Ông Trần Mộng Hùng: Gây dựng 'đế chế’ ACB và chuyện chuyển giao thế hệ đặc biệt

Ông Trần Mộng Hùng là một trong những người sáng lập ra Ngân hàng ACB. Thời điểm khó khăn nhất của ngân hàng này cũng là thời điểm diễn ra chuyển sự giao thế hệ khi con trai ông Hùng là ông Trần Hùng Huy trở thành Chủ tịch HĐQT ACB.

Cựu Chủ tịch ACB Trần Mộng Hùng
Cựu Chủ tịch ACB Trần Mộng Hùng

Trở lại ‘ghế nóng’ để vực dậy 1 ‘đế chế’ ngân hàng

Ông Trần Mộng Hùng là một trong những người đã sáng lập ra Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Từ giảng viên của Trường cao cấp Nghiệp vụ Ngân hàng (từ năm 1978 đến năm 1980), với nền tảng nghiên cứu chuyên sâu về ngành ngân hàng, ông Hùng bắt đầu cơ duyên với ACB từ những năm 1990, khi hệ thống ngân hàng được phân thành hai cấp là ngân hàng nhà nước và thương mại.

Sau 15 năm lèo lái ACB trên cương vị cao nhất là chủ tịch HĐQT, ACB trở thành ngân hàng thương mại cổ phần lớn mạnh, được các ngân hàng nước ngoài đánh giá cao vì nghiệp vụ vững; các quy trình về thẩm định khách hàng của ACB cũng được cho là "đầy đủ và chuẩn chỉ". Năm 2008, ông Hùng rút khỏi ban quản trị ACB và lui về vai trò cố vấn.

Đại án liên quan đến bầu Kiên vào năm 2012, ACB đã đưa ông Trần Mộng Hùng trở lại ban quản trị của ACB để giúp ACB đi qua muôn vàn khó khăn về cả tài chính lẫn nhân sự. Chỉ trong vòng 1 năm, tổng tài sản của ACB đã “bay” hơn 100.000 tỷ đồng, lợi nhuận năm 2012 sụt giảm đến 75% về mức thấp nhất 5 năm.

Từ một ngân hàng lớn mạnh, ACB phải tiến hành tái cơ cấu sau “cơn bão” bầu Kiên để trở lại thời kỳ huy hoàng dưới thời ông Trần Mộng Hùng. Ông Hùng cho biết, việc trở lại ngân hàng lần này là do sự yêu cầu của các cổ đông lớn để ông tham gia quản trị, hỗ trợ ACB vượt qua giai đoạn khó khăn.

“Minh bạch, lành mạnh là con đường chúng tôi đã chọn. Còn khó khăn của ACB hiện nay là tạm thời. Vừa rồi ngân hàng có những vấn đề của nó. Yêu cầu đặt ra là phải làm sao xử lý được những tồn tại vừa qua, làm sao để ngân hàng thực sự chuyên nghiệp, bắt nhịp được sự phát triển của nền kinh tế. Đó cũng là kỳ vọng của các cổ đông”, ông Hùng nói ở thời điểm trở lại ban quản trị ACB.

Sau sự trở lại của ông Trần Mộng Hùng, sự tăng trưởng của ACB được nhìn thấy rõ ràng qua mỗi năm. Lợi nhuận cũng dần trở lại mức vài nghìn tỷ đồng mỗi năm sau khi lao dốc vào năm 2012.

Ngày 18/4/2018, ông Trần Mộng Hùng rời vị trí thành viên HĐQT ACB. Đến thời điểm trước khi qua đời, ông giữ vị trí Phó Chủ nhiệm Ủy ban quản lý rủi ro và không nắm giữ cổ phần nào tại ngân hàng này.

Cha truyền con nối: Sự chuyển giao thế hệ đặc biệt

Sự trở lại hùng mạnh của ACB sau giai đoạn tái cơ cấu không chỉ có công của nhà sáng lập Trần Mộng Hùng mà còn phải kể tới vị chủ tịch trẻ tuổi trong ngành ngân hàng, ông Trần Hùng Huy.

Ông Hùng Huy là con trai của ông Trần Mộng Hùng. Sau sự cố bầu Kiên vào năm 2012, ông Trần Hùng Huy khi ấy mới chỉ 34 tuổi đã được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch HĐQT ACB.

Ngồi vị trí ghế nóng vào đúng giai đoạn khó khăn nhất của ACB, nhiều nhà đầu tư cho rằng đây chỉ là kế hoạch tạm thời trong lúc tìm ra người phù hợp. Tuy nhiên, ông Trần Hùng Huy đã chứng minh tài năng quản trị sau nhiều năm học tập tại nước ngoài.

Với sự hỗ trợ của ông Trần Mộng Hùng và các thành viên lãnh đạo khác của ACB, Chủ tịch Trần Hùng Huy đã đưa ra nhiều quyết định, để lại nhiều dấu ấn trong quá trình vực lại ACB.

Sau khi ông Trần Mộng Hùng rời ban quản trị vào năm 2018, dưới sự lèo lái của Chủ tịch Trần Hùng Huy, ACB không chỉ duy trì được sự tăng trưởng mà còn có bước tiến vượt bậc. Lợi nhuận trước thuế năm 2018 tăng gấp 2,4 lần, đạt hơn 6.388 tỷ đồng. Đây là mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất, cũng là mức lợi nhuận cao kỷ lục của ACB ở thời điểm đó, hơn cả thời kỳ hoàng kim của ngân hàng này.

Những khoản nợ xấu liên quan đến sự cố bầu Kiên cũng không còn ghi nhận tại ngân hàng này từ năm 2018. Tiếp những năm sau đó, thu nhập và lợi nhuận của ACB chưa từng tăng trưởng âm và tiến tới mức trên 10.000 tỷ đồng vào năm 2021.

Kể từ năm 2012 đến nay, ông Trần Hùng Huy đã có gần 12 năm ngồi ghế nóng chủ tịch ACB mà không vấp phải sự nghi ngờ nào về năng lực quản trị từ cổ đông.

Hình thức “cha truyền con nối” vốn không hiếm thấy tại các doanh nghiệp lớn. Trong ngành ngân hàng, sự chuyển giao thế hệ đặc biệt nhất và thành công nhất phải kể đến ACB khi diễn ra ngay trong giai đoạn khó khăn nhất của ngân hàng này.

ACB hiện là một trong những ngân hàng lớn mạnh tại Việt Nam. Tính đến cuối quý I/2024, tổng tài sản của ACB hơn đạt 727.297 tỷ đồng, đứng vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng các nhà băng có tổng tài sản lớn nhất. Quy mô vốn điều lệ đứng vị trí thứ 6, đạt hơn 38.840 tỷ đồng.

Thu An

VietnamFinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục