PVcomBank và những khoản cho vay kém hiệu quả

(Kinhdoanhnet) – Đã gần 3 năm kể từ sau vụ “hôn nhân” giữ Tổng Công ty CP Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVF) và Ngân hàng TMCP Phương Tây (WesternBank) diễn ra và thành lập cái tên Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank). Vậy 3 năm qua PVcomBank hoạt động ra sao?

Dư nợ cho vay “dậm chân tại chỗ”

Đã gần 3 năm kể từ khi cái tên PVcomBank xuất hiện trên thị trường ngân hàng, mang theo nhiều kỳ vọng với việc thừa hưởng tiềm lực tài chính mạnh mẽ từ PVF và những lợi thế có sẵn của WesternBank thế nhưng cho đến nay PVcomBank vẫn đang loay hoay với việc cho vay của mình. Qua từng năm, khoản huy động vốn tại ngân hàng này vẫn tăng trưởng khá đều đặn thế nhưng cho vay gần như “dậm chân tại chỗ”. Điều tồi tệ hơn là thu nhập lãi thuần ngân hàng lại liên tục âm, duy chỉ có năm 2015 là báo lãi dương 410 tỷ đồng, con số vẫn rất nhỏ so với quy mô của PVcomBank.

Cụ thể, huy động vốn của PVcombank qua từng năm lần lượt năm 2013 đạt 49.181 tỷ đồng; năm 2014 đạt 70.955 tỷ đồng; năm 2015 đạt 64.720 tỷ đồng tương ứng khoản cho vay qua các năm của PVcomBank chỉ đạt lần lượt 41.126 tỷ đồng; 42.370 tỷ đồng; 40.170 tỷ đồng.

Năm 2013, PVcomBank lỗ thuần 72 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 28 tỷ đồng; thì bước sang năm 2014, khoản lỗ thuần này lên tới 523 tỷ đồng, thế nhưng lãi ròng sau thuế ngân hàng lại tăng lên đạt 167 tỷ đồng, nguyên nhân là do khoản lãi hơn 1.000 tỷ đồng từ kinh doanh hoạt động khác đã kéo kết quả kinh doanh của PVcomBank lên rất nhiều. Năm 2015, khi thu nhập lãi thuần của PVcomBank đạt 410 tỷ đồng, thì lãi ròng ngân hàng lại giảm chỉ còn 72 tỷ đồng, do trong kỳ chi phí hoạt động tăng cao cùng với khoản lỗ hơn 100 tỷ đồng từ mua bán chứng khoán đầu tư mà PVcomBank đã tham gia.

Dù những hoạt động kinh doanh ngoài ngành mang lại rất nhiều lợi nhuận cho PVcomBank nhưng vấn đề PVcomBank thực sự gặp phải chính là việc cho vay kém hiệu quả dẫn tới thu nhập lãi thuần ngân hàng quá thấp.

Hàng ngàn tỷ đồng cho vay kém hiệu quả

Mới đây, trong Báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2015 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã nêu ra những khoản dư nợ cho vay kém hiệu quả của PVcomBank.

Trong phần thuyết minh BCTC về khoản phải thu về cho vay của PVN có nêu các khoản phải thu về cho vay khác chủ yếu phản ánh các khoản mà PVcomBank cho các tổ chức, cá nhân trong nước vay.

Khoản cho vay Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ (SBIC) trước đây là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin), Tổng Công ty Hằng Hải Việt Nam (Vinalines) và các đơn vị thành viên đã được xem xét khoanh nợ, cơ cấu nợ và phân loại nợ theo chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước.

Theo đó, PVcomBank giữ nguyên trạng thái nợ hiện tại đối với SBIC từ năm 2009 và Vinalines từ năm 2011. Tại ngày 31/12/2015, dư nợ của PVcomBank tại một số công ty thuộc SBIC là hơn 807 tỷ đồng, lãi dự thu hơn 92 tỷ đồng; một số công ty thuộc Vinalines vay là 491 tỷ đồng (không bao gồm dư nợ của Vinalines), lãi dự thu là 22,5 tỷ đồng. PVcomBank đã trích lập 46,5 tỷ đồng dự phòng đối với các khoản nợ này.

Một số khoản cho vay đối với nhóm khách hàng Vinashin, Vinalines, nhóm khách hàng liên quan đến cổ đông cũ của WesternBank và nhóm khách hàng trước đây chưa được xác định kỳ hạn trả nợ hợp lý tại thời điểm 30/9/2015 với dư nợ lần lượt là 2.180 tỷ đồng và 6.560 tỷ đồng tại ngày 31/12/2015. Theo đề án tái cấu trúc, PVcomBank giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại tại ngày 30/9/2015 đối với các khoản cho vay này.

Đồng thời PVcomBank cũng có khoản cho vay lên tới 2.857 tỷ đồng với khách hàng ở lĩnh vực bất động sản, và 4.324 tỷ đồng ở lĩnh vực vận tải biển được phân loại tại thời điểm 31/12/2013. Theo ý kiến của kiểm toán viên, mặc dù một số khoản nợ nêu trên cần được chuyển sang nhóm nợ có rủi ro cao hơn theo các quy định hiện tại về phân loại nợ, nhưng PVcomBank đã không thực hiện phân loại lại nhóm nợ cũng như không tiến hành trích lập dự phòng bổ sung và không thoái thu số lãi dự thu tương ứng tại ngày 31/12/2015.

PVcomBank và những khoản cho vay kém hiệu quả - Ảnh 1

Hàng nghìn tỷ đồng cho vay của PVcomBank chưa được phân loại lại và trích lập dự phòng bổ sung. Ảnh. QT.

Đối với khoản vay của CTCP Hàng hải Đông Đô có tài sản đảm bảo là tàu Đông Mai và Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ để tài trợ cho dự án kho nổi FSO-5 với số dư tại ngày 31/12/2015 lần lượt là 166 tỷ đồng và 26,5 tỷ đồng. PVcomBank và các đơn vị đang tiếp tục trao đổi để xác định và thống nhất số dư nợ gốc và lãi phải trả hoặc được cấn trừ bằng tài sản đảm bảo.

Ngoài ra, PVcomBank cũng cho một tổ chức tín dụng vay tổng cộng 765 tỷ đồng và đã đến hạn thanh toán ngày 8/8/2012, khoản nợ này đã được gia hạn đến ngày 30/5/2015, nhưng. Nhưng đến hết ngày 31/12/2015, PVcomBank vẫn chưa thu hồi được gốc và lãi của khoản vay này. Hiện PVcomBank đã thực hiện phong toả 150 tỷ đồng để đảm bảo thanh toán lãi và chưa thực hiện trích lập dự phòng cụ thể đối với khoản vay này với giá trị gần 32 tỷ đồng.

PVcomBank và những khoản cho vay kém hiệu quả - Ảnh 2

Đến thời điểm hiện tại gần 765 tỷ đồng nợ quá hạn thanh toán mà PVcomBank chưa thể thu hồi. Ảnh. QT.

Theo số liệu công bố tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 của PVcomBank, thì tỷ lệ nợ xấu hiện tại của ngân hàng là xấp xỉ 1,9%. Nếu thực hiện chuyển nhóm nợ với các khoản nợ nêu trên theo quy định hiện hành có thể tỷ lệ nợ xấu của PVcomBank sẽ cao hơn rất nhiều.

Không trích lập dự phòng hàng trăm tỷ đồng

Theo BTCT của PVN cũng cho biết tại 31/12/2015, PVcomBank có khoản lãi phải thu quá hạn hơn 301,6 tỷ đồng, đây là phần lãi phải thu còn lại sau khi đã thực hiện hoàn trả dư nợ gốc và lãi theo phương pháp xử lý được thống nhất giữa 2 bên. Như vậy, đúng ra PVcomBank phải trích lập dự phòng đầy đủ với khoản 301,6 tỷ đồng này nhưng PVcomBank đã không làm điều đó.

Ngoài ra PVcomBank cũng không tiến hành trích lập với các khoản đầu tư vào trái phiếu kinh doanh, dự phòng bổ sung. Theo ý kiến của kiểm toán viên, các khoản trích lập dự phòng này có thể lên tới 136 tỷ đồng.

Quang Thắng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục