Cát Quế - Hoài Đức: Chiếm đất di tích lịch sử cấp quốc gia cho thuê thầu trục lợi

(Kinhdoanhnet) – Một khu di tích lịch sử quốc gia rộng hơn 18 nghìn m2 mênh mông rợp bóng cây, giờ đây bỗng chốc trơ trọi chỉ còn lại ngôi đền với ba gian nhà ngang sơ sài … đó là thực trạng tại Đền Vật, thôn Quế Dương, xã Cát Quế (Hoài Đức, Hà Nội).

Trước đây, Khu di tích Đền Vật như một rừng cây, rộng mênh mông hơn 18 nghìn m2, cũng dưới bóng cây này trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, xưởng quân giới của quân đội Việt Nam ngày đêm sửa chữa vũ khí, khí tài góp phần vào chiến thắng của đất nước. Năm 1997, Bộ Văn hóa & Thông tin xếp hạng Đền Vật là di tích lịch sử quốc gia, với quy hoạch quần thể khu di tích, diện tích 18.095 m2, nằm tại thửa 61 trên bản đồ giải thửa của xã.

Cát Quế - Hoài Đức: Chiếm đất di tích lịch sử cấp quốc gia cho thuê thầu trục lợi - Ảnh 1

Khu di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Đền Vật

Tuy nhiên, tại thời điểm phóng viên có mặt tại Đền Vật, bốn bề di tích bị bao quanh bởi dàn lưới mắt cáo, chỉ còn lại vùng lõi gồm Đền thờ chính và ba gian nhà ngang. Quần thể di tích bị thu hẹp đến khó tin, từ một khu rừng thu nhỏ mênh mông, giờ còn lại dăm ba gốc cây cùng khoảng sân đền nắng chang chang ….

Cát Quế - Hoài Đức: Chiếm đất di tích lịch sử cấp quốc gia cho thuê thầu trục lợi - Ảnh 2
Ông Nguyễn Khắc Cường, Trưởng ban khánh tiết làng Cát Quế 

Qua tìm hiểu ban đầu của phóng viên, hàng trăm hộ dân làng Cát Quế phản ánh suốt gần 20 năm qua, chính quyền xã Cát Quế vì mưu lợi cho một nhóm người nên đã dùng một phần lớn diện tích đất trong khu di tích Đền Vật cho thuê thầu để trồng cây, nuôi vịt. Ông Nguyễn Khắc Cường, Trưởng ban khánh tiết làng Cát Quế cho hay: “Trước đây khi di tích rộng hơn 18.000m2 thì giờ chỉ còn hơn 4.000m2. Số đất bị chính quyền lấy cho thuê giờ được quay lại bằng lưới mắt cáo, bên trong trồng bưởi, nuôi vịt. Hàng ngày, mùi phân bón, phân vịt, thuốc sâu tỏa ra làm ô uế không gian Đền Vật, ảnh hưởng đến tôn nghiêm nơi thờ tự khiến người dân địa phương vô cùng bức xúc”.

Cát Quế - Hoài Đức: Chiếm đất di tích lịch sử cấp quốc gia cho thuê thầu trục lợi - Ảnh 3
Ông Trần Đình Bính xót xa nhìn đất Đền Vật bị quây lại bằng lưới mắt cáo 

Vì việc này, đã nhiều năm nay nhân dân, hội viên người cao tuổi, cử tri các khu vực dân cư thôn Quế Dương liên tục có kiến nghị với chính quyền xã, đề nghị trả lại đất di tích nhưng vẫn chưa được giải quyết, làm lung lay niềm tin của nhân dân với chính quyền, pháp luật. Do chính quyền chậm trễ giải quyết khiếu nại nên các hộ dân thôn Quế Dương đã gửi đơn đến nhiều cơ quan báo chí, mong báo chí vào cuộc làm rõ những sai phạm của chính quyền địa phương.

Cát Quế - Hoài Đức: Chiếm đất di tích lịch sử cấp quốc gia cho thuê thầu trục lợi - Ảnh 4
Nam phụ lão ấu xã Cát Quế mong mỏi được thấy lại Khu di tích Đền Vật mênh mông tán cây, linh thiêng thờ tự

Trước thực trạng trên, PV báo Kinh doanh & Pháp luật đã đến UBND huyện Hoài Đức để trao đổi sự việc. Ông Nguyễn Quang Đức, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết, đã từng nhận được phản ánh của báo chí về vấn đề này, và đã chỉ đạo chính quyền xã xem xét, xử lí. Tuy nhiên, không hiểu sao đến giờ lãnh đạo xã Cát Quế vẫn chưa giải quyết. Ông Đức cho biết sẽ thông tin lại với lãnh đạo xã và hẹn phóng viên thứ 6 (13/8) có cuộc làm việc cụ thể về kiến nghị của người dân ở khu Đền Vật.

Báo Kinh doanh & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về sự việc này

Trang Nhi

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục