Top 5 lợi nhuận ngân hàng thương mại cổ phần ngày ấy giờ ra sao?

(Kinhdoanhnet) – Từ lâu, khối ngân hàng TMCP thường cố định vị thế lợi nhuận bởi nhóm 5 ngân hàng bao gồm Techcombank, MBBank, ACB, Sacombank và Eximbank. Thế nhưng từ năm 2011 trở lại đây đã chứng kiến rất nhiều sự xáo trộn trong nhóm 5 ngân hàng TMCP dẫn đầu này.

Sự sa sút của những “ông lớn” một thời

Trong khi Techcombank không những duy trì được vị thế trong top 5 lợi nhuận ngân hàng của mình, thậm trí còn có những sự bứt phá rất lớn. Cụ thể, từ năm 2013 kết quả lợi nhuận của Techcombank liên tục tăng trưởng, 9 tháng đầu năm 2016, kết quả lợi nhuận của Techcombank còn khiến những đối thủ phải kinh ngạc khi ghi nhận tới 2.864 tỷ đồng lãi trước thuế, xếp thứ 2 về lợi nhuận trong khối các ngân hàng TMCP không có vốn sở hữu Nhà nước và lần đầu tiên vượt mặt lợi nhuận của MBBank.

Đối với MBBank, dù chứng kiến nhiều biến động của thị trường ngân hàng trong những năm gần đây nhưng MBBank vẫn luôn duy trì được vị thế số 1 về lợi nhuận trong khối, trước khi bị Techcombank và VPBank vượt mặt sau 9 tháng đầu năm 2016. Nếu như kết thúc năm 2015, MBBank đạt 3.220 tỷ đồng lãi trước thuế và là ngân hàng có lợi nhuận cao nhất trong khối các ngân hàng TMCP không có vốn sở hữu Nhà nước, thì sau 9 tháng đầu năm 2016, dù MBBank đạt tới 2.788 tỷ đồng lãi trước thuế nhưng vẫn kém Techcombank 76 tỷ đồng và ngậm ngùi tụt xuống vị trí thứ 3 về kết quả lợi nhuận trong khối.

Trước đây, ACB từng nắm vị trí số 1 của khối về lợi nhuận, thế nhưng sau những biến cố giai đoạn 2011-2012, ACB đã rơi vào thời kỳ khó khăn. Dù kết quả lợi nhuận của ACB vẫn luôn nằm trong top 5 thế nhưng so với ánh hào quang xưa hiện tại kết quả lợi nhuận của ACB vẫn là rất kém. Nếu như năm 2011, lãi trước thuế của ACB lên tới 4.203 tỷ đồng thì từ đó cho tới nay lợi nhuận của ACB chưa bao giờ vượt quá 1.500 tỷ đồng. Năm 2015 là 1.314 tỷ đồng lãi trước thuế và 9 tháng đầu năm 2016 là 1.244 tỷ đồng.

 

Top 5 lợi nhuận ngân hàng thương mại cổ phần ngày ấy giờ ra sao? - Ảnh 1

Trong khi Techcombank, MBBank và ACB vẫn duy trì được vị thế lợi nhuận của mình thì Eximbank và Sacombank đã bị đánh bật khỏi top 5 kết quả lợi nhuận. Ảnh: QT.

Tiếc nuối nhất có lẽ chính là 2 cái tên Sacombank và Eximbank, có thể trước đây Sacombank và Eximbank là những “ông lớn” trong khối ngân hàng TMCP nhưng hiện tại cả 2 ngân hàng này đều đang gặp rất nhiều khó khăn.

Trong khi Sacombank đang gặp rất nhiều khó khăn từ khi sáp nhập Southern Bank với hàng nghìn tỷ đồng nợ xấu chuyển giao từ ngân hàng này, dù tổng tài sản cũng như mạng lượt hoạt động được mở rộng thế nhưng kết quả lợi nhuận của Sacombank lại ngày càng sa sút và 9 tháng đầu năm nay với 550 tỷ đồng lãi trước thuế, Sacombank đã không còn năm trong top 5 lợi nhuận của khối.

Eximbank từng cạnh tranh vị thế số 1 về lợi nhuận với ACB, thế nhưng từ năm 2011 Eximbank liên tiếp vướng vào những lùm xùm và kết quả lợi nhuận cũng như quy mô ngân hàng liên tục đi xuống, và bị đánh bật ra khỏi top 5. 9 tháng đầu năm 2016, lợi nhuận của Eximbank vẫn ở mức rất thấp chỉ vỏn vẹn 159 tỷ đồng trước thuế, thuộc nhóm những ngân hàng có lợi nhuận thấp nhất toàn hệ thống.

Sự bứt phá của những cái tên mới nổi

Việc top 5 lợi nhuận ngân hàng có sự thay đổi mạnh không chỉ đến từ sự sa sút của những “ông lớn” một thời và còn do sự bứt phá mạnh mẽ của những ngân hàng mới nổi nhưng kết quả kinh doanh đã vô cùng ấn tượng, đặc biệt chính là cái tên VPBank.

Những năm trở lại đây hệ thống ngân hàng ghi nhận một “hiện tượng ngân hàng” với kết quả lợi nhuận tăng trưởng chóng mặt đó là VPBank. Từ một ngân hàng cỡ vừa với quy mô tổng tài sản chỉ xấp xỉ 100 nghìn tỷ đồng vào năm 2012, chỉ chưa đầy 4 năm trở lại đây, tổng tài sản VPBank đã tăng gấp đôi lên con số 205.740 tỷ đồng tại thời điểm ngày 30/9/2016.

Trong khi đó, lợi nhuận của VPBank cũng luôn tăng trưởng ấn tượng. Kết thúc năm 2015, giới ngân hàng còn phải đặt tên cho lợi nhuận của VPBank là “hiện tượng” với 3.096 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Thậm trí, 9 tháng đầu năm 2016 VPBank còn tiếp tục phá đỉnh với 3.146 tỷ đồng lãi trước thuế, và chễm chệ vị thế số 1 về kết quả lợi nhuận trong khối ngân hàng TMCP, vượt mặt Techcombank, MBBank và bỏ xa ACB.

Đi liền với thành công của VPBank chính là công ty con FE Credit, với lĩnh vực cho vay tài chính tiêu dùng. FE Credit đã nhanh chóng trở thành “mỏ vàng” của VPBank và đóng góp rất nhiều vào kết quả lợi nhuận chung của VPBank. Nếu như năm 2015, FE Credit đóng góp tới 1/3 trong tổng số 3.096 tỷ đồng lợi nhuận thì 9 tháng đầu năm 2016, lợi nhuận của 2 công ty con là VPBank AMC và FE Credit đã đóng góp tới hơn 1 nửa kết quả lợi nhuận của VPBank.

 

Top 5 lợi nhuận ngân hàng thương mại cổ phần ngày ấy giờ ra sao? - Ảnh 2

Top 5 ngân hàng có kết quả lợi nhuận cao nhất khối ngân hàng TMCP đã công bố BCTC sau 9 tháng đầu năm 2016 thuộc về VPBank, Techcombank, MBBank, ACB và SHB. Ảnh: QT.

SHB cũng là cái tên ngân hàng khá nổi thời gian gần đây, với kết quả lợi nhuận luôn nằm trong top 5, 9 tháng đầu năm nay SHB đạt 788 tỷ đồng lãi trước thuế, xếp thứ 5 về kết quả lợi nhuận trong khối. SHB cũng là cái tên với nhiều tham vọng khi sở hữu mức tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm nay lên tới 18%. Với việc sáp nhập Công ty tài chính Vinaconex Viettel để thành lập công ty tài chính riêng biệt phát triển và khai thác mảng tín dụng tiêu dùng mà chính VPBank đã gặt hái được rất nhiều thành công, sẽ không có gì bất ngờ nếu tương lai hệ thống ngân hàng có thêm những “hiện tượng” như VPBank.

Quang Thắng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục