Ai là thủ phạm của các chữ viết và chữ ký giả trong vụ chuyển nhượng trái pháp luật lô đất 03 thành đất ở tại TP. Hải Dương?

(Kinhdoanhnet) - Những điều khuất tất mà chúng tôi đã đề cập ở phần trên là tại bản Hợp đồng chuyển nhượng này, chữ ký và chữ viết: Họ và tên của bà Phạm Thị Hương xem ra cũng là giả mạo. Còn chữ ký và chữ viết của ông Nguyễn Văn Hàn, do không tìm gặp được chủ nhân của nó nên chúng tôi chưa xác định được chữ ký đó là thật hay giả?

Cách nay ít ngày, báo Kinh doanh & Pháp luật số ra ngày 1-10-2014 đăng bài: “Trở lại vụ chuyển đổi trái pháp luật lô đất 2397 mét vuông đất 03 thành đất ở của trùm tín dụng đen Phạm Thị Hương: Những dấu hiệu hình sự nằm ở đâu?”. Trước đó, một bạn đọc gửi thư về tòa soạn đề nghị luật gia của báo cho biết: Pháp luật về hình sự quy định tội giả mạo công tác và những dấu hiệu pháp lý đặc trưng cũng như khung hình phạt dành cho loại tội phạm này như thế nào?

Sau khi nhận được câu hỏi của bạn đọc, luật sư của báo đã trả lời rằng; “Tội giả mạo công tác là hành vi cố ý trực tiếp lợi dụng chức vụ, quyền hạn sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; làm, cấp giấy tờ giả, giả mạo chữ ký người có chức vụ, quyền hạn, do người có chức vụ quyền hạn và đạt tuổi luật hình sự quy định thực hiện vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Về mặt khách thể của tội giả mạo trong công tác là những quan hệ xã hội liên quan đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức. Còn về mặt chủ quan của loại tội phạm này là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; làm và cấp giấy tờ giả, giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn. Động cơ phạm tội vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.

Theo điều 284 của Bộ luật hình sự nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thì khung hình phạt đối với tội danh này được quy định như sau: Khung cơ bản có mức phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Khung tăng nặng thứ nhất có mức phạt tù từ 3 đến 10 năm. Khung tăng nặng thứ 2 có mức phạt tù từ 12 đến 20 năm. Điều 284 BLHS còn quy định: Hình phạt bổ sung dành cho người phạm tội là bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đến 30 triệu đồng”.

Chữ ký thật của bà Hương tại Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất ngày 10/7/2006
Chữ ký thật của bà Hương tại Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất ngày 10/7/2006

Vâng! Xin thưa bạn đọc, quy định trong bộ luật hình sự đã chỉ rõ như đinh đóng cột là thế, vậy mà trong bộ hồ sơ chuyển đổi lô đất 03 với diện tích 2397 mét vuông ở khu 10, phường Bình Hàn, TP. Hải Dương của bà trùm tín dụng đen Phạm Thị Hương mà báo Kinh doanh & Pháp luật đã có nhiều bài viết khẳng định là có quá nhiều khuất tất và có dấu hiệu hình sự quá rõ ràng. Khuất tất và có dấu hiệu hình sự như nhóm PV báo Kinh doanh & Pháp luật đã từng chỉ ra là nằm ngay trong bộ hồ sơ xin chuyển đổi lô đất 03 thành đất ở với hàng loạt các chữ ký, chữ viết giả mạo. Những chữ ký và chữ viết đó không cần phải qua khâu giám định hình sự, chỉ cần mắt thường, ai đó đều có thể phát hiện được.

Xin được bắt đầu từ bản Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 56/CN ngày 16-3-2006. Theo bản hợp đồng này thì bên chuyển nhượng là bà Lương Thị Lan, tuổi 70, nghề nghiệp làm ruộng, còn hộ khẩu thường trú ghi hết sức chung chung: Khu 7 phường Bình Hàn. Còn bên nhận chuyển nhượng là bà Phạm Thị Hương, hộ khẩu thường trú tại 12 Bắc Sơn, TP. Hải Dương. Cũng theo văn bản này thì thửa đất chuyển nhượng có diện tích 395 mét vuông; tổng giá trị chuyển nhượng là 11.850.000 đồng. Hợp đồng này lập tại Ủy ban phường Bình Hàn vào ngày 16-3-2006 và có hiệu lực kể từ ngày được UBND cấp có thẩm quyền xác nhận được chuyển nhượng. 

Phần cuối của bản Hợp đồng này là ghi tên và chữ ký của bên chuyển nhượng là bà Lương Thị Lan và bên nhận chuyển nhượng là bà Phạm Thị Hương. Bình thường chuyện đó xem ra cũng là việc bình thường, song điều mà khiến cho nhóm PV báo Kinh doanh & Pháp luật, cũng như dư luận ngạc nhiên đến ngỡ ngàng là chữ ký của cả bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển quyền sử dụng đất đều không phải là chữ ký của các chủ nhân của nó là bà Lương Thị Lan và Phạm Thị Hương; bởi thoáng nhìn qua, người ta cũng có thể xác định đó là chữ ký giả mạo. 

Chữ ký thật của bà Lan viết ra giấy
Chữ ký thật của bà Lan viết ra giấy

Để khẳng định thêm điều này, phóng viên của báo Kinh doanh & Pháp luật đã tìm gặp bà Lương Thị Lan, hiện đang cư trú tại số nhà 4, ngõ 215, phố Quyết Thắng, Khu 7, phường Bình Hàn, TP. Hải Dương. Thời điểm này, bà Lan đã bước sang tuổi 78. Mặc dù đã vào độ tuổi của lớp người “xưa nay hiếm”, song bà còn khá minh mẫn. Có điều ở vào lớp người như bà Lan , do hoàn cảnh lịch sử, bà mới chỉ học qua lớp 1. Có lẽ vì thế mà bà chỉ biết ký, nhiều chữ cái bà còn chưa thuộc hết. Tiếp xúc với chúng tôi, bà khẳng định: Chữ ký và chữ viết, họ và tên bà trong bản hợp đồng nói trên là không phải do bà ký và viết. Bà Lan còn cho biết: bà cũng chưa từng ký vào bản Hợp đồng nào bán đất cho bà Phạm Thị Hương ở khu 10, phường Bình Hàn, TP. Hải Dương. Dời gia đình bà Lan, đi tìm hiểu về nguồn gốc lô đất này, hỏi một số người dân nơi đây, người thì nói: đó là đất công; còn người khác thì lại cho rằng, đầu tiên là đất ao, sau là đất trồng cây hàng năm rồi đến trồng cây lâu năm, nay nó được phù phép trở thành đất ở?

Chữ ký giả, chữ viết giả của cả bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng rõ như ban ngày là thế, vậy mà trong tờ trích lục tờ bản đồ địa chính đất nông nghiệp số 04 thửa 271-260; cán bộ địa chính, phường Bình Hàn - ông Lương Đình Tươi vẫn ký cam kết: “Đảm bảo thửa đất trên là đúng”. Còn cán bộ phòng Tài nguyên và Môi trường Phạm Ngọc Hoàng thì ký xác nhận: “đã kiểm tra trích lục trên là đúng”. Sau đó các văn bản trên được chuyển đến cấp cao hơn và tại đó đã được các ông Nguyễn Đức Thăm , Chủ tịch UBND TP. Hải Dương, ông Nguyễn Văn Thao, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Hải Dương; ông Nghiêm Viết Thành, Chủ tịch UBND phường Bình Hàn ký ban hành.

Chữ ký giả của bà Lan và bà Hương trong Hợp đồng chuyển nhượng sử dụng đất số 56/CN
Chữ ký giả của bà Lan và bà Hương trong Hợp đồng chuyển nhượng sử dụng đất số 56/CN

Điều khó hiểu là khi phóng viên đến làm việc với UBND phường Bình Hàn để thẩm tra lại nguồn gốc lô đất 2640,5 mét vuông đất của bà Phạm Thị Hương thì được ông Lương Đình Tươi - Người đã ký xác nhận vào bản hợp đồng chuyển nhượng đất số 56, nay là Phó chủ tịch UBND phường Bình Hàn cho biết: Hiện ở phường không lưu hồ sơ nguồn gốc lô đất nói trên mà do TP. Hải Dương quản lý và lưu giữ?

Chưa hết; cũng liên quan đến vụ việc này, khiến dư luận cũng khó hiểu và chưa thể tìm được câu trả lời là tại tờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà Lương Thị Lan ở Đội 4, phường Bình Hàn, TP. Hải Dương; ngày 6-1-2004, ông Mai Đức Chọn - Chủ tịch UBND TP. Hải Dương đã ký thì bà Lan được quyền sử dụng: 885m2 đất; trong khi theo lời bà Lương Thị Lan khi trao đổi với phóng viên, bà không hề có đất ở khu vực này, bà cũng không hề viết và ký tên vào bản Hợp đồng chuyển nhượng đất cho bà Phạm Thị Hương. Sự việc đó nói lên điều gì? Thưa bạn đọc? Vậy mà các văn bản trên vẫn được ban hành?

Đường đi, nước bước giống hệt như thủ tục chuyển nhượng đất của bà Lương Thị Lan cho bà Phạm Thị Hương là bản Hợp đồng chuyển nhượng đất của ông Nguyễn Văn Hàn cho bà Phạm Thị Hương. Theo đó, ngay từ ngày 19 - 4 - 2002, ông Nguyễn Văn Hàn ở khu 10, phường Bình Hàn, TP. Hải Dương đã được ông Mai Đức Chọn, Chủ tịch UBND TP. Hải Dương ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 413m2 đất ao. Sau đó đến ngày 16-3-2006, chưa rõ vì lý do gì và có phải chữ ký của ông Hàn hay không, chỉ biết rằng, tại ngày đó ở trụ sở UBND phường Bình Hàn đã diễn ra việc ký Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa một bên là ông Nguyễn Văn Hàn; tuổi 70. Nghề nghiệp: hưu trí, hộ khẩu ghi trong Hợp đồng ghi chung chung: Quang Trung, TP. Hải Dương. Còn bên nhận chuyển nhượng vẫn là cái tên: Phạm Thị Hương; nghề nghiệp ghi trong Hợp đồng: Kinh doanh. Hộ khẩu thường trú: 12 Bắc Sơn, Quang Trung, Hải Dương. 

Theo bản Hợp đồng này thì diện tích đất mà ông Nguyễn Văn Hàn chuyển nhượng cho bà Phạm Thị Hương là 387m2, trong đó 134m2 đất ao, 253m2 đất trồng cây hàng năm; giá chuyển nhượng quyền sử dụng lô đất trên là 11.610.000 đồng. Cũng tại văn bản này, ông Lương Đình Tươi khi đó là cán bộ địa chính phường ký xác nhận trong tờ trích lục bản đồ địa chính đất nông nghiệp số 04: “Tôi là Lương Đình Tươi đảm bảo thửa đất trên là đúng”. Tương tự như thế; cán bộ phòng tài nguyên và môi trường ký xác nhận: “Tôi là Phạm Ngọc Hoàng đã đi kiểm tra trích lục trên là đúng”. Bước tiếp theo là các chữ ký của các ông: Nghiêm Viết Thành, Chủ tịch UBND phường Bình Hàn; ông Nguyễn Đức Thăm, Chủ tịch UBND TP. Hải Dương. Lẽ đương nhiên là Hợp đồng chuyển nhượng lô đất nói trên có hiệu lực. Những điều khuất tất mà chúng tôi đã đề cập ở phần trên là tại bản Hợp đồng chuyển nhượng này, chữ ký và chữ viết: Họ và tên của bà Phạm Thị Hương xem ra cũng là giả mạo. Còn chữ ký và chữ viết của ông Nguyễn Văn Hàn, do không tìm gặp được chủ nhân của nó nên chúng tôi chưa xác định được chữ ký đó là thật hay giả?

Thật - giả, giả - thật đều thể hiện trên các văn bản có tính pháp lý và có liên quan đến nhiều quan chức có trách nhiệm ở TP. Hải Dương. Về vụ việc này như luật sư của báo Kinh doanh & Pháp luật đã khẳng định là có dấu hiệu hình sự cần phải được làm rõ. Điều nguy hiểm là từ những bản Hợp đồng chuyển nhượng đất 03 này, với sự tiếp tay của một số quan chức, bà Phạm Thị Hương đã được phù phép thành đất ở gây thiệt hại cho nhà nước thành hàng chục tỷ đồng. 

Câu hỏi mà dư luận đặt ra là ai là thủ phạm của các chữ viết và chữ ký giả?

Nhóm PVĐT

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục