Tiên Phong Bank: Những dấu hiệu bất thường trong tổ chức và hoạt động?

Mặc dù không nằm trong nhóm thí điểm nhưng vào đầu năm 2019, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank) công bố đạt chuẩn Basel II và kế hoạch tăng room tín dụng lên khoảng 20%. Tuy nhiên, câu hỏi cần đặt ra là những giao dịch tại TP Bank liệu có an toàn như chuẩn Basel II mang lại?

TP Bank: Những dấu hiệu bất thường

Theo ghi nhận, mặc dù có khá nhiều các địa chỉ hoạt động như phòng giao dịch và chi nhánh nhưng trên thực tế thì các địa chỉ này của Ngân hàng TMCP Tiên Phong có dấu hiệu chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động.

Để làm rõ những dấu hiệu hoạt động bất thường của Ngân hàng TMCP Tiên Phong, PV đã đích mục sở thị 2 điểm tại TP Bank Đô thành – TPHCM và TP Bank Sơn Tây – TP.Hà Nội.

Tiên Phong Bank: Những dấu hiệu bất thường trong tổ chức và hoạt động? - Ảnh 1
Ngân hàng TMCP Tiên Phong khai trương Phòng GD Sơn Tây năm 2016. Ảnh: VNExpress

 

Cụ thể, PV đã vào vai khách hàng mở một sổ tiết kiệm với kì hạn 1 tháng tại phòng giao dịch TPBank Sơn Tây. Khi đó, PV nhận thấy trong thủ tục mở sổ tiết kiệm chỉ có chữ ký của giao dịch viên và kiểm soát viên, không thấy xuất hiện chữ ký giám đốc phòng giao dịch - người đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng.

Giải thích về điều trên, giao dịch viên ngân hàng cho biết hiện chưa có giám đốc. Và khi PV tỏ ý nghi ngờ về việc nếu không có chữ kí của giám đốc chi nhánh thì liệu sổ tiết kiệm của mình có đảm bảo an toàn hay không? Giao dịch viên cho biết khách hàng cứ yên tâm, không có vấn đề gì phải nghi ngại.

Tuy nhiên, theo quy định Tại Điều 7 Thông tư 48/2018/TT-NHNN, có hiệu lực ngày 05/07/2019 quy định:

Thẻ tiết kiệm hoặc sổ tiết kiệm (sau đây gọi chung là Thẻ tiết kiệm) là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm của người gửi tiền tại tổ chức tín dụng, được áp dụng đối với trường hợp nhận tiền gửi tiết kiệm tại địa điểm giao dịch hợp pháp thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng.

Thẻ tiết kiệm phải có tối thiểu các nội dung như:

(i) Tên tổ chức tín dụng, con dấu; Họ tên, chữ ký của giao dịch viên và của người đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng;

Theo quy định trên thì Ngân hàng TMCP Tiên Phong đã không tuân thủ các quy định tại Thông tư 48 khi mở sổ tiết kiệm tại TPBank Sơn Tây.

Khó hiểu hơn nữa, mặc dù PV mở sổ tiết kiệm tại phòng giao dịch TPBank Sơn Tây nhưng trên sổ lại được đóng dấu chi nhánh TPBank Tây Hà Nội?

Cần nhần mạnh TPBank Tây Hà Nội có địa chỉ tại 535 Kim Mã, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội là khu vực nội thành.

Theo quy định tại Điều 10 Thông tư 21/2013/TT-NHNN để thành lập phòng giao dịch, ngân hàng thương mại phải thành đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

1.Đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Thông tư này.

Khoản 1 Điều 6 : Đối với ngân hàng thương mại có thời gian hoạt động từ 12 tháng trở lên (tính từ ngày khai trương hoạt động đến thời điểm đề nghị):

a) Có giá trị thực của vốn điều lệ tại thời điểm 31 tháng 12 của năm trước liền kề năm đề nghị không thấp hơn mức vốn pháp định;

b) Hoạt động kinh doanh có lãi theo báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tài chính riêng lẻ được kiểm toán của năm trước liền kề năm đề nghị;

c) Tuân thủ các hạn chế để bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng quy định tại các Điều 126, 127, 128, 129; khoản 1 Điều 130 và Điều 135 Luật Các tổ chức tín dụng và các hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước đối với các quy định này liên tục trong thời gian 12 tháng trước tháng đề nghị;

d) Thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ tại thời điểm 31 tháng 12 của năm trước liền kề năm đề nghị không vượt quá 3% hoặc một tỷ lệ khác theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ;

đ) Tại thời điểm đề nghị, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát có số lượng và cơ cấu theo đúng quy định của pháp luật, không bị khuyết Tổng giám đốc;

e) Tại thời điểm đề nghị, ngân hàng thương mại có bộ phận kiểm toán nội bộ và hệ thống kiểm soát nội bộ bảo đảm tuân thủ Điều 40, Điều 41 Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định có liên quan của pháp luật hiện hành;

g) Không thuộc đối tượng phải thực hiện biện pháp không được mở rộng mạng lưới theo quy định của pháp luật về xử lý sau thanh tra, giám sát đối với các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

h) Đáp ứng điều kiện về số lượng chi nhánh được phép thành lập theo quy định tại Điều 7 Thông tư này;

i) Có đầy đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Thông tư này.

2. Chi nhánh dự kiến quản lý phòng giao dịch phải đáp ứng các điều kiện:

a) Có thời gian hoạt động tối thiểu 12 tháng tính từ ngày khai trương hoạt động đến thời điểm đề nghị;

b) Có tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ tại thời điểm 31 tháng 12 năm trước liền kề năm đề nghị không vượt quá 3% hoặc một tỷ lệ khác theo quyết định Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ;

c) Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng bằng hình thức phạt tiền trong thời hạn 12 tháng trở về trước tính từ thời điểm đề nghị.

3. Đáp ứng điều kiện về số lượng phòng giao dịch được thành lập theo quy định tại Điều 11 Thông tư này.

Bên cạnh đó theo quy định của ngân hàng nhà nước thì, Phòng giao dịch là đơn vị phụ thuộc ngân hàng thương mại, được quản lý bởi một chi nhánh ở trong nước của ngân hàng thương mại, hạch toán báo sổ, có con dấu, có địa điểm đặt trụ sở trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trụ sở chi nhánh quản lý.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao TP Bank Sơn Tây được cho là Phòng giao dịch, nhưng lại dùng con dấu của một chi nhánh khác trên nội thành thủ đô Hà Nội?

Điều đặc biệt là TP Bank Đô Thành – TP HCM cũng xảy ra trường hợp tương tự và Phòng dao dịch này dùng con dấu của chi nhánh TP HCM?

Tiên Phong Bank: Những dấu hiệu bất thường trong tổ chức và hoạt động? - Ảnh 2
Tiên Phong Bank: Những dấu hiệu bất thường trong tổ chức và hoạt động? - Ảnh 3
Sổ tiết kiệm của TP Bank tại 2 Hà Nội và TP.HCM có chung điểm bất thường


“Cả vú lấp miệng em”

Khi nhận được phản ánh của cơ quan truyền thông, Ngân hàng TMCP Tiên Phong đã có văn bản số 1040/CV-TPB.BĐH phản hồi tới các cơ quan báo chí. Tại văn bản này, ngân hàng chỉ trả lời chung chung và có dấu hiệu né tránh câu hỏi của báo chí.

Cụ thể, khi được hỏi: TPbank Sơn Tây đã được NHNN cấp phép là Phòng giao dịch hay chưa? Nếu đã được cấp phép, xin cung cấp và cho biết quyết định cụ thể (số văn bản, ngày, tháng ban hành)?

Khi đó TP Bank trả lời: TPBank Sơn Tây là đơn vị phụ thuộc của TPBank, được thành lập, hoạt động theo đúng các văn bản chấp thuận, giấy phép được cấp bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và hoạt động kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, Ngân hàng TMCP Tiên phong không trả lời được TP Bank Sơn Tây là Chi nhánh, hay là Phòng Giao dịch, hay là một loại hình nào đó.

Với câu hỏi 2: TPBank cho biết cụ thể các hoạt động nghiệp vụ diễn ra tại TPBank Sơn Tây (gồm những hoạt động nghiệp vụ nào?) thì TP Bank trả lời: Việc giao dịch viên, kiểm soát viên của TPBank Sơn Tây thực hiện giao dịch và ký trên các chứng từ, sổ tiết kiệm là phù hợp với quy định nội bộ cũng như quy định của pháp luật liên quan.

Lại một lần nữa, TP Bank chưa trả lời được những hoạt động nghiệp vụ cụ thể. Trên thực tế, 2 Sổ tiết kiệm được nêu ở trên cũng đủ minh chứng cho câu trả lời này của Ngân hàng TMCP Tiên phong.

Câu hỏi 3: Ghi nhận thực tế cho thấy, nhiều giao dịch của khách hàng không có người đại diện pháp luật (cụ thể là Giám đốc) mà chỉ có giao dịch viên và kiểm soát viên, vậy việc giao dịch này có phù hợp với các quy định hiện hành hay không, đề nghị cho biết các căn cứ pháp lý cụ thể?

Trả lời: TPBank chỉ có một người đại diện theo pháp luật duy nhất, việc quản lý công việc tại phòng giao dịch sẽ do nhân sự điều hành thực hiện theo ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của TPBank trên cơ sở phù hợp với quy định pháp luật.

Đối chiếu câu trả lời này của Ngân hàng TMCP Tiên Phong với Quy định về nội dung thông tin thẻ tiết kiệm tại Thông tư 48 như sau:

a) Thẻ tiết kiệm phải có tối thiểu các nội dung sau:

(i) Tên tổ chức tín dụng, con dấu; Họ tên, chữ ký của giao dịch viên và của người đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng ...

Như vậy, có thể nói, người đại diện về pháp luật là ông Nguyễn Hưng – Tổng giám đốc. Bởi lẽ, khi PV hỏi giao dịch viên, giao dịch viên này khẳng định là chưa có giám đốc. Ông Nguyễn Hưng cũng là người đại diện duy nhất của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (như câu trả lời câu phía ngân hàng). Đồng nghĩa với việc đó, ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong sẽ phải ký, đóng dấu vào 2 sổ tiết kiệm ở trên là đại diện cho TP Bank Sơn Tây, TP Bank Đô Thành, ký và đóng dấu của Ngân hàng TMCP Tiên Phong thay vì Chi nhánh Tây Hà Nội hay Chi nhánh TP HCM?

Theo thông tin từ các cơ quan thuế, thì TP Bank Sơn Tây và TP Bank Đô Thành được báo cáo là Văn phòng Đại diện của Ngân hàng TMCP Tiên Phong.

Cần nhấn mạnh là Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc ngân hàng thương mại, có con dấu, thực hiện chức năng đại diện theo ủy quyền của ngân hàng thương mại. Văn phòng đại diện không được thực hiện hoạt động kinh doanh.

Phòng giao dịch TPBank Sơn Tây được khai trương vào ngày 14/07/2016, tại số 314 Chùa Thông, phường Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Theo giới thiệu của Ngân hàng TMCP Tiên Phong, TPBank Sơn Tây sẽ cung cấp các sản phẩm tài chính đặc thù cho doanh nghiệp và người dân tại khu vực cửa ngõ phía Tây của thủ đô.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, TPBank đạt lợi nhuận 205 tỷ đồng, tổng tài sản đạt trên 83.200 tỷ đồng, xếp thứ 8 trong top 10 ngân hàng uy tín nhất Việt Nam năm 2016, theo công bố của Vietnam Report. Mặc dù, khai trương rầm rộ và có đại diện lãnh đạo của phường Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây, ông Phạm Đông Anh, Phó TGĐ TPBank nhưng PGD này có dấu hiệu hoạt động không đúng chức năng được báo cáo với Ngân hàng nhà nước.

 

Theo PV/SHTT

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục