Sắp có biến tại Eximbank, nợ nhóm 5 tại Techcombank tăng 36%,...

Tuy chưa hết năm 2019 nhưng Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu VN (Eximbank - EIB) đã công bố thông tin bất thường liên quan đến Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020.

Eximbank bất ngờ chốt danh sách cổ đông cho đại hội thường niên năm 2020

Hội đồng Quản trị của Eximbank (HoSE: EIB) vừa thống nhất lộ trình tổ chức họp ĐHCĐ thường niên 2020 dự kiến vào ngày 22/4/2020.

Sắp có biến tại Eximbank, nợ nhóm 5 tại Techcombank tăng 36%,... - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Cổ đông sẽ bàn về các nội dung đã trình tại phiên họp ĐHCĐ thường niên 2019 chưa được thông qua, bầu thành viên HĐQT, BKS nhiệm kỳ II (2020-2025) và một số nội dụng khác thuộc thẩm quyền của cổ đông.

HĐQT thống nhất 22/11 là ngày chốt danh sách cổ đông có quyền đề cử, ứng cử vào HĐQT và BKS. Eximbank sẽ thông báo chi tiết cho cổ đông có tên trong danh sách chốt ngày 22/11 về vấn đề trên qua thông báo dự kiến vào ngày 2/12. Ngân hàng sẽ nhận hồ sơ cổ đông/nhóm cổ đông về việc ứng cử, đề cử nhân sự tại Văn phòng HĐQT Eximbank từ 9/12 đến 23/12.

Đây là động thái bất ngờ của Eximbank bởi năm 2019 còn chưa kết thúc và đại hội cổ đông bất thường 2019 lần thứ 2 hồi cuối tháng 6 vừa qua còn bất thành, chủ yếu xoay quanh vai trò của một số thành viên trong Hội đồng quản trị cũng như mối bất hòa giữa nội bộ lãnh đạo cấp cao nhất ở nhà băng này.

Trước đó, vào đầu tháng 10, Tòa án Nhân dân TP HCM đã bác bỏ kháng cáo của CTCP Rồng Ngọc về yêu cầu đình chỉ Nghị quyết bầu ông Cao Xuân Ninh giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Eximbank.

Hiện HĐQT Eximbank có 10 người gồm Chủ tịch Cao Xuân Ninh, hai Phó Chủ tịch gồm ông Đặng Anh Mai, ông Yasuhiro Saitoh và 7 thành viên khác. Ông Cao Xuân Ninh được bầu vào chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank vào ngày 22/5.

9 tháng đầu năm, Eximbank lãi trước thuế 1.102 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ 2018. Tuy nhiên, nếu so với dự thảo kế hoạch 2019 trình cổ đông, ngân hàng đã vượt chỉ tiêu lợi nhuận 1.077 tỷ đồng dề ra. Lợi nhuận sau thuế đạt 882.4 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm gần 3%.

Gần 5 triệu cổ phiếu MBB vừa được sang tay cho ai?

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - MBB) vừa công bố thông tin về giao dịch cổ phiếu của tổ chức liên quan cổ đông nội bộ.

Sắp có biến tại Eximbank, nợ nhóm 5 tại Techcombank tăng 36%,... - Ảnh 2
Ảnh minh họa.

Cụ thể, Công đoàn ngân hàng TMCP Quân Đội đã mua 4.972.027 cổ phiếu, nâng lượng sở hữu từ 2.386.033 cổ phiếu lên 7.358.060 cổ phiếu. Đây là thực hiện quyền mua cổ phiếu ESOP. Giao dịch thực hiện ngày 25/10.

Trên thị trường, cổ phiếu MBB vừa trải qua 4 phiên tăng liên tiếp và mới điều chỉnh giảm trong ngày hôm nay 28/10. Với giá 23.000 đồng/cổ phiếu hiện nay, số cổ phiếu do công đoàn MBB sở hữu có trị giá hơn 167 tỷ đồng.

MB cho biết ngày 4/11 tới sẽ niêm yết bổ sung hơn 169 triệu cổ phiếu đã được phát hành để trả cổ tức trước đó, và nâng tổng lượng cổ phiếu MBB niêm yết trên thị trường lên hơn 2,3 tỷ cổ phiếu.

MBBank cũng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2019 với lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 6.142 tỷ đồng, tăng 27,9%.

Đáng chú ý, nguồn tiền gửi "giá rẻ" tại MBBank sụt giảm rõ rệt. Cuối tháng 9, tiền gửi không kỳ hạn tại MBBank là 70.709 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm. Tiền gửi vốn chuyên dùng cũng giảm hơn một nửa xuống còn 2.194 tỷ đồng. Tiền gửi ký quỹ giảm 22% xuống 12.134 tỷ. Theo đó, ước tính tỷ lệ CASA của ngân hàng giảm từ mức 41% hồi đầu năm xuống còn 33% cuối tháng 9.

Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ ở mức 1,35%, tăng so với con số 1,22% cuối năm trước, chủ yếu do nợ nhóm 5 tăng gần 390 tỷ đồng lên 1.345 tỷ đồng.

9 tháng đầu năm, nợ nhóm 5 tại Techcombank tăng 36%

9 tháng đầu năm, nợ xấu ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, HOSE: TCB) ở mức 218.655 tỉ đồng, tăng 21%, trong đó nợ nhóm 5 ( nợ có khả năng mất vốn) tăng 36% lên 2.313 tỷ đồng.

Sắp có biến tại Eximbank, nợ nhóm 5 tại Techcombank tăng 36%,... - Ảnh 3
Ảnh minh họa

Trong quý 3/2019, hoạt động kinh doanh của Techcombank hầu hết đều không khả quan. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 21% so với cùng kỳ, thu về hơn 738 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán kinh doanh cũng giảm đến 63% và 4% so với cùng kỳ, chỉ còn ghi nhận hơn 18 tỷ đồng và hơn 111 tỷ đồng.

Lãi thuần từ hoạt động khác cũng giảm 9% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 419 tỷ đồng. Thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần giảm mạnh khi cùng kì năm trước mang về 895 tỉ đồng nhưng năm nay chỉ vỏn vẹn 4 tỉ đồng, giảm 99,6%.

9 tháng đầu năm, Techcombank cũng giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro xuống 605 tỷ đồng trong khi cùng kì năm 2018 đạt 1.787 tỷ đồng, giảm hơn 66%. Nhờ đó, tăng trưởng lợi nhuận mới trở về "dương", tăng 14% (lãi thuần từ họạt động kinh doanh giảm 1%).

Đáng chú ý, tại ngày 30/9, nợ xấu Techcombank là 3.704 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. Cụ thể, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) gấp 2,7 lần và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng 36% so với cùng kỳ. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng tăng từ 1,75% lên 1,80%.

Hà Phương (t/h)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục