Quý I/2019: Tiền gửi khách hàng tại BIDV vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, lỗ gần 400 tỷ vì đầu tư chứng khoán

Kết thúc quý I/2019, BIDV ghi nhận 7.707 tỷ đồng lợi nhuận thuần, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo BCTC hợp nhất quý I/2019, tuy cho vay của BIDV tăng trưởng tốt vượt mốc 1 triệu tỷ đồng (tăng 3,6% so với quý I/2018) nhưng thu nhập lãi thuần lại giảm 6,8%, chỉ đạt 8.545 tỷ đồng.

Quý I/2019: Tiền gửi khách hàng tại BIDV vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, lỗ gần 400 tỷ vì đầu tư chứng khoán - Ảnh 1


Các hoạt động liên quan đến chứng khoán của BIDV cũng giảm mạnh. Cụ thể, lãi từ mảng mua bán chứng khoán kinh doanh giảm chỉ gần bằng 1/13 lần quý I/2018, từ mức 528 tỷ đồng còn 38,7 tỷ đồng; mảng mua bán chứng khoán đầu tư tiếp tục lỗ lên tới 389 tỷ đồng, cùng kỳ 2018 lỗ 16,6 tỷ đồng.

Trong khi đó, các hoạt động kinh doanh khác mang lại kết quả khả quan hơn khi lãi từ hoạt động khác tăng vọt 1,1 lần lên mức 1.264 tỷ đồng (tuy nhiên khoản mục này không được thuyết minh cụ thể trong báo cáo tài chính); Lãi từ ngoại hối tăng gần 50%, đạt 322 tỷ đồng; Lãi từ dịch vụ tăng 17,6%, đạt 876 tỷ đồng; Thu từ góp vốn mua cổ phần tăng nhẹ 11% lên 47 tỷ đồng.

Quý I/2019: Tiền gửi khách hàng tại BIDV vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, lỗ gần 400 tỷ vì đầu tư chứng khoán - Ảnh 2


Trong quý I, chi phí hoạt động của BIDV tăng nhẹ 7,8% so với cùng kì năm 2018 lên mức 2.998 tỷ đồng.

Về khoản mục chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, BIDV mạnh tay trích lập tới 5.186 tỷ đồng, nhưng vẫn giảm 13,7% so với cùng kỳ ở mức 6.013 tỷ đồng.

Do đó, lợi nhuận trước thuế quý I/2019 của BIDV chỉ tăng 1,4% so với cùng kỳ 2018 và đạt 2.521 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.025 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 0,2%.

Cũng theo BCTC quý I/2019, tính đến ngày 31/03/2019 tổng tài sản của BIDV đạt 1.343 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ 2,3% so với đầu năm.

Dư nợ cho vay của BIDV đạt 1.024 nghìn tỷ đồng, tăng 3,6%. Nợ xấu xấp xỉ 17,9 nghìn tỷ, giảm 927 tỷ tương đương giảm 4,9% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,74%, giảm so với mức 1,9% đầu năm nay.

Tính đến hết quý I/2019, trong các “ông lớn ngân hàng” đã công bố báo cáo tài chính quý I/2019 mới có BIDV đạt trên 1 triệu tỷ đồng tiền gửi khách hàng. Những thành viên lớn như Vietcombank đạt 838 nghìn tỷ đồng, Vietinbank đạt gần 825 nghìn tỷ đồng.

Quý I/2019: Tiền gửi khách hàng tại BIDV vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, lỗ gần 400 tỷ vì đầu tư chứng khoán - Ảnh 3
Kết quả kinh doanh quý I/2019 (đơn vị: tỷ đồng)


Về thu nhập lãi thuần, BIDV cũng là ngân hàng có thu nhập cao nhất trong số 3 ngân hàng, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại tụt xuống vị trí thấp nhất chỉ đạt 2.025 tỷ đồng, có thể thấy tổng lợi nhuận sau thuế của cả BIDV và Vietinbank trong quý I cộng lại vẫn chưa bằng lợi nhuận của Vietcombank.

Tính từ đầu năm 2019 đến nay, giá cổ phiếu BID cũng có sự biến động khá mạnh khi đạt đỉnh ở mức giá 37.330 đồng vào giữa tháng 3, sau đó lao dốc khá nhanh. Kết thúc phiên ngày 7/5/2019, BID đạt mức giá 33.100 Đồng/cổ phiếu, giảm 2,5% so với đầu năm 2019.

Quý I/2019: Tiền gửi khách hàng tại BIDV vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, lỗ gần 400 tỷ vì đầu tư chứng khoán - Ảnh 4
Diễn biến cổ phiếu BID

 

Lê Na


KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục