Top 10 ngân hàng có lãi dự thu cao nhất năm 2019: SCB tiếp tục là "quán quân" với hơn 52.000 tỷ đồng

Tại các ngân hàng, lãi dự thu cũng là một "khối u" nhức nhối không kém gì nợ xấu. Năm 2019, SCB ghi lãi dự thu với 52.914 tỷ đồng, tăng 10% so với cuối năm trước.

Lãi dự thu là một trong những vấn đề đau đầu của nhiều ngân hàng hiện nay khi số dư khoản mục này ngày càng tăng cao theo thời gian.

Thống kê số liệu từ 26 ngân hàng thương mại trong nước, tính đến 31/12/2019, tổng số lãi, phí dự thu tại các ngân hàng ở mức 161.571 tỷ đồng.

Trong đó, một số ngân hàng khảo sát có giá trị lãi, phí dự thu tăng với một số ngân hàng có mức tăng trưởng mạnh như VPBank (tăng 36%); LienVietPostBank (tăng 30%); MSB (tăng 28%); VietBank (tăng 83%); Saigonbank (tăng 32%),...

Năm 2019, SCB tiếp tục là "quán quân" lãi dự thu với 52.914 tỷ đồng, tăng 10% so với cuối năm trước Đứng ở vị trí thứ hai là Sacombank với 19.539 tỷ đồng. Tiếp đó là BIDV với 12.863 tỷ đồng; SHB với 8.293 tỷ đồng; Vietcombank ở mức 8.150 tỷ đồng.

Top 10 ngân hàng có lãi dự thu cao nhất năm 2019: SCB tiếp tục là "quán quân" với hơn 52.000 tỷ đồng - Ảnh 1
Nguồn: Tổng hợp BCTC từ các ngân hàng.

Có thể thấy, 2 ngân hàng có lãi dự thu lớn đầu bảng hiện tại là SCB và Sacombank đều là hai ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu sau quá trình sáp nhập với những ngân hàng "yếu kém" khác.

Khoản lãi dự thu ở những nhà băng này phần lớn là dự thu từ các khoản nợ khó đòi, tuy nhiên chưa thể xử lí ngay bằng cách này hay cách khác.

Các ngân hàng có nên lo lắng với lãi dự thu?

Đầu năm 2019, Thống đốc NHNN đã có văn bản yêu cầu các TCTD nghiêm túc thực hiện dự thu lãi phù hợp với thực trạng các khoản nợ, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật để phản ánh đúng kết quả hoạt động kinh doanh.

Đồng thời, TCTD thường xuyên rà soát tình hình thực tế của các khoản nợ đang dự thu lãi, đặc biệt các khoản lãi có dự thu lớn để kịp thời thoái lãi dự thu đối với các trường hợp khó có khả năng thu hồi.

Về lý thuyết, lãi dự thu là khoản lãi ngân hàng dự kiến thu được trong tương lai từ các tài sản sinh lãi (bao gồm cho vay khách hàng), ngân hàng chưa thu được tiền thật từ khoản này, nhưng khoản này vẫn được ghi nhận vào báo cáo thu nhập của ngân hàng.

Khi đến kì dự thu, kế toán sẽ lập bảng kê các khoản lãi phải thu nội bảng của các khoản nợ nhóm 1 và phải thu ngoại bảng của các khoản nợ nhóm 2 đến nhóm 5. Sau khi trừ đi các khoản lãi phải thu đã thu được sẽ còn lại con số lãi dự thu.

Do đó, lãi dự thu được xem như một nguồn lãi ảo của các ngân hàng vì có thể được ghi nhận vào lợi nhuận khi trên thực tế chưa có tiền thu về. Với con số lãi dự thu càng lớn, khả năng tác động đến lợi nhuận của các nhà băng lại càng cao, chỉ cần một điều chỉnh nhỏ cũng có thể khiến lợi nhuận tăng vọt.

Những ngân hàng có tỉ lệ lãi dự thu trên lợi nhuận sau thuế lớn kể đến như SCB (gấp 302,3 lần), NCB (gấp 73,3 lần)

Tuy nhiên, về phía ngân hàng, phí lãi dự thu cũng là một "khối u" nhức nhối không kém gì nợ xấu. Với khoản lãi dự thu lớn cho thấy chất lượng tài sản của ngân hàng đang kém dần ảnh hưởng đến việc đánh giá xếp hạng và áp dụng các chuẩn mực quốc tế như Basel II.

Top 10 ngân hàng có lãi dự thu cao nhất năm 2019: SCB tiếp tục là "quán quân" với hơn 52.000 tỷ đồng - Ảnh 2
Top 10 ngân hàng có lãi dự thu cao nhất năm 2019: SCB tiếp tục là "quán quân" với hơn 52.000 tỷ đồng - Ảnh 3
So sánh lãi dự thu và lợi nhuận sau thuế năm 2019. Nguồn: Tổng hợp BCTC từ các ngân hàng.

Thực tế, nhiều ngân hàng đang lạc quan vào việc ghi nhận các khoản lãi dự thu này, làm lợi nhuận bị “thổi phồng”, dẫn đến tình trạng “lãi giả, lỗ thật” và khiến các cổ đông cũng như các nhà đầu tư nhận thức sai về thực trạng hoạt động của các ngân hàng.

Hà Phương

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục