Phương án bán cổ phần tăng vốn của DongA Bank bất thành; Một loạt ngân hàng cảnh báo lừa đảo,...

Phương án chào bán cổ phần để bổ sung vốn điều lệ của ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) không được thông qua do kết quả bỏ phiếu chỉ có 63% số cổ đông đồng ý (65% đồng ý mới đạt yêu cầu).

Lối thoát nào cho DongA Bank?

Ngày 12/10 DongA Bank tổ chức đại hội cổ đông bất thường năm 2019 sau 4 năm không tổ chức đại hội, kể từ khi bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 8/2015.

Sau khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, cổ đông của DongA Bank cũng không được chuyển nhượng cổ phần, ngân hàng cũng không công bố báo cáo tài chính.

Đến này 14/10, DongA Bank phát thông cáo cho biết, đại hội cổ đông đã không thông qua phương án chào bán cổ phần để bổ sung vốn điều lệ theo quy định tại Điều 144 Luật Doanh nghiệp 2014.

Phương án bán cổ phần tăng vốn của DongA Bank bất thành; Một loạt ngân hàng cảnh báo lừa đảo,... - Ảnh 1

Hội đồng quản trị DongA Bank cho biết sẽ báo cáo Ngân hàng Nhà nước để NHNN Việt Nam xem xét cơ cấu lại ngân hàng theo phương án khác theo quy định của pháp luật. Nguyên tắc cốt lõi khi thực hiện tái cơ cấu ngân hàng này là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời đảm bảo an toàn và hoạt động của ngân hàng Đông Á cũng như hệ thống ngân hàng.

Được biết, tính đến ngày 31/12/2018, kết quả hoạt động kinh doanh của DongA Bank có lỗ lũy kế, nguồn vốn chủ sở hữu bị âm. Do nguồn vốn chủ sở hữu bị âm nên Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) phải cấp thiết bổ sung vốn điều lệ nhằm đảm bảo giá trị thực của vốn tối thiểu 3.000 tỷ đồng theo quy định. Nội dung này là một trong những tờ trình quan trọng được ban lãnh đạo DongA Bank trình đại hội đồng cổ đông năm 2019, diễn ra sáng 12/10.

Trước đó, lý giải về sự cần thiết của phương án tăng vốn, ngân hàng cho biết thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và Ban kiểm soát đặc biệt, DongA Bank đã thuê Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam đánh giá thực trạng tài chính và xác định giá trị thực của vốn điều lệ, các quỹ dự trữ của ngân hàng tại 31/12/2018.

Theo đó, cuối năm ngoái, tổng tài sản hợp nhất của ngân hàng này đạt 33,221 tỷ đồng. Tổng huy động vốn từ khách hàng 60.794 tỷ đồng. Mức vốn ngoài ngân hàng và công ty con cần bổ sung là 33.480 tỷ đồng. Tổng trích dự phòng rủi ro cho các hoạt động đến cuối năm 2018 là hơn 27.500 tỷ đồng...

Một loạt ngân hàng cảnh báo lừa đảo

Các ngân hàng khuyến cáo khách hàng đề phòng trước các hình thức lừa đảo, giả mạo nhằm mục đích đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tiền.

Phương án bán cổ phần tăng vốn của DongA Bank bất thành; Một loạt ngân hàng cảnh báo lừa đảo,... - Ảnh 2
Ảnh minh họa

Mới đây, Vietcombank đã phát đi cảnh báo về tình trạng tội phạm lừa đảo đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

Theo đó, các đối tượng tội phạm dùng nhiều thủ đoạn lừa đảo như giả là nhân viên ngân hàng; nhân viên các đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan đến ngân hàng (đặc biệt là ví điện tử); mạo danh cơ quan công an, tòa án; thậm chí là người thân, người mua hàng… để lừa lấy thông tin tài khoản của khách hàng, thực hiện hành vi rút tiền trái phép trong tài khoản.

Ngoài ra, Vietcombank cũng cho biết có trường hợp khách hàng đang sử dụng ví điện tử đăng tải câu hỏi lên website/fanpage của nhà cung cấp. Đối tượng lừa đảo mạo danh là nhân viên của nhà cung cấp để liên hệ với khách hàng và hỏi về vướng mắc khi sử dụng dịch vụ. Sau đó, đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin các dịch vụ ngân hàng như là bước để khắc phục lỗi dịch vụ.

Một cảnh báo khác của MB cũng đã gửi tới khách hàng về việc cảnh giác trong các giao dịch ngân hàng. Đơn vị này khuyến cáo khách hàng không cung cấp tài khoản giao dịch online, mobile banking, mã OTP hoặc thực hiện giao dịch chuyển tiền theo yêu cầu từ người khác, bao gồm cả nhân viên ngân hàng.

Trước đó, BIDV cũng phát đi thông báo khuyến cáo khách hàng tuyệt đối cảnh giác và luôn xác minh mọi lời mời chào từ những người lạ, có nhiều dấu hiệu khả nghi. Các loại phí dịch vụ liên quan đến giao dịch đều được BIDV thu trực tiếp từ khách hàng và cung cấp chứng từ hợp lệ. Biểu phí dịch vụ được niêm yết công khai tại các điểm giao dịch và trang web chính thức của ngân hàng.

Do đó, khách hàng không cần nộp bất cứ loại phí nào khi chưa kiểm tra tính phù hợp với biểu phí của BIDV và không chuyển tiền phí qua một tổ chức, cá nhân nào khác.

Với VPBank, ngân hàng này khẳng định bất cứ ai yêu cầu khách hàng cung cấp mã OTP đều là lừa đảo.

Theo nhà băng này, thủ đoạn mạo danh nhân viên ngân hàng là chiêu thức được tội phạm sử dụng nhiều nhất bởi nhiều khách hàng có tâm lý tin tưởng và không đề phòng từ phía ngân hàng. Sau đó, chúng sẽ yêu cầu khách cung cấp mã OTP, số chứng minh thư nhân dân để nhận số tiền trên hệ thống.

Tại Agribank, gần đây ngân hàng liên tục xảy ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt thông tin về tài khoản cá nhân tại ngân hàng. Trong đó các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều chiêu thức tinh vi khác nhau để trộm tiền của khách hàng.

Trong đó, các thủ đoạn thường gặp là đối tượng gian lận chủ động liên hệ với khách hàng qua điện thoại, mạng xã hội, email với nội dung lừa khách hàng tự chuyển tiền; đánh cắp thông tin bảo mật…

Hàng loạt ngân hàng thương mại khác như BacABank, LienVietPostBank, OceanBank, Techcombank,… cũng cảnh báo tới khách hàng của mình về những thủ đoạn lừa đảo tương tự nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

Mùa báo cáo tài chính quý 3 của các ngân hàng đã bắt đầu thu hút sự chú ý của thị trường.

Phương án bán cổ phần tăng vốn của DongA Bank bất thành; Một loạt ngân hàng cảnh báo lừa đảo,... - Ảnh 3
Ảnh minh họa.

9 tháng đầu năm nay, lợi nhuận ngân hàng Vietcombank ghi nhận mức cao kỷ lục 17.592 tỷ đồng, tăng 50,6% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt gần 86% kế hoạch của cả năm.

Trong đó, riêng ngân hàng mẹ đạt lợi nhuận 17.250 tỷ đồng. Các chỉ số ROAA, ROAE đạt tương ứng là 1,65% và 25,75%, tăng mạnh so với năm 2018 và cao hơn hẳn so với mặt bằng chung ngành tài chính ngân hàng.

Tiếp theo là ngân hàng MB. Trong 9 tháng đầu năm nay lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đã đạt 7.086 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2018. Thu nhập lãi thuần tăng 16% lên 3.734 tỷ đồng, trong khi thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 38% lên 368,4 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động kinh doanh khác tăng 1,5 lần lên 887 tỷ đồng, đồng thời hoạt động đầu tư góp vốn dài hạn cũng chuyển từ âm 48 tỷ đồng năm trước sang có lãi 160 tỷ đồng trong năm nay.

Tại thời điểm 30/9, MB ghi nhận tổng tài sản ở mức 385.516 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cuối năm trước. Tiền gửi khách hàng đạt 255.627 tỷ đồng, tăng 6,2%. Dư nợ tăng 11% lên gần 230.143 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm 30/09/2019, nợ xấu của MBBank tăng 23% lên mức 3.111 tỷ đồng so với đầu kỳ. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng mạnh.

Cụ thể, nợ nhóm 5 tăng đến 40% lên mức 1.345 tỷ đồng, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 9% lên 952.77 tỷ đồng, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 16% lên mức 813.95 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này tăng từ 1,22% lên mức 1,35 %.

Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ ở mức 1,35%, tăng so với con số 1,22% cuối năm trước.

Sacombank cũng là một trong những ngân hàng thông tin sớm nhất về kết quả kinh doanh. Trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 2.491 tỷ đồng, tăng 89,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản đạt 450.200 tỷ đồng; huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 408.882 tỷ đồng; cho vay đạt 290.934 tỷ đồng.

Từng là 1 trong 5 ngân hàng tư nhân lớn mạnh nhất, Sacombank đã đi xuống kể từ sau thương vụ nhận sáp nhập Ngân hàng Phương Nam vào năm 2015. Tuy nhiên sau hơn 2 năm tái cơ cấu và nỗ lực xử lý nợ xấu (từ 2017 tới nay), kết quả kinh doanh của Sacombank 9 tháng vừa qua đã ghi nhận lạc quan.

Saigonbank cũng ghi nhận kết quả đột biến trong quý 3 năm nay. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế đạt 132 tỷ đồng, cao gấp 13 lần cùng kỳ năm 2018. Tính đến hết ngày 30/9/2019, tổng tài sản của Saigonbank ở mức 22.077 tỷ đồng, tăng 8,4% so với hồi đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay đạt 14.511 tỷ đồng, tăng 6,1%.Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 2,02%.

Ngân hàng Quốc Tế (VIB) đạt lợi nhuận sau thuế 2.332 tỷ đồng. Doanh thu của ngân hàng đạt 5.870 tỷ đồng. Doanh thu phí đạt 1.275 tỷ đồng, chiếm 22% tổng doanh thu. Thu nhập khác từ hoạt động thu hồi nợ xấu cũng tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lũy kế từ 15/8/2017 (thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến 31/8/2019, toàn hệ thống đã xử lý được 236,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42.

Hà Phương(t/h)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục