Ông Trần Bắc Hà chính thức nghỉ hưu từ 1/9, ông Trần Anh Tuấn lên thay

(Kinhdoanhnet) - Ông Trần Anh Tuấn sẽ chính thức đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT của BIDV sau khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu từ hôm nay ngày 1/9.

 

Ông Trần Bắc Hà chính thức nghỉ hưu từ 1/9, ông Trần Anh Tuấn lên thay - Ảnh 1
Ông Trần Anh Tuấn sẽ thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch HĐQT từ 1/9/2016.

Ngày 01/9/2016, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã có công văn số 2651/BIDV-TKHĐQT gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội, công bố thông tin ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội từ ngày 1/9/2016.

Người được giao phụ trách điều hành hoạt động của HĐQT kể từ ngày này là ông Trần Anh Tuấn, Ủy viên HĐQT của BIDV. Ông Trần Anh Tuấn sẽ thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch HĐQT từ 1/9/2016.

Ông Tuấn sinh năm 1958, kém ông Trần Bắc Hà 2 tuổi. Từ năm 1981, ông Tuấn đã làm việc tại BIDV với các chức vụ như: Giám đốc Chi nhánh BIDV tại Gia Lai-Kon Tum, Phó Tổng Giám đốc BIDV.

Từ tháng 01/2008 đến tháng 04/2012, ông đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc BIDV. Từ năm 2012, ông đảm nhận vị trí Ủy viên HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

Ngày 19/8/2016 vừa qua, ông Trần Bắc Hà, chủ tịch Ngân hàng BIDV tròn 60 tuổi. Theo đúng quy định, ông sẽ rời nhiệm sở sau 35 năm gắn bó với nhà băng này và về hưu kể từ ngày 1/9.  Ông Trần Bắc Hà làm việc tại BIDV từ năm 1981 với khởi điểm là chi nhánh Bình Định – quê hương của ông, rồi sau đó lần lượt kinh qua các vị trí Giám đốc của các chi nhánh, các công ty con của BIDV. Từ năm 1999, ông Bắc Hà làm Phó Tổng giám đốc BIDV và đến năm 2003 làm Tổng giám đốc. Sau 5 năm ở cương vị CEO, ông Bắc Hà lên giữ ghế chủ tịch từ 2008 và tiếp tục ở vị trí này cho đến nay.

Ông Hà còn được biết đến trong vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC), sang Lào (AVIL) và sang Myanmar (AVIM).

Dưới thời ông Bắc Hà làm sếp ở BIDV, ngân hàng đã không ngừng lớn mạnh. Từ một ngân hàng với nguồn vốn chưa đến 13.500 tỷ vào năm 2008 thì nay đã đạt hơn 34.000 tỷ. Tổng tài sản của ngân hàng từ dưới 250 nghìn tỷ trong cùng thời gian đã tăng lên trên 930 nghìn tỷ, chiếm xấp xỉ 13% tổng tài sản của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và trở thành ngân hàng lớn nhất Việt Nam. Lợi nhuận ngân hàng từ quanh mức 2.000 - 3.000 tỷ giờ đây đạt 6.000 - 8.000 tỷ/năm.

Nhân sự của BIDV từ chỉ hơn chục nghìn người nay đã lên đến 24.000 người – nhiều nhất trong số các ngân hàng thương mại cổ phần và chỉ đứng sau Agribank (hơn 40.000 người) trong toàn hệ thống. Không chỉ có độ phủ dày đặc khắp cả nước, thương hiệu ngân hàng BIDV còn được hiện diện ở các nước như Lào, Campuchia, Myanmar. Ngân hàng cũng đã cổ phần hóa và đang giao dịch trên sàn chứng khoán với mã BID.

Ngoài ra, ngân hàng có 6 công ty con và 7 công ty liên kết trong hầu khắp các lĩnh vực tài chính từ bảo hiểm, xử lý nợ, chứng khoán, cho thuê tài chính, quản lý quỹ cho đến …cho thuê máy bay.

Với thị trường tài chính Việt nói chung, ông Trần Bắc Hà là cái tên nổi bậc nhất trong số các đại gia và ông chủ. Mỗi sự kiện có sự hiện diện của ông đều thu hút được sự chú ý. Những phát biểu của ông Hà cũng được dư luận đặc biệt quan tâm. Ông Trần Bắc Hà dù không phải là ông chủ thực sự của ngân hàng mà chỉ là người làm thuê và do Nhà nước chỉ định đại diện vốn, nhưng nói đến BIDV không thể không nhắc tới Trần Bắc Hà.

Khánh Ngân (Theo Trí thức trẻ, Infonet)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục