Techcombank cho Masan vay gần 2.000 tỷ đồng

(Kinhdoanhnet) - Các chỉ tiêu tài chính của Techcombank tăng trưởng khả quan trong 9 tháng đầu năm, nhưng vẫn còn đó những băn khoăn từ nợ xấu và mối quan hệ với cổ đông lớn – Tập đoàn Masan.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Techcombank (TCB) vừa công bố báo cáo tài chính ( BCTC) hợp nhất quý III. Theo đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.022 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế từ đầu năm, Ngân hàng và các công ty con ghi nhận lợi nhuận sau thuế (LNST) 2.290 tỷ đồng, tăng 90% so với 3 quý đầu năm ngoái.

So với đầu kỳ, thu nhập lãi, chi phí lãi đều tăng với tốc độ 29%, lần lượt ở mức 3.981 tỷ đồng; 1.969 tỷ đồng; khiến thu nhập lãi thuần tăng với tốc độ tương ứng, trong 9 tháng đầu năm đạt 2.012 tỷ đồng.

Kinh doanh ngoại hối, chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư cũng là những điểm sáng  mà TCB đạt tăng trưởng mạnh, đóng góp 216 tỷ đồng vào cơ cấu lợi nhuận của Ngân hàng.

 

Techcombank cho Masan vay gần 2.000 tỷ đồng - Ảnh 1

Số dư khoản nợ của NPM tính tới cuối tháng 9 chiếm 21,5% vốn cổ phần TCB. Nguồn: BCTC hợp nhất quý III TCB.

Thời điểm cuối quý III, tổng tài sản đạt 222.770 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm, đánh dấu lần đầu tiên chỉ tiêu này vượt ngưỡng 200.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng cũng rất ấn tượng khi trung bình 6 năm qua, tổng tài sản của TCB chỉ tăng trung bình 7%/năm.

Góp phần lớn vào thành tích trên là tín dụng, khi số dư khoản mục này cuối quý III ở mức 134.036 tỷ đồng, tăng 21,3% so với đầu năm.

Ngoài ra, tài sản có khác bao gồm các khoản phải thu (7.214 tỷ đồng); các khoản lãi, phí phải thu (4.758 tỷ đồng) đang ở mức 10.955 tỷ đồng. TCB đã phải trích lập tới 1.601 tỷ đồng cho số tài sản có khác trên.

Bên kia bảng cân đối kế toán, sau lần tăng vốn gần đây nhất từ năm 2010, vốn cổ phần của TCB ổn định ở mức 8.788 tỷ đồng.

Chiếm phần lớn khoản mục nợ phải trả (204.072 tỷ đồng) vẫn là tiền gửi của khách hàng (163.515 tỷ đồng). Ngoài ra còn có 25.599 tỷ đồng tiền gửi và vay các TCTD khác và phát hành giấy tờ có giá 9.842 tỷ đồng, trong đó có khoản trái phiếu chuyển đổi trị giá 3.000 tỷ đồng có kỳ hạn 10 năm phát hành cho các cổ đông hiện hữu từ năm 2010.

Thời điểm cuối tháng 9, tổng các khoản nợ quá hạn trên 10 ngày (các nhóm 2,3,4,5) của Ngân hàng ở mức 6.259 tỷ đồng, tăng 70,4% so với con số 3.614 tỷ đồng thời điểm đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 2 chiếm phần lớn ( 3.699 tỷ đồng), bằng 2,73% tổng dư nợ tín dụng.

Nợ xấu (các nhóm 3,4,5) tính tới cuối quý III là 2.460 tỷ đồng, tương đương tỉ lệ 1,81%, tăng cả về tuyệt đối và tương đối so với thời điểm đầu năm (1.864 tỷ đồng: 1,67%).

Nợ xấu dưới dạng trái phiếu đặc biệt bán cho VAMC tính tới cuối kỳ ở mức 3.401 tỷ đồng, cùng với khoản dự phòng 408 tỷ đồng đã được trích lập trong 9 tháng đầu năm.

Mối quan hệ khăng khít giữa TCB và Tập đoàn Masan

 

Techcombank cho Masan vay gần 2.000 tỷ đồng - Ảnh 2

TCB đã dành gần 2.000 tỷ đồng cho vay MSN trong 9 tháng đầu năm. Nguồn: BCTC hợp nhất quý III MSN.

Đáng chú ý, số dư khoản tín dụng của Ngân hàng dành cho Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (NPM) tính tới cuối kỳ là 1.888 tỷ đồng, bằng 21,5% vốn cổ phần của Ngân hàng.

NPM là thành viên của Công ty CP Tập đoàn Masan (HOSE: MSN). TCB và MSN có mối quan hệ đặc biệt khăng khít với nhau. Hiện nay, MSN là cổ đông trong nước lớn nhất của TCB, nắm giữ 15% vốn nhà băng này. Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ MSN ông Nguyễn Đăng Quang là Phó Chủ tịch thứ nhất của TCB. Ngược lại, Chủ tịch HĐQT TCB ông Hồ Hùng Anh cũng đồng thời là Phó Chủ tịch của MSN. Chính vì thế, quan hệ tín dụng giữa hai bên cũng trở lên thắt chặt, khăng khít hơn.

Ngoài khoản vay của NPM, trong 9 tháng đầu năm, TCB đã giải ngân 1.929 tỷ đồng cho MSN. Con số này cùng kỳ 2015 là 2.442 tỷ đồng.

MSN tính đến cuối quý III đang ghi nhận khoản tiền gửi 308 tỷ đồng tại TCB. Một công ty con khác của MSN là CTCP Hàng tiêu dùng Masan (MSC) cũng đang có số dư tiền gửi 2.598 tỷ đồng tại đây.

Điều 127 Luật Các TCTD 2010 quy định TCTD không được cho vay cổ đông lớn quá 5% vốn tự có của TCTD.

Theo Báo Công lý

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục