Thương vụ bí ẩn 6.500 tỷ đồng liên quan đến cổ phiếu của VPBank

Thu lãi ngàn tỉ chỉ trong vài tháng trời lại ra thông báo quyết định giải thể với lý do: "Công ty gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động và không thể tiếp tục duy trì".

Quang Đăng, Lưu Khuyên là ai?
Ngày 27/3, Trung tâm lưu ký chứng khoán thông báo về cuộc chuyển nhượng quyền sở hữu cổ phiếu VPB, tổng số cổ phiếu chuyển nhượng này lên tới gần 100 triệu (99.945.946) cổ phiếu, lớn nhất trong lịch sử giao dịch chuyển nhượng mã VPB từ khi chào sàn.

Thương vụ này được cho là rất bí ẩn bởi tất cả những cái tên thể nhân và pháp nhân tham gia đều khá xa lạ với thị trường và ngay chính các thông tin mà VPB công khai từ khi chào sàn đến nay.

Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư Quang Đăng chuyển nhượng cho bà Đỗ Thị Mai 47,54 triệu cổ phần và bà Bùi Bích Hạnh 2,45 triệu cổ phần. Công ty TNHH Đầu tư Lưu Khuyên chuyển nhượng cho bà Trần Thị Hương 23,2 triệu cổ phần và bà Đặng Thị Thanh Tâm 26,74 triệu cổ phần.

Chốt phiên giao dịch ngày 28/3, VPB có giá khoảng 64.900 đồng/cổ phiếu đồng nghĩa với tổng giá trị của thương vụ lên tới khoảng 6.486 tỷ đồng.

Trước đó, những thông tin về hai cái tên cổ đông sở hữu gần 100 triệu cổ phiếu VPB là Quang Đăng và Lưu Khuyên đều vô cùng mịt mờ. Vậy 2 pháp nhân kỳ lạ này ở đâu xuất hiện?

Bằng những nguồn tin thu thập được của PV, những khoảng tối đã dần được lộ diện. Theo đó, Quang Đăng tên đầy đủ là Công ty TNHH Đầu tư Quang Đăng, có mã số doanh nghiệp là: 0107929764, thành lập ngày 20/07/2017 có người đại diện pháp luật là bà Đỗ Thị Mai với 2 thành viên sáng lập với số vốn điều lệ đăng ký là: 500.150.000.000 đồng và sở hữu như sau:

Thương vụ bí ẩn 6.500 tỷ đồng liên quan đến cổ phiếu của VPBank - Ảnh 1

Còn Lưu Khuyên tên đầy đủ là Công ty TNHH Đầu tư Lưu Khuyên có mã số doanh nghiệp là: 0107930858, thành lập ngày 21/7/2017 có người đại diện pháp luật ban đầu là ông Phạm Huy Trung Hiếuvà có 2 thành viên sáng lập, với số vốn điều lệ đăng ký là: 499.598.000.000 đồng với cơ cấu thành viên sáng lập như sau:

Thương vụ bí ẩn 6.500 tỷ đồng liên quan đến cổ phiếu của VPBank - Ảnh 2

Sau đó, ngày 10/8/2017, bà Trần Thị Hương bất ngờ thay thế ông Phạm Huy Trung Hiếu trở thành người đại diện theo pháp luật của Lưu Khuyên và thay thế ông Hiếu trở thành thành viên góp vốn đúng bằng số vốn mà ông Hiếu đã đăng ký góp vốn trước đó tại Lưu Khuyên.

Cả hai công ty này đều có trụ sở tại Tầng 8, tòa nhà Licogi13, 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, TP.Hà Nội.

Như vậy, tính đến thời điểm thực hiện giao dịch chuyển nhượng “khủng” như trên thì cả 2 pháp nhân Quang Đăng và Lưu Khuyên mới thành lập được trong thời hạn khoảng 8 tháng.

Kỳ lạ chuyện: Lãi bất thường vẫn phải... giải thể

Tiếp xúc với PV một nhà đầu tư trong giới cho biết, từ khi mã VPB niêm yết (8/8/2017) cho tới khi thương vụ đáng giá nhiều ngàn tỉ diễn ra thì giới đầu cơ mới choáng ngợp với sự "chịu chơi" và liều lĩnh của Quang Đăng và Lưu Khuyên.

Nhà đầu tư này cũng đặt ra dấu hỏi lớn, gần 100 triệu cổ phiếu VPB bị Quang Đăng và Lưu Khuyên thâu tóm từ khi nào? Bởi cả 2 pháp nhân này mới thành lập trong thời gian quá ngắn.

Xét ở thời điểm tháng 8/2017, Quang Đăng và Lưu Khuyên chỉ vừa mới được thành lập, trước khi mã VPB được VPbank niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (Hose) vài ngày.

Trong Bản cáo bạch của VP bank cũng chưa thấy xuất hiện tên 2 cổ đông lớn này. Vậy, nếu ngay sau ngày VPbank niêm yết ngày 8/8/2017 mà hai đại gia này có thể kịp giao dịch nắm giữ số cổ phiếu khủng nêu trên với mức giá chào sàn khoảng 39.000VNĐ, thì giá trị đầu tư của họ sẽ rơi vào khoảng 3.900 tỉ để mua được gần100 triệu cổ phiếu, còn nếu mua sau đó thì giá trị còn cao hơn nhiều.

Giả sử họ mua được số lượng cổ phiếu trên với giá: 39.000 đồng/cổ phiếu thì đây vẫn có thể coi là thương vụ kinh doanh kỳ lạ bởi 2 doanh nghiệp này vừa được thành lập, quá non trẻ sao lại có thể dám mạo hiểm mang toàn bộ vốn điều lệ mỗi công ty khoảng 500 tỷ (cả 2 công ty là khoảng: 1.000 tỷ) để đi mua và đầu tư tất tay vào 1 mã chứng khoán VPB và còn kỳ lạ hơn nữa làm thế nào để họ vay và ai dám cho họ vay khoảng gần 3.000 tỷ để đầu tư cổ phiếu khi doanh nghiệp vừa được thành lập và đầu tư mạo hiểm như vậy! Phải chăng họ có được niềm tin chắc chắn rằng cổ phiếu VPbank sẽ có lãi lớn trong vòng vài tháng để chơi một canh bạc tất tay?

Bí ẩn chưa dừng lại, sau gần 7 tháng sau khi thành lập, cả hai công ty đều đồng loạt ra quyết định giải thể: Quang Đăng có quyết định của Hội đồng thành viên giải thể từ ngày: 6/2/2018 và Lưu Khuyên cũng có quyết định của Hội đồng thành viên giải thể vào ngày 5/2/2018 với cùng lý do “Công ty gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh và không thể tiếp tục duy trì hoạt động của Công ty.”. Tại sao 2 pháp nhân này kinh doanh lãi lớn tới vậy mà lại giải thể với lý do kỳ lạ như vậy?

Lúc này giới đầu tư mới thực sự hoang mang và cho rằng Quang Đăng, Lưu Khuyên liệu có phải là tấm bình phong hay doanh nghiệp sân sau được chuẩn bị bởi một kịch bản hoàn hảo cho một phi vụ được chuẩn bị trước.

Bởi theo tính toán của giới thạo tin thì mỗi công ty này có thể đã nhận được phần lãi bất thường lên tới cả ngàn tỉ đồng cho thương vụ chuyển nhượng 100 triệu cổ phiếu VPB tính theo giá trị chuyển nhượng đã được công bố.

Việc đóng thuế trong phi vụ giao dịch khủng này ra sao sau khi hai pháp nhân Quang Đăng và Lưu Khuyên đã giải thể, đóng mã số thuế và vì sao họ phải làm thủ tục giải thể trước khi thực hiện giao dịch số lượng cổ phiếu và giá trị khủng như vậy? Thân thế của những cá nhân xuất hiện trong thương vụ này ra sao?

Theo Moitruong&Dothi

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục