Tỷ giá USD tăng mạnh dấy lên mối lo về tình hình cung - cầu ngoại tệ trên thị trường

Ty giá mua bán USD (đôla Mỹ) liên tục tăng nóng và lên mức sát trần bất chấp các thông tin trấn an của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Cuối tuần trước, VietinBank nâng giá bán lên mức kịch trần 21.246 đồng/USD, giá mua vào cũng đạt mức khá cao là 21.185 đồng/USD, tăng 35 đồng chiều mua và 36 đồng chiều bán ra so với cuối tuần trước.

Tương tự, Techcombank tăng lần lượt 20 đồng và 16 đồng, giao dịch ở mức 21.160 đồng (mua vào) - 21.246 đồng/USD (bán ra).

Tại Vietcombank, ngân hàng này niêm yết cặp tỷ giá VND/USD ở mức 21.190 đồng - 21.240 đồng, tăng 30 đồng so với cuối tuần qua. BIDV tăng lần lượt 35 đồng và 30 đồng/USD, giao dịch là 21.185 đồng - 21.240 đồng/USD.

Cùng xu hướng tăng giá, Eximbank tăng 10 đồng và 30 đồng/USD mỗi chiều, lên 21.150 đồng - 21.240 đồng/USD…

Như vậy, đây là lần thứ hai trong vòng khoảng 10 ngày qua, tý giá USD/VND được ngân hàng tăng lên mức kịch trần biên độ cho phép.

Tỷ giá USD tăng mạnh dấy lên mối lo về tình hình cung - cầu ngoại tệ trên thị trường - Ảnh 1

Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá giao dịch bình quân liên ngân hàng hiện giữ ở mức 21.036 đồng/USD. Với biên độ dao động cho phép +,-1%, mức giá cao nhất ngân hàng thương mại được phép niêm yết là 21.246 đồng /USD.

Diễn biến tăng nóng của tỷ giá mấy ngày qua tại các ngân hàng gây nhiều lo ngại về sự thiếu hụt của nguồn cung ngoại tệ trên thị trường.

Liên quan đến các biến động tỷ giá mới đây sau khi tỉ giá trên thị trường tự do tăng cao và tỷ giá của các NH cũng rục rịch tăng, Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh cho rằng, không loại trừ khả năng việc một số NH nâng giá bán ngoại tệ đón đầu. Tuy nhiên theo vị này, nếu biến động tỷ giá vẫn nằm trong biên độ cho phép và không gây xáo trộn thị trường, NHNN sẽ không can thiệp.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Trần Hoàng Ngân cho rằng, tỷ giá tăng chủ yếu do yếu tố tâm lý nhiều hơn là nhu cầu thị trường. Ông Ngân lý giải, hiện nay nguồn cung ngoại tệ phong phú, 5 tháng đầu năm xuất siêu 1,6 tỷ USD, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư, dự trữ ngoại hối tăng thì chẳng có lý do gì để tỷ giá sẽ tăng kéo dài cả.

Bên cạnh đó, theo ông Ngân, tỷ giá mang yếu tố giá cả nên thể hiện cung cầu, mà nguồn cung ngoại tệ của Việt Nam lại đang dồi dào nên nếu tỷ giá tăng thì cũng chỉ biến động cung-cầu cục bộ trong thời gian ngắn.

"Trên tổng thể Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể kiểm soát được và điều hành theo mong muốn của mình để phục vụ cho chính sách tiền tệ và chính sách phát triển kinh tế trong thời gian tới," ông Ngân nhấn mạnh.

Còn chuyên gia tài chính, ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu lại cho rằng, mặc dù trước đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã trấn an là có đủ ngoại tệ để can thiệp ổn định tỷ giá trong biên độ đề ra từ đầu năm nhưng mức độ can thiệp vẫn còn hạn chế.

Theo ông Hiếu, sự biến động tỷ giá, giá vàng vẫn do yếu tố tâm lý của người dân trước tình hình Biển Đông bất ổn, kinh tế đang gặp khó khăn và không loại trừ yếu tố đầu cơ, trục lợi.

Lời khuyên của TS Hiếu đối với người dân hiện nay là không nên kinh doanh vàng và USD trong lúc này và không nên chạy theo sóng đầu cơ. Nếu như có tâm lý đầu cơ tỉ giá hay vàng trong thời điểm này chỉ có thiệt hại, vì NHNN sẽ can thiệp và điều chỉnh bất cứ lúc nào. Bởi với tỉ giá, dù NH đẩy lên kịch trần nhưng biên độ cũng chỉ 1% trong giới hạn cho phép và có điều chỉnh thì cũng không quá mức mà NHNN đã cam kết.

Ông Hiếu cũng đưa ra nhận định, tình hình chưa đáng ngại khi tất cả các ngân hàng thương mại đều giữ chênh lệch giá mua vào-bán ra ở mức bình thường khoảng 50 đồng/USD. Ngoài ra, cầu ngoại tệ của các nhà băng chưa có biểu hiện căng thẳng, họ chưa quyết mua bằng được bằng cách đẩy giá mua vào áp sát giá bán.

Tuy nhiên, ông Hiếu vẫn đưa ra kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần có sự can thiệp mạnh mẽ hơn để thị trường ngoại tệ được ổn định.

Biến động đưa giá bán USD lên sát trần cho phép của Ngân hàng Nhà nước cũng đưa đến một số nhận định cho rằng, đã đến lúc cần có sự can thiệp và bình ổn kịp thời của Ngân hàng Nhà nước.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã lý giải về “cơn sốt” tỷ giá thời gian gần đây. Theo Thống đốc Bình, sau sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên thềm lục địa của Việt Nam, tâm lý của người dân phần nào cũng đã ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối, thị trường vàng đặc biệt trong những ngày đầu.

“Những ngày qua, tỷ giá lại điều chỉnh tăng, có những thời điểm sát với trần quy định của NHNN, theo quan điểm của tôi ngoài yếu tố tâm lý, chủ yếu do kỳ vọng của xã hội vào việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN”, Thống đốc nói.

Cũng theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, trong năm 2014, NHNN có chủ trương giữ ổn định tỷ giá và nếu phải điều chỉnh sẽ không quá 2%. Tính đến ngày 9/6, thời gian cũng đã là một nửa năm nhưng NHNN chưa tiến hành điều chỉnh tỷ giá và tỷ giá tiếp tục ổn định. Do vậy trong xã hội cũng có kỳ vọng sẽ điều chỉnh tỷ giá.

Ở khía cạnh đáng chú ý, một tổ chức đầu tư dẫn nhận định của một số NH cho rằng, chính nhu cầu mua USD của doanh nghiệp cho việc thanh toán cũng như trả nợ cho các khoản vay USD trước đó tăng lên, trong khi họ lại hạn chế bán USD cũng là yếu tố khiến tỉ giá tăng mạnh bên cạnh tác động tâm lý.

Tuy nhiên theo tổ chức đầu tư này, với lượng dự trữ ngoại hối lên đến 35 tỷ USD và cam kết điều chỉnh tỷ giá không quá 2% trong năm nay, điểm nóng tỉ giá sẽ sớm được cân bằng trở lại và không còn là mối lo đối với khối nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

N.N.(Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục