định, MBBank "không có khả năng thu hồi khoản nợ 477,82 tỷ đồng, các khoản vay còn dư nợ hiện không còn tài sản đảm bảo".

Tuy nhiên, theo MBBank, đối với khoản nợ này, ngân hàng đã khởi kiện khách hàng tại TAND quận Hai Bà Trưng và đã được Tòa án thụ lý giải quyết. Cơ quan điều tra cho rằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc cho vay. Tuy nhiên do chưa thu thập đầy đủ tài liệu nên chưa có căn cứ đánh giá việc MBBank thẩm định, đánh giá và quyết định cho vay có tuân thủ các quy định của pháp luật hay không.

Trong một phản hồi tới báo chí mới đây, phía MBBank cho biết: MB không phải là đối tượng điều tra của vụ đại án BIDV. Trong vụ việc này, MB chỉ là đơn vị liên quan, cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra về vụ việc. Ngoài ra, vụ việc hiện đang được tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng thụ lý, nên chưa có kết luận cuối cùng về khả năng chi trả khoản nợ của công ty Trung Dũng với MB.

Lo ngại dịch Covid-19, loạt ngân hàng hoãn đại hội cổ đông.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank - MBB) vừa thông qua việc lùi thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 chậm nhất đến cuối tháng 6/2020.

Tương tự, SeABank, ACB, Techcombank và Eximbank cũng đã thông báo hoãn và lùi thời gian tổ chức đại hội nhằm đảm bảo việc phòng, chống dịch Covid-19.

'Ông lớn' ngân hàng thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, lo ngại Covid-19 nhiều nhà băng phải dời lịch họp cổ đông - Ảnh 4
Lo ngại dịch Covid-19, loạt ngân hàng hoãn đại hội cổ đông.


Tác động của dịch bệnh cũng khiến các ngân hàng phải cân nhắc lại kế hoạch kinh doanh trong năm nay, khi trước mắt phải tập trung đánh giá cơ cấu lại nợ bị ảnh hưởng, hỗ trợ tín dụng với lãi suất thấp cho các khách hàng gặp khó khăn.

Trong dự kiến ban đầu, cao điểm mùa ĐHĐCĐ ngành ngân hàng năm nay rơi vào nửa cuối tháng 4. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã có văn bản yêu cầu các nhà băng chủ động phối hợp với NHNN chi nhánh trên địa bàn xin ý kiến của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương về việc tổ chức đại hội cổ đông/đại hội thành viên để có hình thức tổ chức phù hợp hoặc xin lùi thời điểm tổ chức.

Đảm bảo nghiêm ngặt việc phòng, chống dịch Covid-19 trong điều kiện có nhiều diễn biến phức tạp theo đúng chỉ đạo và hướng dẫn của chính quyền địa phương, các cấp, các ngành có thẩm quyền.

Hiện chỉ có một ngân hàng đã tổ chức xong ĐHĐCĐ thường niên 2020 là BIDV (diễn ra ngày 7/3/2020).

Theo Hà Phương (T/H)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục