Xử lý nợ xấu: Sacombank chỉ còn nhờ cậy VAMC

Từng có kế hoạch tuyển dụng thêm hàng nghìn nhân sự, nhưng kế hoạch của Sacombank đã tan thành mấy khói vì khó khăn trong việc xử lý nợ xấu.

Trông cả vào VAMC

Từng được biết đến là một trong những Ngân hàng tốt nhất Việt Nam với hệ thống mạng lưới rộng khắp. Thế nhưng, sau khi sáp nhập Southern Bank vào tháng 10/2015, hoạt động kinh doanh Sacombank trở nên sa sút, với gánh nặng nợ xấu “khủng” từ Southern Bank. 

Mấy năm qua, Sacombank loay hoay với bài toán xử lý nợ xấu, lợi nhuận được bao nhiêu đều dùng để trích lập dự phòng. 

Xử lý nợ xấu: Sacombank chỉ còn nhờ cậy VAMC - Ảnh 1

Theo đề án tái cấu trúc sau sáp nhập thì Sacombank có thời hạn tối đa là 10 năm để giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, Ngân hàng này đặt mục tiêu rút ngắn thời gian xử lý các vấn đề cơ bản xuống còn 3 - 5 năm (sau 3 năm có thể giải quyết khoảng 70% và sau 5 năm cơ bản sẽ xử lý dứt điểm).

Bên cạnh đó, NHNN đã chỉ định Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thực hiện quyền cổ đông (quyền biểu quyết và quyền đề cử) tại Southern Bank, Sacombank và Sacombank sau sáp nhập. 

Theo số liệu từ báo cáo tài chính của Sacombank, thì từ năm 2014, Sacombank đã bắt đầu bán các khoản nợ xấu cho VAMC và con số này liên tục tăng mạnh. Vì thế cho đến nay, VAMC đóng vai trò là cổ đông tổ chức lớn nhất tại Sacombank.

Theo đó, năm 2014, Sacombank thực hiện bán cho VAMC 4.935 tỷ đồng tiền nợ xấu. Năm 2015 con số này tăng lên 14.142 tỷ đồng và đến cuối năm 2016, tổng số nợ xấu Sacombank bán cho VAMC đã tăng lên 37.301 tỷ đồng, thu hồi được 521 tỷ trái phiếu VAMC. 

Như vậy, chỉ tính riêng năm 2016, Sacombank đã bán nợ xấu cho VAMC với tổng giá trị là 23.680 tỷ đồng và thực hiện xử lý dự phòng rủi ro là 209 tỷ đồng. Đồng thời nhận các trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành với mệnh giá là 23.471 tỷ đồng.  

Sang năm 2017, tính đến ngày 30/6/2017, tổng số nợ xấu Sacombank đã chuyển nhượng cho VAMC là 38.758 tỷ đồng. 

Xử lý nợ xấu: Sacombank chỉ còn nhờ cậy VAMC - Ảnh 2

Như vậy, nếu tính cả nợ xấu bán cho VAMC và một số khoản phải thu ừ Ngân hàng Phương Nam (đang được ghi nhận là nợ tiêu chuẩn), ước tính tổng giá trị nợ xấu của Sacombank là 59.426 tỷ đồng (chiếm 29,9% tổng dư nợ). 

Ngừng kế hoạch tuyển nghìn nhân sự mới

Ngày 1/8, cùng với thông tin ông Trầm Bê bị bắt do có liên quan đến đại án Phạm Công Danh, Chủ tịch HĐQT Sacombank - ông Dương Công Minh cũng cho biết hiện ông Trầm Bê đang nợ Sacombank gần 43.000 tỷ đồng. Khoản nợ này đều có tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, thông tin này cũng ít nhiều ảnh hưởng tới việc kinh doanh của Sacombank, đồng thời gia tăng mối lo về nợ xấu.

Trong khi nợ xấu Sacombank bán cho VAMC ngày một tăng cao, mới đây, Ngân hàng này lại tiếp tục quyết định bán thêm hàng nghìn tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Cụ thể là: 

Ngày 31/8/2017, Sacombank đã ký hợp đồng mua bán nợ xấu của nhóm CTCP Hoàn Cầu với VAMC để đổi lấy trái phiếu đặc biệt. Theo đó, CTCP Hoàn Cầu Khánh Hòa có tổng dư nợ gốc tại Sacombank là 1.300 tỷ đồng, nợ lãi và phí trên 84 tỷ đồng. VAMC đã mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt trị giá 1.300 tỷ đồng. Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang có nợ gốc là 1.100 tỷ đồng, tổng nợ lãi và phí trên 93 tỷ đồng. VAMC đã mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt trị giá 1.100 tỷ đồng.

Như vậy, tổng nợ gốc của nhóm Công ty Hoàn Cầu là 2.400 tỷ đồng; lãi và phí 177 tỷ đồng. Khoản nợ đều có tài sản đảm bảo gồm quyền sử dụng đất của một loạt các lô đất tại TP.HCM.

Được biết từ năm 2014, Sacombank đã cho nhóm Công ty Hoàn Cầu vay nhiều khoản nợ. Hiện trạng hồ sơ cho thấy tài sản đảm bảo của nhóm Công ty Hoàn Cầu đối với khoản nợ đã vay là 08 quyền sử dụng đất, tổng diện tích 51.454 m2 (hơn 5,1 ha) tại phường Tân Thuận Tây và phường Bình Thuận, quận 7 (TP. HCM) do Công ty TNHH Hoàn Cầu sở hữu.

Các lô đất này dự kiến được xây dựng thành khu chung cư cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ. Đất đã được đăng ký giao dịch đảm bảo, tổng giá trị định giá khi cho vay của các lô đất trên 2.418 tỷ đồng.

Việc đánh đổi danh tiếng gần ba thập kỷ, không thanh toán (nổi) khoản nợ gần 2.400 tỷ đồng phần nào phản ánh sự xuống dốc của tập đoàn nổi tiếng gắn liền với gia đình cố nữ doanh nhân Trần Thị Hường, hay còn được biết đến với tên gọi bà Tư Hường - Chủ tịch Tập đoàn Hoàn Cầu, người vừa qua đời Hồi tháng 5/2017.

Tiếp đến, ngày 28/9/2017, Sacombank lại tiếp tục bán 3 khoản nợ theo giá thị trường với tổng dư nợ trên 2.580 tỷ đồng cho VAMC, các khoản nợ này đều có tài sản đảm bảo là bất động sản, máy móc thiết bị có giá trị tại Đà Nẵng và TP HCM.

Cùng ngày, Sacombank và VAMC đã ký thỏa thuận hơp tác về việc xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng của Sacombank đã bán cho VAMC trên cơ sở các quy định tại Nghị quyết 42/2017/H14, Chỉ thị 32 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 06 của Ngân hàng Nhà nước và Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập của Sacombank.

Theo tiết lộ của ông Dương Công Minh, 9 tháng đầu năm nay, Ngân hàng đã xử lý được 6.000 tỷ đồng nợ xấu và mục tiêu từ giờ đến cuối năm xử lý thêm 14.000 tỷ đồng nợ xấu. Việc xử lý nợ xấu có đạt mục tiêu hay không, theo ông Minh, phụ thuộc rất lớn vào sự hỗ trợ của VAMC.

Một điểm đáng chú ý khác được ông Minh cho hay là ngày 2/10 tới đây, Ngân hàng sẽ tiến hành kiện toàn bộ máy lãnh đạo mới (gồm Hội đồng quản trị, Ban điều hành), sẽ không tuyển thêm, thay vào đó sắp xếp lại các vị trí phù hợp với chức năng nhiệm vụ nhân sự.

Vì sao các ngân hàng phải bán nợ cho VAMC?

Theo nghị định trên, tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu từ 3% trở lên hoặc một tỷ lệ nợ xấu khác do NHNN quy định không bán nợ xấu cho VAMC được NHNN xem xét, áp dụng các biện pháp sau: tiến hành thanh tra hoặc yêu cầu tổ chức tín dụng thuê công ty kiểm toán hoặc tổ chức định giá độc lập đánh giá lại chất lượng và giá trị tài sản, vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ của tổ chức tín dụng đó.

Do vậy, mục đích đầu tiên của các ngân hàng khi bán nợ xấu cho VAMC là xử lý nợ xấu. Những khoản nợ được cho là đủ điều kiện mua lại của VAMC sẽ được ra khỏi bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, giảm tỷ lệ nợ xấu và cải thiện tính thanh khoản.

Thứ hai, ngân hàng sẽ có thể tạm thời thế chấp trái phiếu của VAMC tại NHNN khi có nhu cầu huy động vốn. Như vậy, với những ngân hàng nợ xấu cao thì khi bán nợ cho VAMC họ có thể vay mượn tiền từ NHNN. Những ngân hàng mất khả năng thanh khoản trầm trọng do nợ xấu cao sẽ nhận được nguồn tiền để tiếp tục tồn tại. Mỗi năm họ chỉ phải trích lập dự phòng 20% nợ xấu trong vòng 5 năm thay vì phải trích lập dự phòng ngay lập tức. 

Theo Vnfinance.vn

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục