Tân chủ tịch Ngân hàng VDB và khối nợ nghìn tỷ

Theo báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước, đến 31/12/2018, ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) lỗ luỹ kế trên 4.800 tỷ đồng.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1399/QĐ-TTg điều động, bổ nhiệm có thời hạn ông Lương Hải Sinh - Thành viên Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam (DATC) trực thuộc Bộ Tài chính giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Như vậy, sau gần 2 năm bỏ trống, “ghế nóng” VDB mới có người tiếp quản.

Tân chủ tịch Ngân hàng VDB và khối nợ nghìn tỷ - Ảnh 1
Tân Chủ tịch Lương Hải Sinh.

Trước đó khoảng tháng 6/2019, Thủ tướng cũng bổ nhiệm ông Đào Quang Trường, thành viên Hội đồng quản trị, Quyền Tổng Giám đốc ngân hàng VDB giữ chức Tổng Giám đốc. Được biết, nhân sự cấp cao của ngân hàng VDB luôn biến động vài năm trở lại đây.

Cụ thể, năm 2016 ông Phạm Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị VDB thay ông Nguyễn Quang Dũng, Quyền Chủ tịch Hội đồng quản lý ngân hàng VDB, nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/6/2016.

Cũng trong năm 2016, cơ cấu nhân sự HĐQT ngân hàng VDB có sự thay đổi. Theo đó, Thủ tướng quyết định ba thành viên HĐQT ngân hàng VDB thôi giữ chức thành viên Hội đồng Quản lý VDB bao gồm ông Nguyễn Phước Thanh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính và ông Đào Quang Thu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư .

Gần 1 năm sau, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định điều chuyển chủ tịch VDB Phạm Quang Tùng sang nhận nhiệm vụ BIDV trong bối cảnh BIDV đang khuyết vị trí Chủ tịch.

Ngày 1/10/2017, ông Trần Bá Huấn, Tổng giám đốc ngân hàng VDB cũng nhận quyết định nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/10. Như vậy, tính đến thời điểm cuối năm 2017, ghế nóng Chủ tịch và Tổng giám đốc VDB vẫn đang bỏ trống.

Gánh nặng nghìn tỷ của ngân hàng VDB

Tân chủ tịch Ngân hàng VDB và khối nợ nghìn tỷ - Ảnh 2
Ảnh minh họa

Việc ông Lương Hải Sinh vừa được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị VDB diễn ra trong hoàn cảnh hoạt động kinh doanh của VDB đang lỗ nặng.

Cụ thể, kết luận kiểm toán ngân hàng VDB của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho thấy hoạt động tín dụng thời gian qua của VDB gặp rất nhiều khó khăn, kết quả chênh lệch thu chi năm 2018 của VDB âm hơn 866 tỷ đồng.

Đáng chú ý, lỗ lũy kế của ngân hàng này đến 31/12/2018 là trên 4.800 tỷ đồng; nợ xấu tại 31/12/2018 là trên 46.100 tỷ đồng, chiếm 17,2% tổng dư nợ. Trong khi đó việc trích lập dự phòng rủi ro chỉ là 5.790,1 tỷ đồng, bằng 12,5% tổng nợ xấu. KTNN đánh giá điều này khiến "tiềm ẩn rủi ro lớn trong tổ chức hoạt động".

Đặc biệt, liên quan tới vấn đề pháp luật, KTNN đã chuyển hồ sơ 2 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật qua kết quả kiểm toán tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Đầu tiên, đó là vụ việc Công ty Cổ phần tập đoàn Thái Hòa Việt Nam có dấu hiệu lập khống hồ sơ mua bán hàng hóa giữa Công ty mẹ và Công ty con để hợp thức hóa hồ sơ vay vốn ngân hàng nhằm đảo nợ các khoản vay sử dụng cho mục đích khác dẫn đến không trả được nợ gốc và lãi vay đến 30/4/2019 là 342,7 tỷ đồng. Công ty không minh bạch trong việc sử dụng vốn vay, không phối hợp với ngân hàng trong việc kiểm tra hàng hóa hình thành từ vốn vay.

Thứ hai, vụ việc Công ty TNHH Xây dựng Phúc Hưng có dấu hiệu làm giả hồ sơ vay vốn để được giải ngân và sử dụng vốn vay cho mục đích khác dẫn đến không trả được nợ gốc và lãi vay đến 30/4/2019 là 32 tỷ đồng (Công ty đã ngừng hoạt động từ năm 2011 đến nay). Sở Giao dịch 1 - Ngân hàng Phát triển Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát đối với khách hàng.

Theo một số báo cáo từng công bố trước đó, trong số 12 dự án ngàn tỷ đắp chiếu, kém hiệu quả ngành Công Thương, Ngân hàng VDB là một trong những ngân hàng cho vay nhiều nhất. Tổng số vốn vay của 12 dự án này tại các ngân hàng trong nước hơn 41.800 tỷ đồng, thì vay VDB là 16.800 tỷ đồng.

VDB được coi là ngân hàng khá đặc biệt. Thành lập năm 2006 trên cơ sở tổ chức lại hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển, hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam không vì mục đích lợi nhuận, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0% (không phần trăm), không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Ngân hàng Phát triển được Chính phủ bảo đảm khả năng thanh toán, được miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Hà Phương

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục