Tết dương lịch, hàng loạt trụ ATM vẫn hết tiền

(Kinhdoanhnet) – Theo giải thích từ phía ngân hàng, nguyên nhân của tình trạng này là do lượng người rút tiền tăng nhanh trong đêm 31/12 đã làm nhiều ATM hết tiền hoặc bị “quá tải”.

Nghị định 96/2014 mã Chính phủ ban hành đã chính thức có hiệu lực trong đó có quy định ngân hàng nào để máy ATM hết tiền quá 24h sẽ bị phạt từ 10 – 15 triệu đồng. Tuy nhiên trong dịp Tết dương lịch vừa qua theo phản ánh của người dân tại các trụ ATM ở TP.HCM tình trạng không rút được tiền tại các trụ ATM vẫn còn xuất hiện khá nhiều.

Điển hình, theo ý kiến phản hồi của người dân, trong chiều 31/12/2014 và sáng 1/1/2015 tại nhiều trụ ATM của ngân hàng Vietcombank trên địa bàn quận Tân Phú, Bình Tân và một số nơi khác tại TP HCM liên tục báo lỗi và không rút được tiền khiến cho người dân hết sức bức xúc.

Trong khoảng thời gian từ 8h - 8h30 sáng ngày đầu năm mới, chỉ tính riêng dọc khu vực đường Tây Thạnh, Lê Trọng Tấn cách nhau chưa tới 2 km nhưng có đến 7 trụ ATM không rút được tiền vì nhiều lỗi khác nhau.

Tết dương lịch, hàng loạt trụ ATM vẫn hết tiền
Tết dương lịch, hàng loạt trụ ATM vẫn hết tiền.

Hay như vào lúc chiều tối ngày 1/1/2015, nhiều chủ thẻ cho biết họ cũng không thể thực hiện được giao dịch rút tiền tại các trụ ATM của Ngân hàng TMCP Đầu tư – phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Phú Yên.

Có nhiều người đã kiên nhẫn đứng chờ hàng tiếng đồng hồ nhưng máy vẫn cứ báo lỗi. “Gia đình tôi cần tiền gấp nhưng không thể rút được từ máy ATM của BIDV. Tôi chạy khắp các máy ATM của những ngân hàng khác mà BIDV có liên kết nhưng cũng không rút được. Tôi gọi đến nhiều số điện thoại của BIDV Phú Yên để phản ánh thì không có người nghe máy. Tôi không hiểu họ làm ăn kiểu gì, vào ngày Tết Dương lịch mà phục vụ như vậy!”- ông Nguyễn Hồng (ngụ phường 9, TP Tuy Hòa) bức xúc nói.

Theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 12/12/2014, trong trường hợp ngân hàng “không đảm bảo máy ATM phải có tiền để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng” sẽ bị áp dụng mức phạt từ 10 - 15 triệu đồng.

Tuy nhiên không phải cứ ngân hàng nào có ATM ngừng hoạt động quá 24 giờ thì sẽ bị xử phạt. Theo Điều 28 Nghị định 96, ngân hàng có ATM ngừng hoạt động quá 24 giờ mà không báo cáo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trên địa bàn và thông báo rộng rãicho khách hàng thì bị phạt. Ngược lại, nếu ngân hàng có ATM ngừng hoạt động quá 24 giờ nhưng đã báo cáo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trên địa bàn và đã thông báo rộng rãi cho khách hàng thì không bị xử phạt..

Theo quy định tại Thông tư 36, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố có trách nhiệm kiểm tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết thêm nếu phát hiện các vi phạm, khách hàng có thể phản ánh về các đơn vị nêu trên theo số điện thoại đường dây nóng đăng tải tại ô “Đường dây nóng” trên trang thông tin điện tử của NHNN:www.sbv.gov.vn.

Hoàng Anh (TH)

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục